Gian nan phim cổ trang
(Dân trí) - Cùng với nhịp phát triển mạnh mẽ của phim truyền hình, đề tài lịch sử, cổ trang cũng đang được chú ý. Và như thường lệ, những đặc thù riêng về tính lich sử, về phục trang, về bối cảnh... luôn khiến các nhà làm phim Việt Nam đau đầu!
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, có thể thấy, UBND Thành phố Hà Nội đã mở lòng hết sức khi quyết định đầu từ cho bộ phim truyền hình dài tập Trần Thủ Độ (30 tập) với dự toán lên tới 51 tỷ đồng tiền Việt. Với số tiền “chóng mặt” ấy cũng thể hiện sự khó khăn trong quá trình sản xuất thể loại phim lịch sử. Đơn vị sản xuất phim Trần Thủ Độ được giao về hãng phim truyện I . Tuy bí mật thông tin với báo chí, nhưng những thông tin về việc hãng phim phải thuê trường quay Hoàng Điếm của Trung Quốc, thuê ngựa của Trung Quốc... vẫn lộ ra.
Để vào vai các nhân vật lịch sử, diễn viên phim Trần Thủ Độ phải học võ nghệ, học cưỡi ngựa, bắn cung, học các nghi lễ triều đình, học cách nhấn nhả thoại sao cho giống người xưa. Lớp học lịch sử do các Giáo sư lịch sử đầu ngành như GS Lê Văn Lan được mở ra. Đoàn làm phim phải thuê các võ sư về giảng dạy và tập luyện cho các diễn viên. Để học được cung cách, thần thái của người xưa là việc không dễ dàng, nhất là với các diễn viên trẻ- những người sinh ra và lớn lên trong thời đại enternet, chuộng thời trang Harajuku và nghe nhạc hiphop. Diễn viên Minh Hương từng kể về vai diễn Lành trong phim Trần Thủ Độ "Chúng tôi phải học cưỡi ngựa, tập võ nghệ rất vất vả. Bầm tím chân tay là chuyện bình thường. Những ngày nắng nóng như đổ lửa ở Huế, phải khoác xiêm y mấy lớp trên người, nóng gần như... phát điên! Mồ hôi chảy ròng ròng. Phim lại thu tiếng trực tiếp, nóng đến mấy cũng không được bật quạt. Nói chung là vất vả... Nhưng nghề của mình mà, vất vả hơn nữa cũng vẫn phải nỗ lực". Hay nói như đạo diễn Đào Duy Phúc “Nắng nóng thế này, mặc quần áo thường còn phát điên, huống hồ diễn viên của đoàn phim phải mặc toàn áo giáp. Những điều này chẳng cần phải nói ra, các bạn cũng có thể tưởng tượng được”.
Sau “sự cố” Á hậu Thiên Lý dừng vai Trần Thị Dung, đoàn làm phim Trần Thủ Độ đã thử vai với nhiều cái tên, nhưng “trụ” đến vòng cuối cùng là Diệu Hương và Nhật Kim Anh. Sang đến trường quay Hoàng Điếm, cả hai nữ diễn viên đều đã có những cảnh quay thử. Nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Theo thông tin riêng của Dân trí, những cảnh quay thử của hai diễn viên Diệu Hương và Nhật Kim Anh sẽ được dựng hoàn chỉnh, sau đó trình lên các cấp ngành quan trọng duyệt, sau đó mới có quyết định chính thức. Điều đó thể hiện sự cẩn trọng của các nhà làm phim, và cũng thể hiện sự khó khăn khi tìm một gương mặt phù hợp với phim cổ trang lịch sử.
Bên cạnh dự án 51 tỷ- Trần Thủ Độ “hoành tráng”, còn có Lều chõng của đạo diễn Thanh Vân. Lều chõng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. Phim tái hiện lại bối cảnh thi cử với nhiều khó khăn, cực khổ của các sĩ tử một thời. Khó khăn nhất vẫn là... bối cảnh.
Lều chõng tái hiện lại không khí thi cử thời thi Hương, thi Hội, thi Đình, với những khát vọng “Vinh quý bái tổ” của các sĩ tử. Mỗi sĩ tử lên đường với những cuộc đời riêng, những khó khăn riêng, những khát vọng riêng. Thi cử cũng có những câu chuyện gian lận, mua điểm, “ăn tiền hốt bạc” giữa trường thi...
Phục trang cho Lều chõng phải bỏ tiền may mới hoàn toàn. Hoàn tất phần quay cho Lều chõng, Thanh Vân vẫn tiếc: “Về phần tóc giả, ở những nước như Trung Quốc, họ làm rất giỏi, đàn ông có thể búi tó, có thể xõa ra, tùy từng bối cảnh sinh hoạt. Nhưng ở ta, để làm được phần búi tó cho các nam diễn viên, bộ phận hóa trang phải sử dụng đến rất nhiều “kỹ thuật hỗ trợ” phía dưới mái tóc. Mái tóc đã búi tó lên thì không thể xõa xuống. Tôi cảm thấy tiếc, khi các diễn viên trong phim, từ đầu đến cuối, lúc nào cũng búi tó! Thực tế, người đàn ông xưa, có lúc họ búi lên, có lúc họ cặp lại phía sau, có lúc họ lại xõa ra... Giá mà làm được linh hoạt như vậy sẽ hài lòng hơn. Nhưng những lỗi này, có lẽ, mong khán giả đại xá cho được, nhỉ? ”.
Hào Hoa