"Em bé Hà Nội" giờ đã là NSND

Lan Hương nay đã là NSND sau 34 năm theo nghề sân khấu và trở thành một trong những người trẻ nhất được phong tặng trong đợt này. Đó là sự ghi nhận đóng góp của chị nhưng hẳn cũng không phải mục đích phấn đấu duy nhất trong 34 năm theo nghề sân khấu.

Chị được gọi là người nghệ sĩ có gương mặt không già, thậm chí vẫn “em bé”, bây giờ lên NSND rồi có thấy mình già không?

 

(Cười) Thấy thế thật! Trước đây lên hàng NSND thường đã bước vào tuổi 50, sắp nghỉ hưu đến nơi. Nhưng từ thời chị Lê Khanh lên NSND thì đã có cải tiến. Tôi cũng ngoại tứ tuần, đã 34 năm trong nghề rồi còn gì.

 

Xét cho cùng, để đạt thành tích này người ta có cần chút may mắn hay chỉ do nỗ lực mà nên?

 

Tôi lên NSƯT năm 1996, từ đó nhận thêm nhiều giải thưởng và cả sự ưu ái chứ không phải nhảy ngay lên NSND. Tôi nói sự ưu ái là có ý nhắc đến may mắn đấy. Ở tuổi này nghiệm ra vẫn cần may mắn bởi thực tế có nhiều người giỏi nhưng lại không được làm nhiều chẳng hạn.

 

Bây giờ hài kịch nhiều, chính kịch ít đi, kể từ vai Quỳnh ấn tượng trong vở “Nhà có ba chị em” đến nay hầu như chị không có vai diễn nào đáng kể nữa?

 

Những vai như Quỳnh bây giờ hiếm lắm. Sở trường của tôi là vai đa chiều, gai góc một chút trong khi hiện nay sân khấu lại quá thiên về hài kịch. Một năm trở lại đây tôi cũng ít diễn vì phải dành thời gian phụ trách Đoàn kịch hình thể (thuộc nhà hát Tuổi Trẻ).

 

Đã làm quản lý rồi thì phải cứng rắn hơn, đăm chiêu hơn, cũng già đi vì lo cho 30 anh chị em trong đoàn. Ở tuổi này mình phải làm những việc có ích hơn, còn diễn xuất dần nhường lại bạn trẻ.

 

Sân khấu miền Bắc đang ít người xem mà chị lại dồn sức vào kịch hình thể có phải là tự làm khó mình không?

 

Phải nói thẳng là ngoài hài kịch của đoàn do anh Chí Trung quản lý thì doanh thu các đoàn khác đều thấp, đoàn tôi cũng thế thôi. Thậm chí để giữ khán giả thì chính kịch vẫn phải lồng yếu tố hài hước.

 

Nhưng làm kịch hình thể tôi không nghĩ là mình thiệt thòi, vì nếu không có sự mở đầu (mà ban đầu thường không dễ được chấp nhận) thì bao giờ mới thành thói quen, có lẽ khoảng 2 năm nữa khán giả sẽ tiếp nhận kịch hình thể nhiều hơn.

 

Năm qua, khi mang vở “Nhật Nguyệt thực” tham gia LH sân khấu xã hội hoá toàn quốc ở TPHCM và giới thiệu “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” ở Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 2 tại Hà Nội, chị thấy thái độ của người trong nghề và khán giả đối với kịch hình thể có khả quan?

 

Nửa khen, nửa chê, và ở thái cực nào mình cũng phải tỉnh táo. Khi chúng tôi tập Nhật Nguyệt thực ở rạp Trần Hưng Đạo (TPHCM), có 2 phụ nữ quét rác ở đó tới làm quen rồi mua nước, đồ ăn giúp, tôi hỏi một cô: “Cô có hiểu bọn con diễn gì không?”, cô cười: “Cô chả hiểu gì cả, chỉ thấy đẹp lắm”.

 

Kịch hình thể ít thoại nên người xem của chúng ta chưa có thói quen tư duy theo động tác hình thể, thực tế kịch hình thể mang tính hội nhập rất cao…

 

Nghe nói chị tuyển toàn diễn viên hình thể đẹp, đặc biệt là nam?

 

Đúng là diễn viên rất trẻ, đẹp. Nam hiện đẹp hơn nữ, tôi chưa tìm được gương mặt nữ nào nổi bật, ví như một người được như chị Lê Khanh thì chưa có.

 

Chị sẽ tiếp tục dựng kịch hình thể, không chạy theo hài chứ?

 

Nhiều người cho rằng ban ngày đi làm đã mệt mỏi rồi, buổi tối nếu có đi xem kịch thì phải chọn hài kịch. Dựng một cái gì đột phá cũng bị kêu khó hiểu, người hiểu lại ít bỏ tiền mua vé.

 

Nói chính kịch gần như đã chết thì không hẳn, bởi vẫn có khán giả nhưng ở nhà cũng quá nhiều phim truyền hình để xem rồi. Và tôi vẫn hy vọng rồi đây kịch hình thể và chính kịch vẫn được nhiều người quan tâm, hiện đoàn tôi đang dựng vở Đứng thẳng dậy mà sống về đề tài thanh niên, có thể ra mắt dịp 26/3.

 

Theo BH

Tiền Phong