Hàng vạn người nô nức về Phủ Na lễ chùa đầu xuân
(Dân trí) - Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, hàng vạn người dân và du khách thập phương lại hành hương về với Phủ Na để đi lễ chùa đầu năm. Nhiều người đến đây không quên xin nước lộc để cầu may mắn trong năm mới.
Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ nằm trên địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh ra đời vào năm 1909, được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn và đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh ngày 28/01/1993.
Tín ngưỡng thờ ở Phủ Na là thờ Mẫu. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là, khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Cửa Rừng (chúa Thượng Ngàn) - tín ngưỡng nguyên thủy của người Mường Hòa Bình.
Tại chính tẩm của đền Mẫu, việc thờ Mẹ Âu Cơ và Chúa Liễu Hạnh vẫn song hành tồn tại ở khu vực tối linh của Tam Tòa Thánh Mẫu. Ngoài ra, những khu vực thờ khác như Eo En - nơi thờ Tản Viên và bờ thác nước - nơi thờ Chúa Thượng Ngàn vẫn tồn tại trong cùng hệ thống điện thờ Mẫu Nghi Thiên Hạ.
Nơi đây không chỉ linh thiêng trong tín ngưỡng mà còn có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình với hệ thống núi non và hệ thống đền, miếu quy tụ ở một vùng thung lũng tạo nên một quần thể di tích độc đáo mang tính nguyên sơ.
Người dân và du khách đến đây còn cảm nhận được vong hồn của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh tại đền thờ Thánh Mẫu. Na Sơn vốn là đỉnh cao nhất trong dãy núi Nưa, điều đặc biệt là từ trên đỉnh núi cao có một mạch nước ngầm trào tuôn trong vắt, mát rượi chảy xuống núi từ phía sau đền Thượng.
Du khách đến dâng hương và thưởng ngoạn cảnh chùa thường lấy nước về nhà xem đây là nước lộc. Ngoài các nghi thức cúng tế mang đặc điểm tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện đậm nét còn có các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi trò diễn dân gian cũng được địa phương tổ chức góp phần làm sinh động cho lễ hội.
Hằng năm cứ vào mùa xuân bắt đầu từ ngày mùng 1 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch và mùng 1 đến 16 tháng tám âm lịch, hàng vạn người dân và du khách thập phương lại trở về vừa để thắp hương tưởng nhớ những người có công và cầu may cầu cho một năm mới nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh, gia đình khoẻ mạnh.
Lễ hội Phủ Na đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân xứ Thanh mỗi độ Tết đến, Xuân về. Những ngày đầu xuân Quý Tỵ đã có hàng vạn du khách về với Phủ Na để dâng hương, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hoá tâm linh vẫn còn tồn tại nhiều điều khiến không chỉ những người tổ chức lễ hội mà cả du khách phải suy ngẫm đó là những trò đỏ đen, ăn xin… vẫn tồn tại ở lễ hội. Đặc biệt là ý thức của nhiều du khách cũng như người dân địa phương khi đến chùa thắp nhang cầu khấn còn vứt rác bừa bãi trong khuôn viên khu di tích tạo ra những hình ảnh chưa đẹp mắt về lễ hội.
Duy Tuyên