Gia đình nhạc sĩ Trần Thiện Thanh lên tiếng vụ Đức Tuấn sửa lời “Hoa trinh nữ”
(Dân trí) - Chị Trần Thiện Thanh Trúc - con gái của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cho biết: "Ca sĩ Mỹ Lan hiện không đủ pháp nhân để lên tiếng về tác quyền cũng như đề nghị cấm lưu hành album “Một ngày ta được yêu” vì lí do tác quyền hay lí do sửa lời".
Sáng ngày 19/3, tại TPHCM những người thừa kế chính thức của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã có buổi gặp truyền thông để thông tin xung quanh những lùm xùm về tác quyền của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Buổi gặp được tổ chức trực tuyến giữa hai đầu Mỹ và Việt Nam với sự có mặt của ca sĩ Đức Tuấn - người vừa phát hành album “Trần Thiện Thanh - Một ngày ta được yêu”; hai con của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gồm chị Trần Thiện Thanh Trúc (sống tại Mỹ) và Trần Thiện Anh Châu (sống tại TPHCM).
Chị Trần Thiện Thanh Trúc - con gái của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nói: "Lâu nay anh em chúng tôi chưa bao giờ lên tiếng về tác quyền cũng như những câu chuyện liên quan đến gia đình nhưng hôm nay chúng tôi quyết định gặp gỡ báo giới vì muốn bảo vệ cho những giọng ca trẻ cũng như hi vọng âm nhạc Trần Thiện Thanh được trở lại và sống mãi trong lòng bạn yêu nhạc Việt Nam".
Cụ thể, sau khi ca sĩ Đức Tuấn phát hành đĩa đơn “Hoa trinh nữ”, ca sĩ Mỹ Lan - người tình cuối đời của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lên tiếng về việc Đức Tuấn hát sai lời, tự ý sửa lời.
Thậm chí cô còn đòi cấm lưu hành album “Trần Thiện Thanh - Một ngày ta được yêu” có ca khúc “Hoa trinh nữ” trong đó. Được biết, điều này gây phẫn nộ cho những người thừa kế chính thức tài sản Trần Thiện Thanh là các con của ông đang sống tại Việt Nam và Mỹ.
Theo lời chị Thanh Trúc, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có bốn người con với mẹ chị (bà Trần Thị Liên-PV) gồm: Trần Thiện Anh Chương (mất 2014), Trần Thiện Thanh Trúc, Trần Thiện Thanh Trân và Trần Thiện Anh Châu. Em út Trần Thiện Anh Chính là con của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với ca sĩ Kim Dung, được gia đình nhìn nhận.
Về phía ca sĩ Mỹ Lan - người đã lên tiếng về việc Đức Tuấn hát sai lời, chị Thanh Trúc cho biết: "Với ca sĩ Mỹ Lan, tôi chưa hề nghe ba nói còn em nào là con của ca sĩ Mỹ Lan và của ba tôi. Nên nếu gọi khía cạnh nào đó chỉ bố biết, còn chính danh tôi chưa biết.
Gia đình tôi rất hoan hỉ nếu cô Mỹ Lan chứng minh được con của cô là em của chúng tôi. Hiện năm anh em đang yêu cầu ca sĩ Mỹ Lan xét nghiệm ADN của con ca sĩ nhưng vẫn chưa gửi lại kết quả từ rất nhiều năm qua".
Theo chị Thanh Trúc và anh Anh Châu, điều này có nghĩa là ca sĩ Mỹ Lan và con trai cô hiện thời chưa có được quyền thừa kế về tác quyền nên cũng không đủ pháp nhân để lên tiếng về tác quyền cũng như đề nghị cấm lưu hành album “Một ngày ta được yêu” vì lí do tác quyền hay lí do sửa lời.
Theo khẳng định của gia đình, thì ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ngay chính ông hát có nhiều phiên bản.
Cụ thể với ca khúc “Hoa trinh nữ”, anh Trần Thiện Anh Châu, con trai nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, chia sẻ: "Bài hát “Hoa trinh nữ”, có hai vế để nói. Thứ nhất là sáng tác này hát ở giai đoạn 1963-1975, câu “người lính phong trần” như cô Mỹ Lan nói là chính xác, trong bản gốc “Hoa trinh nữ”, ba tôi viết như vậy và các ca sĩ thế hệ cũ: Chế Linh, Thanh Tuyền vẫn trình bày như vậy.
Nhưng thứ hai, giai đoạn sau 1975, cụ thể vào đêm nhạc 1987 khi ba được trở lại sân khấu tại TPHCM, chương trình đầu tiên Sở Văn hoá thông tin thời đó cấp phép cho ba tôi diễn, khi đó nhạc sĩ Xuân Hồng làm Giám đốc sở, tôi nhớ tôi đi với ba. Tại buổi diễn đó và cả bản ghi âm gần như cuối cùng của ba tôi tại hải ngoại vào năm 2002-2003 thì ca khúc này được hát như "người khách phong trần".
Câu chuyện "người khách phong trần" còn mang tính riêng tư của gia đình, bởi những năm cuối đời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sống tại Mỹ. Và trong tâm khảm ông, thời điểm đó ông như người lữ khách xa nhà.
Anh Châu nói thêm: "Năm 2001, khi tôi sinh con trai thứ của tôi, tôi gọi cho ba nói rằng tôi đặt tên cháu là Trần Thiện Châu Văn. Ba tôi đã đặt lại là Châu Lữ với ý nghĩa là người lữ khách xa nhà, là gửi gắm của lòng ông nội - một người khách xa nhà đang nhớ về cháu”.
Theo hai con của Trần Thiện Thanh thì những phát ngôn cấm phát hành album “Một ngày ta được yêu” từ ca sĩ Mỹ Lan là những phát ngôn không kiểm soát, gây ngộ nhận cho khán giả.
“Điều này khiến chúng tôi quyết định phải lên tiếng, phải làm gì đó cho mọi việc sáng tỏ. Chúng tôi không muốn vì những lùm xùm không đáng có như vậy làm ảnh hưởng việc phát hành âm nhạc Trần Thiện Thanh cũng như hoài phí đi tâm sức của những nghệ sĩ trẻ, đầy tài năng như Đức Tuấn hay nhạc sĩ Lê Thanh Tâm trong việc phổ biến lại những tác phẩm có giá trị”, chị Thanh Trúc nói.
Sau cuộc đối thoại, các con của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ca sĩ Đức Tuấn cũng mong muốn kết thúc những lùm xùm ở đây. Riêng Đức Tuấn cũng thể hiện quyết tâm đi trên con đường mình đã chọn là mang đến cho công chúng những giai điệu hay, lời ca đẹp cùng âm nhạc không định kiến.
Hiện tác quyền ca khúc nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được gia đình uỷ thác cho Công ty TNHH Làng Văn làm đại diện từ năm 2014. Từ năm 2018, Làng Văn đã ký kết với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để khai thác những nhạc phẩm Trần Thiện Thanh trong nước. Kho tàng nhạc Trần Thiện Thanh hiện hơn 400 tác phẩm, trong đó hơn 160 tác phẩm được phổ biến trong nước.
Album “Trần Thiện Thanh - Một ngày ta được yêu” là album nhạc Trần Thiện Thanh đầu tiên của một ca sĩ tại Việt Nam làm sau năm 1975.
Băng Châu
Ảnh: NVCC