Giới nhà giàu Châu Á mua sắm hàng hiệu như thế nào?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Giới nhà giàu Châu Á đang trở thành những khách hàng quan trọng hàng đầu của các thương hiệu thời trang xa xỉ trên khắp thế giới.

Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc nổi tiếng với các trung tâm thương mại cao cấp sang trọng với hàng loạt cửa hàng đồ hiệu nhưng khách hàng lại không hề đông đúc. Khi đi qua những cửa hàng này, bạn sẽ thấy những nữ nhân viên bán hàng trẻ trung, ăn mặc đẹp đẽ đang đi quanh cửa hàng, chỉnh sửa một số mặt hàng được trưng bày trong cửa hàng của mình. Nhiều người sẽ thắc mắc, vậy khách hàng của họ đang ở đâu?

Một số ý kiến cho rằng các trung tâm mua sắm đã chiết khấu tiền thuê địa điểm cho các thương hiệu tên tuổi để làm cho trung tâm thương mại của họ trở nên sang trọng và hấp dẫn hơn đối với các khách hàng tiềm năng. Những người khác nói rằng các cửa hàng đó chỉ đang hoạt động tiếp thị để quảng bá thương hiệu với khách hàng giàu có. Giả thuyết thứ ba là việc mua sắm thực sự diễn ra theo lịch hẹn trong một căn phòng riêng phía sau cửa hàng hoặc tại phòng khách sạn của khách hàng. 

Thực tế là giới nhà giàu Châu Á thích mua sắm ở nước ngoài và mua sắm qua mạng. Một thống kê gần đây cho thấy 40% các giao dịch mua hàng xa xỉ của người Trung Quốc được thực hiện ở bên ngoài Trung Quốc đại lục. Những người Trung Quốc giàu có thực hiện trung bình 6 chuyến đi nước ngoài mỗi năm để mua sắm. Họ sẽ thích tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ để sắm đồ. Vì thế, thay vì bán cho khách hàng địa phương, một cuộc khảo sát gần đây của Contact Labs (tập đoàn cung cấp các giải pháp tạo nên khách hàng tiềm năng) cho thấy 90% doanh số bán hàng xa xỉ ở Hồng Kông và Macau đến từ người nước ngoài tham gia mua sắm khi đi du lịch.

Mua sắm qua mạng cũng đang gia tăng đối với người Trung Quốc. Người Trung Quốc không mua nhiều sản phẩm xa xỉ trong nước mà mua qua mạng hoặc ra nước ngoài sắm đồ vì mong muốn có được sản phẩm chất lượng cao hơn, tránh hàng giả và tận dụng lợi thế của giá thấp hơn.

Giới nhà giàu Châu Á mua sắm hàng hiệu như thế nào? - 1

Kiều nữ siêu giàu Châu Á Kim Lim có sở thích mua sắm đồ hiệu (Ảnh: Instagram).

Hàng giả xuất hiện khá nhiều ở Châu Á, ngoài ra các loại thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ cũng làm tăng giá hàng hóa xa xỉ ở Trung Quốc đại lục. Các thương hiệu xa xỉ đang phải vật lộn để phục vụ khách hàng xuyên biên giới và họ đang tập trung vào trải nghiệm mua sắm xuyên biên giới của khách hàng.

Ví dụ, nhãn hiệu Burberry vốn nổi tiếng là thương hiệu đi đầu trong trải nghiệm khách hàng, được cho là đã thuê 150 nhân viên bán hàng nói tiếng Quan Thoại tại các điểm đến du lịch nổi tiếng để đón khách du lịch Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc chiếm 1/3 tổng chi tiêu xuyên biên giới trên toàn thế giới cho hàng xa xỉ và tỷ lệ đó đang tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2025, McKinsey & Company dự báo rằng người tiêu dùng hàng xa xỉ Trung Quốc sẽ chiếm 44% thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, việc đặt những nhân viên nói tiếng Quan Thoại trong một cửa hàng không giải quyết được hết các vấn đề nhận biết những khách hàng tốt nhất ở mọi cửa hàng trên khắp thế giới. Để làm được điều đó, nhân viên bán hàng cần có khả năng truy xuất tất cả những thông tin liên quan về người mua sắm. 

Kho dữ liệu khách hàng là chìa khóa quan trọng đối với các nhà bán lẻ đồ hiệu vì họ cần những thông tin chi tiết để có được cái nhìn toàn diện về khách hàng từ bất kỳ cửa hàng nào.

