Duy Mạnh: "Tôi đã thử ra giá catsê 100 triệu!"

Từ vô danh, chợt thành sao, người ta nói Duy Mạnh gặp thời. Còn Duy Mạnh thì cho rằng, cuộc sống ai cũng có cơ hội thành công và anh đã lao động cật lực để có ngày hôm nay

Ngày nghỉ, thỉnh thoảng anh “đánh” chiếc xe hơi hiệu Ford Escape mới tinh lên ngôi chùa ở Biên Hòa chăm sóc tro cốt ông nội theo lời nhắn nhủ của người cha, vì hoàn cảnh đã chọn quê vợ Hải Phòng làm nơi nghỉ ngơi lúc tuổi già. Lui tới thăm nom quê nội là một trong những lý do khiến Duy Mạnh không ngần ngại sắm chiếc bốn bánh ngay khi nắm được tiền lời từ 30.000 CD album vol 1 Tình em là đại dương, được bán hết vèo trong chưa đầy ba tháng.

Chắc Duy Mạnh đã tậu được nhà?

Tôi vẫn ở nhà thuê. Xe mua trả góp chưa xong, tậu nhà để vỡ nợ à? Ngày ngày, tôi đi hát bằng Honda, chỉ những lúc đi tỉnh hoặc về quê nội, mới dùng đến chiếc Ford Escape này. Tôi còn thiếu nhiều thứ nên phải gắng làm việc cật lực.

Người ta nói anh đang gặp thời. Chưa có ai “chơi” một cú phát hành 30.000 đĩa chỉ trong thời gian ngắn như anh. Từ một kẻ vô danh, anh bay lên thành sao. Anh được người nghe cả nước biết đến!

Sao gọi là tôi gặp thời được nhỉ! Hãy hỏi lại xem rất nhiều ca sĩ không biết một nốt nhạc, không sờ đến được một nhạc cụ nào mà vẫn thành sao! Trong cuộc đời, ai cũng có cơ hội để thành công. Người có học tập, lao động, cơ hội sẽ nhiều hơn. Nếu cứ nằm ở nhà, cơ hội rớt trúng đầu, gọi là may mắn. Nhưng may mắn không thể có mãi được. Tôi đã rất nỗ lực, đã lao động vất vả, cơ hội mới đến. Như thế cũng đã là hơi muộn, lẽ ra cơ hội phải đến với tôi năm, bảy năm trước.

Tôi đã đi hát và sáng tác từ năm 1998 và tìm kiếm cơ hội rất nhiều lần. Và Giây phút chia xa, ca khúc đầu tiên tôi viết bán cho ca sĩ đã được nhiều người biết đến.

Anh thử giải thích vì sao CD vol 1 của anh được người nghe đón nhận nồng nhiệt như vậy?

Đơn giản vì tôi không làm gì quá sức mình, không viết nhạc quá sang trọng. Người sang giàu có nhiều phương tiện giải trí, người bình dân ít có điều kiện nên tôi viết ca từ bình dân, giai điệu dễ nghe cho họ. Tại sao tôi không viết nhạc sang? Vì bố mẹ tôi là người bình dân, bản thân tôi cũng bình dân, làm sao vươn lên viết nhạc sang được!

Anh có xấu hổ khi nghe người ta chê nhạc của mình sến?

Tôi không quan tâm điều đó vì người không biết gì về nhạc mới nói như thế. Các thầy giáo ở nhạc viện của tôi chưa ai dạy có loại nhạc nào là nhạc sang, loại nào là nhạc sến mà chỉ có nhạc jazz, rock, nhạc nhẹ... Khi nghe hát uốn éo, luyến láy thì gọi là sến. Vậy những nghệ sĩ ưu tú cải lương, chèo, quan họ là sến cả sao? Luyến láy là một kỹ thuật hát. Hát nhạc cổ điển không thể luyến láy được.

Báo chí hay nhắc đến giá cát-sê của Duy Mạnh, còn cao hơn cả Mỹ Tâm, Quang Dũng. Điều đó thực hư ra sao?

