Hải Yến: "Thời của Người Mỹ trầm lặng đã qua"
Sau vai Phượng trong "Người Mỹ trầm lặng", Đỗ Hải Yến không xuất hiện nhiều trên màn ảnh bởi chị muốn dồn hết tâm sức cho vai chính trong bộ phim "Chuyện của Pao" mà ông xã Ngô Quang Hải làm đạo diễn.
Chị nhận lời vào vai Pao chỉ vì đó là bộ phim của chồng, chị nghĩ sao về ý kiến này?
Thực ra, tôi rất thích nhân vật Pao. Ngay từ lúc đọc kịch bản do anh Hải viết, tôi đã thấy Pao, cô gái người Mông này có nét gì đó giống mình. Bản thân Pao trong kịch bản đã chiếm trọn tình cảm của tôi. Và toàn bộ câu chuyện của phim cũng được kể một cách dung dị, đơn giản. Tất cả những điều đó khiến tôi tin rằng nếu mình vào vai Pao thì cô ấy sẽ là tôi và tôi sẽ là cô ấy.
Từ vai Phượng trong "Người Mỹ trầm lặng" đến cô gái dân tộc là cả một sự khác biệt. Chị làm thế nào để hóa thân vào nhân vật mới của mình?
Đối với tôi, thời của Người Mỹ trầm lặng đã qua. Để thể hiện Pao, tôi đã theo anh Hải đến những miền dân tộc, sống với họ trước khi quay phim nhiều tháng, tập gùi cũi, địu con, đi rẫy... Nghĩa là làm tất cả những công việc lao động chân tay hàng ngày mà một cô gái người Mông vẫn làm. Tôi không muốn phạm vào điều tối kỵ của một diễn viên đó là để người ta thấy mình diễn.
Khi chồng làm đạo diễn, vợ là diễn viên chính thì có lợi thế gì?
Hình như chẳng có lợi thế gì cả, trái lại, tôi bị "quát" suốt khiến tôi có cảm giác hình như anh Hải không chỉ cậy thế đạo diễn mà còn cậy thế là chồng để bắt nạt tôi. Nhưng chung quy lại, tôi cũng hiểu anh ấy thấy tôi quá lo lắng về bộ phim, đến mức có lúc thiếu tập trung. Quả là có lúc tôi phải chạy cuống lên làm những công việc mà diễn viên không thường làm, chẳng hạn như dịch hộ một số vấn đề để nhà quay phim Australia và những người trong đoàn làm phim hiểu được thông điệp của nhau.
Theo chị thì vì sao đạo diễn Ngô Quang Hải chồng chị lại tín nhiệm quay phim là người nước ngoài?
Thật ra ngay từ khi phim mới bắt đầu lên đề cương, anh Hải cũng làm việc một nhà quay phim là người ngoại quốc mà anh đã quen trước đó, rất tiếc là nhà quay phim này không hợp tác được như dự định vì gặp chuyện gia đình. Đến sát ngày khởi quay mà đoàn làm phim vẫn chưa tìm được người thay thế. Cuối cùng, anh ấy mời được nhà nữ quay phim Cordelia Beresford. Tôi nghĩ rằng sự kết hợp giữa đạo diễn nam và nhà quay phim nữ sẽ cũng có cái hay, sẽ có những góc quay, hình ảnh đậm chất nữ tính, những cảm nhận nữ tính từ quay máy này sẽ hợp với diễn xuất của Pao.
Chị có duyên với những đạo diễn nước ngoài hơn là trong nước, phải chăng vì chị "cành cao" với đạo diễn nội?
Đúng là sau "Người Mỹ trầm lặng", tôi nhận được nhiều lời mời từ các đạo diễn nước ngoài hơn nhưng vì nhiều lý do tôi đã từ chối. Với các đạo diễn trong nước cũng vậy, thực ra, các đạo diễn chọn tôi chứ không phải tôi chọn họ.
Cát-xê của Pao so với Phượng như thế nào?
Không có gì phải giấu giếm ở đây, tôi nhận được khoảng 20 triệu đồng đúng như barem trả cát-xê mà nhà nước quy định. Những cái tôi được chắc chắn không phải là ở chỗ đó mà ở chỗ tôi được sống một cuộc đời khác cùng nhân vật của mình, được biết đến trên đất nước nào, trong thời đại này vẫn có những con người đang thầm lặng, vật lộn một cách dũng cảm và bình dị như vậy nơi rẻo cao.
Cái được lớn hơn nữa là tôi có dịp diễn và làm việc hết mình, để khi đóng máy, tôi hoàn toàn có thể an tâm chờ đợi sự đón nhận của công chúng. Dù bất trắc, dù vất vả, nghề diễn viên đối với tôi vẫn đầy hấp dẫn.
Theo Thể Thao Văn Hóa