Đối thoại với Hà Trần
(Dân trí) - “Đối thoại 06” được ngợi khen hết lời ngay khi đặt chân về Việt Nam. Đã đằm thắm hơn, điềm tĩnh hơn, Hà Trần hát bằng tất cả nỗi nhớ nhung của kẻ xa quê, và những tình yêu nồng nàn, chất chứa. Ít ai ngờ, Hà Trần đã từng nghĩ sẽ thôi hát…
Bỏ ra hai năm để có được sự kỹ lưỡng trong âm nhạc với “Đối thoại 06”. Con đường nào đã đưa chị đến với phòng thu Sound Matrix, với những tên tuổi như John Vestman, Max Neutra…?
Tôi quen Max qua sự giới thiệu, gửi demo 2 bản. Anh ấy làm demo lại đúng hai bản đó, cân nhắc chắc chắn đúng với những yêu cầu của album, sau đó, chúng tôi mới thoả thuận hợp đồng. Maxtrix Studio là nơi ban nhạc của chồng tôi thường lui đến tập dượt trước đây. Còn John Vestman tôi tìm đến qua Internet và qua sự giới thiệu của những người bạn nhạc gặp trong quá trình lang thang cùng Đối thoại 06 qua các studio khác nhau.
Chị đã từng tâm sự khi mang “Nhật thực” sang Mỹ mới biết rằng chất lượng đĩa, cũng như cách làm của họ vô cùng chuyên nghiệp. Và họ hơn chúng ta rất nhiều. Vậy, những cái hơn ấy cụ thể là gì?
Chúng tôi thu Nhật thực hơn một năm. Thời gian đó phòng thu ở Viện Âm nhạc thay đổi nhiều. Khi làm mix/master hầu hết máy móc đã dọn qua một phòng thu khác. Lúc đó anh em cũng chưa kinh nghiệm, vừa làm vừa học nên khó có sản phẩm tiêu chuẩn được.
Cứ làm một phép thử đơn giản: Nhật thực xuất bản trong thời điểm này sẽ ngô nghê về tiêu chuẩn sản xuất so với các sản phẩm khác trong nước chứ đừng nói đến so sánh với nước ngoài. Họ đã phát triển công nghệ lâu năm, thẩm mỹ và cách tiếp cận khác biệt. Chúng ta đang cập nhật về công nghệ, hoàn toàn có thể khắc phục những yếu điểm qua sự trao đổi kinh nghiệm và đào tạo. Điều này các nước phát triển khác cũng theo đúng con đường này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Nói cụ thể về một quá trình làm đĩa, bắt đầu từ một ý tưởng rồi chọn bài, phối âm, thu âm đến khi in master, xin giấy phép, xin tem, PR rồi phát hành… Họ chuyên nghiệp hơn chúng ta ở mỗi công đoạn ấy như thế nào?
Sự chuyên nghiệp nằm ở chỗ trong một ê-kíp người nào việc nấy, không dẫm chân lên nhau. Nhờ thế mỗi thành viên chuyên sâu vào chuyên môn. Ở Mỹ không xin giấy phép phát hành, không tem, tự hãng sản xuất chịu trách nhiệm nội dung sản xuất. Uy tín đặt lên đầu nên mất uy tín cũng đồng nghĩa với mất việc hoặc giảm doanh thu.
Chị vừa nói, âm nhạc trong nước có thể khắc phục những yếu điểm qua sự trao đổi kinh nghiệm… Sau ba năm gia nhập văn hoá âm nhạc ở Mỹ, chị đã rút ra cho mình những kinh nghiệm gì để trao đổi với các nghệ sỹ trong nước?
Tôi chỉ xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ. Khác với môi trường của chúng ta, mọi quan hệ đều xây dựng trên sự giới thiệu. Làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thông tin đa chiều về đối tác (qua giới thiệu, internet, báo chí, những khác hàng trước đó của họ…). Cách xác tín đơn giản: Credit (thành tựu) và sản phẩm cụ thể chứng minh mức độ chuyên nghiệp và sự nghiêm túc của đối tác.
Ngoài tính tích cực, công nghệ phát triển cũng nuôi dưỡng những sự mạo danh, lừa đảo. Tôi đã có kinh nghiệm vài đối tác như vậy trong quá trình làm việc. Tây ta gì cũng ba bảy đường, không hẳn cứ Tây là chuyên nghiệp đâu. Cần thận trọng tìm đến những nguồn tin xác tín để bảo vệ mình và nên cởi mở trao đổi.
Được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp tại Mỹ, phát hành một album được nhiều người trong nghề và báo chí khen ngợi về đẳng cấp… Chắc hẳn chị đã nhận được những hỗ trợ không nhỏ (về tài chính, về tình cảm) từ chồng? Lấy một người chồng định cư ở Mỹ có vẻ như thật… “lợi hại” với Hà Trần?
Khác với suy nghĩ của nhiều người, khi xác định theo chồng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một công việc khác. Không phải là âm nhạc nữa. Tôi không biết nhiều về cuộc sống ở đó. May mắn là chồng tôi rất thích nhạc và hướng tôi tập trung vào nghề nghiệp nên chúng tôi có chung nhiều quan tâm ngoài tình cảm. Đó cũng là cách giúp tôi đi qua những lạ lẫm môi trường.
Công ty Ha Tran Productions của vợ chồng chị sẽ hướng tới điều gì ở thị trường âm nhạc Việt Nam?
Thực tế, Ha Tran Productions hoạt động trên khá nhiều lĩnh vực trong đó có Media (tư vấn công nghệ thông tin), ghi âm- sản xuất nhạc, thiết kế đồ hoạ và website… Nhưng, ngay từ khi vợ chồng tôi lập công ty Ha Tran Productions, điều đầu tiên tôi nghĩ đến đó là thị trường âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Ha Tran Productions dành ưu tiên cho những sản phẩm của tôi trước hết. Hơn nữa, vì nhiều điều kiện chưa cho phép nên chúng tôi chưa thể thực hiện (ngay lúc này) một dự án âm nhạc nào ở Việt Nam.
Có một người chồng yêu thương, một công việc nhiều hứa hẹn, và nhận được sự hỗ trợ lớn từ bố Hiếu, từ chú ruột - nhạc sĩ Trần Tiến trong con đường sự nghiệp… Chị có thấy, cuộc đời đã cho chị rất nhiều?
(Cười) Nếu mọi người đã nghĩ như vậy thì chắc có lẽ là… như vậy thật rồi!
Cảm ơn chị và chúc chị sẽ thành công hơn nữa!
Hiền Hương