Giọng ca cổ điển Trịnh Phương - người học trò dung dị của NSƯT Dương Minh Đức

(Dân trí) - 19 năm theo đuổi đam mê âm nhạc, 5 năm sống và học tập tại Nga, và mới nhất là album nhạc Nga có tên gọi “Cánh đồng Nga” gồm 10 ca khúc kinh điển được phối khí, thu âm tại Nga, nghệ sĩ Trịnh Phương cho thấy một sự cố gắng bền bỉ trên hành trình âm nhạc.

Gặp Trịnh Phương vào những ngày nghỉ ít ỏi anh về thăm gia đình sau những ngày dài tu nghiệp tại Nga, vẫn áo phông, quần jeans, chiếc mũ lưỡi trai “bụi bụi”, anh kể lại về những tháng ngày xoay xở học hành bên đất nước Nga xa xôi: “Những ngày đầu mới sang, tôi có quá nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, vừa buồn vừa nhớ nhà, mà khổ nhất là chưa biết tiếng nước bạn. Thành ra chật vật để chiến đấu với ngoại ngữ mới, đến mức mùa hè mọi người về nghỉ hè hết, mình tôi ở lại học tiếng để theo kịp bài giảng của năm học chính thức”.

Giọng ca cổ điển Trịnh Phương - người học trò dung dị của NSƯT Dương Minh Đức - 1

Nghệ sĩ Trịnh Phương.

Năm 2013, Trịnh Phương nhận quyết định công tác tại trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân Đội sau khi tốt nghiệp hệ Đại học thanh nhạc của trường. Năm 2014, Trịnh Phương được cử đi tu nghiệp Thạc sỹ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Nga Gnhexin, Liên Bang Nga. Đến năm 2017 anh tiếp tục ở lại Nga theo học chương trình dành cho chuyên gia về giảng dạy biểu diễn thanh nhạc.

Ngày được nhận quyết định, anh vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là cơ hội không phải ai cũng có được, nhưng lo vì quãng đường học hành còn quá gian nan, lại phải bỏ lại cha mẹ, gia đình ở quê nhà đi xa mấy năm trời, cũng trăn trở nhiều lắm.

Nhưng rồi ý chí và niềm đam mê âm nhạc đã cho tôi động lực để từng ngày, từng ngày vượt qua tất cả những khó khăn, cả về vật chất và tinh thần. Tôi phải cảm ơn nhiều bố mẹ tôi, những người luôn bên cạnh và ủng hộ tôi vô điều kiện. Tôi cũng phải cảm ơn môi trường quân đội, đặc biệt là trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã cho tôi cơ hội được tiếp xúc với cái nôi âm nhạc tuyệt vời nhất trên thế giới. Và đặc biệt cảm ơn những người bạn, cả ở Việt Nam và Nga, đã giúp đỡ tôi vô cùng tận tâm. Tôi biết ơn tất cả”. 

Album “Cánh đồng Nga” được anh thực hiện hoàn toàn tại nước Nga, từ thu âm tới phối khí, thiết kế, album gồm những bài hát Nga đã gắn bó với rất nhiều người Việt Nam yêu đất nước và con người, văn hóa Nga như "Thời thanh niên sôi nổi", "Chiều hải cảng", "Thật thú vị vào buổi tối ở Nga", "Cánh đồng Nga", ... 

Giọng ca cổ điển Trịnh Phương - người học trò dung dị của NSƯT Dương Minh Đức - 2

Nghệ sĩ Trịnh Phương và bạn học tại Nga.

Album “Cánh đồng Nga” được Trịnh Phương thực hiện trong gần một năm, khi được hỏi về những khó khăn, vất vả trong quá trình thực hiện album, anh chỉ ngập ngừng mà không muốn nói nhiều, anh nói: “Tôi coi sản phẩm âm nhạc như đứa con, đã là con của mình rồi, tính toán thiệt hơn làm gì”.

Rồi cứ thế, không toan tính, không cân đo đong đếm về khả năng thương mại hay “thu hồi vốn”, anh thực hiện “Cánh đồng Nga” với một sự thôi thúc trong trái tim, “Tôi chỉ thấy phải làm gì cho âm nhạc cổ điển và cho đất nước, âm nhạc Nga, vậy thôi!”, anh chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình không mấy dư dả về kinh tế, nhưng Trịnh Phương biết ơn cha mẹ vì luôn động viên và khích lệ anh trên con đường âm nhạc, không chỉ 5 năm anh xa nhà, mà còn là cả quãng đường gần 20 năm anh theo âm nhạc.

Nhiều lúc khó khăn tưởng chừng không bước nổi, Trịnh Phương chia sẻ: “Có những thời điểm khó khăn, tôi đã từng phải đi làm thêm những công việc tay chân cho một số nhà hàng, quán ăn bên này mới đủ tiền trang trải cuộc sống. Đến khi sống ổn rồi mới dám nghĩ tiếp chuyện làm một sản phẩm âm nhạc cho riêng mình. Cũng có khi phải nhờ cả tiền của gia đình, tiền tiết kiệm”.

Trịnh Phương xuề xòa ở ngoài, nhưng trong âm nhạc, anh lại là người chỉn chu và kĩ đến từng nốt nhạc, từng hơi thở. Chất giọng Tenor 2 lồng lộng mỗi khi cất lên, người ta thấy “nét” trong từng cách nhả chữ, lấy hơi.

