Hà Trần: "Tôi đang hạnh phúc!"

Hai năm xa nhà theo chồng sang Mỹ, Hà Trần vẫn theo dõi tất cả các album mới để học hỏi. Nhưng chị chưa nóng vội, bởi tính khí hơi khác người, khi nào mọi người lao động, chị rong chơi, mọi người mệt nhoài, chị mới quậy.

Lặn lội chạy show xuyên lục địa từ Mỹ về VN tham gia Đêm thần thoại, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chị chưa thật sự là “điểm đinh” của chương trình, vì nhạc Trịnh không phải là sở trường của chị?

Nhân vật của tôi trong “Đêm thần thoại” - giai nhân 1 - biểu tượng cho ý tưởng tinh thần,  là hình ảnh tương phản với giai nhân 2 của Hồ Ngọc Hà - những người đẹp gợi cảm hứng sáng tạo trong nhạc Trịnh - luôn rực rỡ, chói sáng, nóng bỏng.

Giai nhân 1 phải xuất hiện trong gam màu lạnh, hát vô cảm như thể kể chuyện và mắt xích những tuyến nhân vật khác. Bài hát, hòa âm, hiệu quả sân khấu cho những tiết mục của tôi cũng tuân thủ theo nguyên tắc đó. Từng hợp tác với đạo diễn Phạm Hoàng Nam và nhạc sĩ Quốc Bảo nên khi đọc kịch bản tôi hiểu họ cần gì ở mình. Một “điểm đinh” gây chú ý thì thiếu gì người hát nhạc Trịnh hay ở trong nước? Không cần tốn kém mời tôi bay từ Mỹ về. 

Vấn đề là họ cần một người hiểu sân khấu nhạc kịch, biết phối hợp tính cá nhân với hiệu quả tập thể để tạo âm hưởng mới cho nhạc Trịnh ngoài những khuôn mẫu quen thuộc. Tôi đã thực hiện tốt vai trò của mình - góc lạnh lùng, u tối, “nhiều khi đứng riêng ngoài” của nhạc sĩ. Còn đánh giá tùy thuộc quan điểm từng người.

Theo chồng ở Mỹ đã 2 năm, nhưng dường như chị cũng chỉ mới hoà nhập được với làng ca nhạc hải ngoại, chị đã chuẩn bị những gì để cho việc xâm nhập thị trường âm nhạc Mỹ?

Tôi thấy giới báo chí cứ chủ quan tếu là hễ ra nước ngoài sống là đang chuẩn bị xâm nhập thị trường mới. Xâm lược văn hóa đâu có dễ thế? Nhất là khi, nói cho sòng phẳng, ta còn chậm hơn họ 30 năm phát triển âm nhạc. Thế giới đang quan tâm đến VN bởi mức độ tăng trưởng kinh tế và công nghệ chứ không phải âm nhạc.  Tôi vẫn tiếp tục hoạt động với các nghệ sĩ trẻ Mỹ - Việt trong những dự án nghề nghiệp mà chưa hoặc không cảm thấy cần công bố trước dư luận.

Trong thời gian còn ở Việt Nam, chị là một trong những ca sĩ dám “bung phá”, cá tính và thể hiện cái tôi rất quyết liệt, thể hiện rõ nhất qua show Nhật thực, nhưng dường như quá trình ca hát ở Mỹ, chị có vẻ hát vì khán giả nhiều hơn, đằm thắm và dịu dàng hơn. Chị nghĩ sao về nhận xét này?

Sự đằm thắm có thể vì tôi đang hạnh phúc. Tôi không quan tâm đến những phán đoán bên ngoài, chỉ hát tâm trạng của mình. Hai năm nay tôi vẫn theo dõi tất cả các album mới như một người học hỏi, một quan sát viên. Tôi thấy có nhiều thay đổi táo bạo và tích cực nhưng thực lòng không muốn vào cuộc. Tính tôi ưa trái khoáy, người ta lao động tôi rong chơi, người ta mệt nhoài tôi mới quậy chuyện mình.

Chị từng nói rằng muốn trở thành một công dân của thế giới, làm việc ở bất cứ nơi nào. Nhưng rồi “sẽ có một ngày niềm vinh quang say đắm sẽ bỏ em ra đi… và cả tiếng hát cũng bỏ em ra đi” thì đâu là điểm dừng chân của chị?

Nếu yên tâm với vai trò ngôi sao thì cứ nỗ lực giữ danh hiệu ở VN là đủ, chẳng cần đi đâu cả. Nhưng tôi muốn bước ra ngoài với những người Việt trẻ khắp nơi hội nhập cùng thế giới. Không chỉ riêng tôi, sự hoán đổi là ước mơ của những con người khát vọng mạnh mẽ. Một anh tiến sĩ địa chất học người Pháp trở thành chủ nhà hàng danh tiếng ở Hà Nội. Một cô sinh viên Ngoại thương Việt Nam trở thành nhà tạo mẫu thời trang London. Một người mẫu danh tiếng thành ca sĩ được ưa chuộng. Một sinh viên Nga văn truờng Tổng hợp thành giám đốc khu vực của một doanh nghiệp đa quốc gia...

Bạn của tôi là những người như thế. Sự dũng cảm dấn thân ở họ khiến tôi thấy mình nhỏ bé. Đi tới cùng giấc mơ mới khiến tôi tự hào về bản thân chứ không phải những ăn thua danh tiếng.

Nhưng một sự im lặng kéo dài có thể khiến chị “chìm nghỉm” giữa đám đông?

Mẹ tôi khi còn sống thường nói: “Con người cũng giống như tự nhiên: nhẹ nổi, nặng chìm”... Gia đình tôi nhiều năm nay giữ tác phong sống như thế, chỉ xuất hiện khi cần thiết.  

Là phụ nữ trong gia đình, nhưng dường như chị luôn là “chỗ dựa tinh thần” cho bố Trần Hiếu, bố Trần Tiến và anh trai. Giờ lấy chồng và ở xa, chỗ dựa ấy còn vững chắc không?

Lần đầu tiên về thăm nhà, bố Tiến ôm tôi bảo: “Con ơi, đừng đi nữa. Ở nhà hát với bố đi. Ai cũng nhắc con cả….”. Chúng tôi mỗi người một cá tính nhưng chung quan điểm sống và rất tôn trọng nhau. Gia đình luôn mong chờ những thành công mới của tôi. Mỗi lần tôi về cả nhà tụ họp. Bạn bè cũng nghỉ làm để phụ giúp công việc. Một số fan ruột buổi diễn nào cũng đi xem, tốn bao nhiêu tiền cũng chịu chỉ để nuôi niềm tin tôi vẫn còn hát….Tôi thương họ vô cùng. Chính những tình cảm đó đốt lửa cho tôi và giữ tôi ở lại với sân khấu.

 Theo Ngôi Sao