Người ta kinh doanh thì mình cũng phải có cát-sê. Nhưng đòi là chuyện của mình còn trả hay không là chuyện của người ta. Chẳng bao giờ người ta đáp ứng đúng yêu cầu của mình cả. Có lần tôi thử ra giá 100 triệu, kỳ kèo suốt hai tiếng đồng hồ, cháy cả điện thoại, cuối cùng xuống còn ba triệu! Tôi đi hát bị bầu quỵt tiền nhiều lần. Có ông bầu viết cả giấy nợ tám triệu mà đến nay chưa trả. Chắc là ông ta cờ bạc hay cá độ bóng đá gì đó!

Nghe nói anh đang chuẩn bị ra CD vol 2, nhiều người phỏng đoán Duy Mạnh sẽ bị “chán” nếu không có gì mới?

Có thể chả có gì mới thật nhưng nếu không bán được 20.000 đĩa, tôi sẽ tặng cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông (đơn vị sản xuất và phát hành CD vol 2 của Duy Mạnh) 20 triệu đồng. Tôi chỉ theo một dòng nhạc duy nhất là trữ tình và buồn. Không bao giờ tôi chuyển sang hip hop. Vol 2, hay 3, 4 vẫn thế. Ai không thích nghe thì thôi. Việc nâng cao sáng tác của người viết nhạc còn tùy thuộc vào tuổi đời, kinh nghiệm sống. Càng lớn, người ta sẽ càng có những sáng tác sâu sắc, chững chạc hơn.

Lịch làm việc hằng đêm của anh như thế nào? Dường như anh ít xuất hiện ở những chương trình ca nhạc lớn? Ca khúc nào của anh được người nghe yêu cầu nhiều nhất?

Mỗi tối tôi hát một nơi, vừa hát vừa đệm piano 10 bài. Ca khúc được khán giả yêu cầu nhiều nhất là Kiếp đỏ đen. Tôi chưa tham gia chương trình nào lớn, ngoài vài chương trình từ thiện mà tôi thường tặng lại cát-sê. Chắc là mình chưa đủ sức để hát chương trình lớn nên người ta không mời.

Từ ngày nổi tiếng đến nay, anh thấy cuộc sống có khác xưa? Nghe ca khúc, người ta đoán chắc anh phải thất tình nhiều lắm?

Mình thích người ta chứ người ta có thích mình đâu. Đôi khi, tôi cũng ngộ nhận mình thất tình. Và đôi khi thấy bạn bè thất tình, tôi cũng thương lây cho họ. Từ khi trở thành ca sĩ “nổi tiếng”, tôi sung sướng được đi du lịch nhiều nơi không mất tiền. Ra chợ, khán giả người Việt ở hải ngoại bảo thích gì cứ lấy, không tính tiền. Trước đây, tôi hay mặc quần đùi ra quán nước vỉa hè, bây giờ đi khỏi nhà phải áo quần tử tế. Người ta còn đồn tôi chắc cờ bạc dữ lắm nên mới viết được bài Kiếp đỏ đen! Thật là oan. Tôi không hề biết đánh bài.

Hiện nay đã có ai đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Duy Mạnh “Hãy về đây bên anh!” chưa? Nếu thú thật, anh có sợ bị mất fan hay không? Năm nay đã 30, chừng nào thì anh cưới vợ và mẫu người phụ nữ anh thích như thế nào?

Người yêu của tôi hiện ở Hải Phòng. Nói ra điều này chắc cũng chẳng hại gì. “Fan” thương giọng hát của mình là chính. Ai mà chả có người yêu. Nếu không, hóa ra mình bị ế à! Chuyện vợ con khó nói lắm, chờ thời gian trả lời. Tôi thích mẫu phụ nữ biết tiết kiệm, biết cách giữ tiền. Tiền đâu dễ kiếm để mà phung phí.

Anh tự nhận thấy mình thuộc dạng người sống như thế nào? . Điều gì khiến anh vui nhất và buồn nhất?

Tôi là người thích sự sòng phẳng. Như vậy đã là tốt lắm, không cần cho nhau cái gì. Tôi vui nhất là khi bán được nhiều CD, trả hết được nợ, và buồn nhất là nhớ gia đình, người yêu và đi hát gặp phải âm thanh dở phải gào lên, về nhà bị viêm họng, bị ông bầu quỵt tiền.

Gia đình anh có bốn anh em trai, hai người mở quán bar, một người mở quán cà phê. Còn anh?

Bao giờ đi hát đủ tiền, tôi cũng sẽ mở cái gì đấy để kinh doanh.

 Theo Người Lao Động