Chất giọng bay, sáng, các vị trí âm thanh đầy đặn, chắc chắn khiến cho Trịnh Phương thuận lợi để thể hiện nhiều dòng nhạc khác nhau. Tuy nhiên, thay vì một dòng nhạc dễ tiếp cận khán giả hơn, dễ “kiếm tiền” hơn, thì anh vẫn chọn cổ điển và những tình khúc Nga cho lần đầu ra mắt khán giả, với anh, đó là sự tri ân cho những gì anh đã được học, được đào tạo, là dòng máu đang chảy trong huyết quản mà chưa một ngày anh cảm thấy muốn “buông tay”.

18 năm với âm nhạc, chưa quá dài để so sánh âm nhạc như số phận cuộc đời, nhưng với Trịnh Phương, âm nhạc đã như mối lương duyên, mà ở đó, anh gặp được những người thầy, người bạn cho anh rất nhiều những bài học về chuyên môn, về cuộc đời.

Giọng ca cổ điển Trịnh Phương - người học trò dung dị của NSƯT Dương Minh Đức - 3

Nghệ sĩ Trịnh Phương và Giáo sư NSND Vladimia Nikolaievich Redkin.

Anh rưng rưng kể lại: “Tôi biết ơn và thấy may mắn khi được những người thầy lớn trong âm nhạc dìu dắt từ những ngày đầu, thầy Doãn Tần, người đã dạy cho tôi nhạc cảm, chất trữ tình, thầy Gia Khánh tiếp thêm cho tôi chất “thép” trong giọng hát. Rồi thầy giáo Đại tá NSƯT Dương Minh Đức, người đã dạy tôi cách sống và truyền cho tôi cái lãng mạn trong âm nhạc…

Và một người thầy lớn nữa là giảng viên Nikolai Nikolaievich Maibroda của Nga, người đã chỉ ra và giúp tôi bù đắp những thiếu sót, để hoàn thiện hơn trong thanh nhạc, nhưng rất buồn vì thầy đã mất trước khi tôi tốt nghiệp một tháng. Còn rất nhiều, rất nhiều những người thầy, người bạn nữa mà tôi mang ơn rất nhiều, vì có những con người đáng quý ấy, mới có tôi ngày hôm nay”.

Khác nhiều nghệ sĩ khác, Trịnh Phương không đao to búa lớn về những gì mình đang làm, đang theo đuổi. Như cái cách anh đến với âm nhạc, thầm lặng, bình tâm, không tị hiềm, không tranh đoạt với ai. “Cứ có âm nhạc, có tiếng đàn vang lên là tôi hát thôi, tôi chỉ thấy không có âm nhạc thì cuộc sống của tôi chắc có lẽ rất buồn. Với tôi, được hát những ca khúc mình yêu thích, khi công việc cũng chính là điều mình đam mê, mình được làm điều đó hàng ngày, thì cũng là điều hạnh phúc rồi”, anh nói.

Nghe Trịnh Phương hát trên sân khấu, từng lời, từng chữ mới thấy ở anh sự chân thành, thật tâm, không cố màu mè, phô trương hay cố gắng để thể hiện “cái nọ, cái kia”.

Anh sống chân thành với bạn bè, giúp ai thì giúp hết sức, không so đo, tính toán. Đôi khi bị hiểu lầm cũng cười xòa cho qua. Anh tin rằng, giá trị cuộc sống thể hiện ở những gì mình làm được, học được, theo những bài học và trải nghiệm cuộc đời, chứ không phải do những tranh đua.

Với anh, sống là vui, là thoải mái mỗi ngày, hay âm nhạc cũng vậy, phải giúp cho cuộc sống được thăng hoa, nhiều màu sắc, sinh động hơn, còn khi nghe thấy âm nhạc mà không thấy vui hay hạnh phúc nữa, thì lúc ấy tâm hồn mình cũng chết rồi.

Giọng ca cổ điển Trịnh Phương - người học trò dung dị của NSƯT Dương Minh Đức - 4

Nghệ sĩ Trịnh Phương và thầy giáo người Nga - NSND Nikolai Nikolaievich Maibroda.

Phương nó thật lắm, không biết màu mè bao giờ, lúc nào cũng nhường nhịn người khác. Có thời gian chơi thân với nhau quá, bị người ta đồn thổi là “cặp bồ” với nhau, mà cả hai đứa chỉ thấy buồn cười, tôi cũng chẳng buồn thanh minh gì, vì bản thân mình sống thế nào, thì mình và người thân biết là đủ rồi”, ca sĩ Nhật Huyền tâm sự rất thật khi được hỏi về ca sĩ Trịnh Phương.

Vốn là bạn thân với nhau nhiều năm trời, lại cùng theo học âm nhạc của thầy giáo Đại tá NSƯT Dương Minh Đức, hai người nghệ sĩ chứng kiến từng bước đi trong sự nghiệp của nhau, và đặc biệt trân trọng nhau trong âm nhạc.

Nhiều khi nhìn người ta đua tranh, mà thấy Phương cứ “bình chân như vại”, là bạn thân, tôi lại sốt ruột thay cho bạn, nhưng rồi mãi mới thấy rằng, Phương có cách của riêng mình, nói khi cần và chỉ làm những điều Phương thực sự thích, và không phải nghệ sĩ nào cũng có được sự điềm tĩnh đó trong âm nhạc”.

Ngày 5/5 tới, nhạc sĩ Trịnh Phương có buổi họp báo ra mắt album vol1 “Cánh đồng Nga” lại nhà hàng Xích Lô, Mátxcơva, Nga, cũng là thời điểm anh sắp hoàn thiện chương trình đào tạo tại Học viện Âm nhạc quốc gia Nga Gnhexin để trở về Việt Nam.

Lan Anh