Xét về tổng thể, sức chi tiêu của phụ nữ giàu có từ Hàn Quốc và Nhật Bản không lớn bằng phụ nữ Trung Quốc nhưng họ vẫn đại diện cho một nhóm người tiêu dùng quan trọng mà nhiều thương hiệu xa xỉ cần phải phục vụ và hiểu rõ hơn, theo một cuộc khảo sát do Agility Research thực hiện. 

Phụ nữ Hàn Quốc và Nhật Bản đều tự tin khi mua sắm hàng hiệu. Thống kê cho thấy, phụ nữ Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ mạng xã hội, với 26% mua một món đồ xa xỉ vì nó được một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội giới thiệu. Với phụ nữ Nhật Bản, con số này là 14%.

Trong khi phụ nữ Nhật Bản có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho đồng hồ cao cấp đắt tiền thì phụ nữ Hàn Quốc có kế hoạch mua nhiều quần áo thời trang hơn. Phụ nữ Nhật Bản thường tự chủ hơn trong việc mua sắm đồ đắt tiền so với phụ nữ Hàn Quốc nhưng phụ nữ Hàn Quốc thiên về lý trí hơn khi chọn mua hàng xa xỉ. Họ cũng tự mô tả mình là người tạo ra xu hướng.

Khi tới trung tâm mua sắm Chadstone ở Melbourne, Australia, một cảnh trong phim Crazy Rich Asians có thể dễ dàng được nhìn thấy. Những người mua sắm trẻ đẹp, ăn mặc chỉnh tề đang lướt qua các cửa hàng cao cấp nhất, từ Gucci đến Dior. Hãng thời trang nổi tiếng của Pháp Hermès cũng đã mở cửa hiệu tại trung tâm mua sắm khổng lồ này.

Theo thống kê, nhóm khách hàng trẻ giàu có tại Australia ngày càng tăng, chủ yếu là sinh viên Châu Á, những người góp phần quan trọng trong việc củng cố doanh số bán hàng xa xỉ và khiến các trung tâm mua sắm cũng như các khu bán lẻ lớn nhất của Australia tập trung "toàn lực" vào phục vụ.

Trailer phim "Con nhà siêu giàu Châu Á" (Video: Roadshow Films).

Chuyên gia tư vấn phong cách sống - Người tư vấn mua sắm cá nhân nổi tiếng Châu Á Aimee Hashim cho biết: "Đặc điểm chung của những khách hàng siêu giàu đó là họ luôn biết họ muốn gì và họ cần có thứ đó càng sớm càng tốt. Họ luôn dẫn đầu xu hướng vì thế những người thực sự giàu có luôn muốn có những thứ mới nhất.

Giới nhà giàu Châu Á mua sắm hàng hiệu như thế nào? - 2

Các cô nàng sành điệu và giàu có ở Châu Á thích đi nước ngoài du lịch và mua sắm (Ảnh: Pinterest).

Khách hàng "đại gia" muốn đi trước thời đại và không muốn bỏ lỡ tất cả những mặt hàng hot nhất, đáng thèm muốn nhất. Nếu họ thích món đồ gì đó, họ sẽ mua ngay lập tức và giá tiền sản phẩm không phải vấn đề lớn. Ngoài ra họ còn có sở thích là mua một mặt hàng cụ thể mà họ để mắt đến với tất cả các màu sắc và kiểu dáng có sẵn".

Aimee Hashim nói thêm rằng: "Người giàu thường muốn những thứ mà ngay cả những người giàu cũng khó tìm được. Nếu họ là người đầu tiên mặc đồ hoặc có chiếc túi, đôi giày hàng hiệu mẫu mới nhất thì họ đánh giá đó là sự "thúc đẩy" lớn đối với mức độ liên quan đến xã hội của họ".

Hiện tại, giới siêu giàu Châu Á còn thích nhờ cậy tới những người tư vấn mua sắm cá nhân. Đó là những người giúp họ mua sắm bằng cách đưa ra lời khuyên và đưa ra gợi ý. Vì họ quá bận rộn để tới cửa hiệu nên họ sẽ yêu cầu trợ lý của mình liên hệ với một người mua sắm cá nhân nổi tiếng như Aimee để giúp họ chọn đồ và mang hàng tới trước cửa nhà của họ.

Đôi khi người giàu còn trả tiền trước để những người mua sắm đáng tin cậy của họ có thể mua ngay lập tức khi người này nhìn thấy những thứ họ muốn.

"Nếu khách hàng đã thiết lập mối quan hệ tốt với một người mua sắm cá nhân và đủ tin tưởng vào người này, họ thậm chí còn chuyển tiền trước cho người mua sắm để người này có thể mua một sản phẩm phiên bản giới hạn ngay khi sản phẩm đó ra mắt", Aimee Hashim cho biết. 

Theo www.realcommercial.com.au