Diễn viên phim truyền hình Bắc "ho cũng ra tiền": Người trong cuộc phản pháo

Trong bối cảnh hàng loạt phim truyền hình ngoài Bắc như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng,.. lên sóng và tạo ra bão dư luận, cát-xê của các diễn viên phim truyền hình liệu có cao “ngất” như đồn đoán.

Thời gian qua, phim truyền hình ở miền Nam gặp nhiều khó khăn khi lượng rating, quảng cáo giảm. Trong khi đó, tại miền Bắc, phim truyền nở rộ và tạo ra những bom tấn thu hút sự chú ý của khán giả như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng,… Xa hơn nữa, mấy năm trở lại đây, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Khi đàn ông góa vợ bật khóc,.. đều là những bộ phim truyền hình tạo ra sư chú ý lớn và được khán giả vô cùng yêu mến.

Trước sự phát triển lớn mạnh đó của phim truyền hình ngoài Bắc, nhiều người cho rằng cát-xê của các ngôi sao hàng ngày vẫn xuất hiện trên tivi nhà mình phải cao lắm. Thực hư thế nào ?

"Cát-xê vài chục triệu cho một bộ phim đã là nhiều"

Diễn viên Danh Thái, người đóng vai A Lý trong bộ phim Người phán xử bày tỏ sự hào hứng khi được đóng phim truyền hình. Nghề diễn viên giúp anh được đi đây đi đó và gặp gỡ nhiều người. Tuy nhiên, khi được hỏi về số tiền cát-xê mỗi bộ phim anh tham gia, Danh Thái ngậm ngùi. “Nhiều người nghĩ rằng làm diễn viên thì được trả lương cao lắm, nhưng thực tế đâu phải vậy. với những diễn viên đóng vai thứ chính hoặc phụ, họ được trả khoảng 500.000 đồng một cảnh phim. Như tôi đóng một bộ phim mấy chục tập tính tổng cộng ra thì được trả khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Những bộ phim nào đóng vai ngắn hơn thì được trả khoảng 5 đến 10 triệu đồng. Thu nhập như vậy là tạm ổn chứ không dư dả đâu”.

A Lý của Người phán xử được trả khoảng 5 đến 10 triệu cho một bộ phim mà anh đóng vai phụ.
A Lý của Người phán xử được trả khoảng 5 đến 10 triệu cho một bộ phim mà anh đóng vai phụ.

Nghe thì tưởng là cao song để nhận được số tiền cát-xê này, Danh Thái phải đi theo đoàn phim mấy tháng trời, nhiều khi bỏ cả công việc gia đình lẫn nhà hát. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm theo nghề bởi nghiệp diễn dường như đã ăn vào máu.

Cũng chính vì cát-xê không cao, lại vất vả nên dù đã không còn trẻ nhưng đến nay, Danh Thái và gia đình vẫn phải ở trong căn tập thể 35m2 rất chật trội. “Có chỗ chui ra chui vào đã là may lắm rồi”, anh cười xuề xòa nói.

Diễn viên Anh Đức, người thủ vai Khải Sở Khanh trong Người phán xử cũng cho biết, trước khi Người phán xử lên sóng, anh chủ yếu đóng những vai rất phụ, tiền cát-xê cũng chẳng bao giờ quá 500.000 đồng/phân cảnh. “Thu nhập từ việc đóng phim chẳng đáng kể, không đủ sinh nhai, tôi đi diễn chủ yếu vì đam mê. Tất nhiên, khi người nghệ sĩ được biết đến sẽ có nhiều cơ hội tăng thu nhập từ các công việc khác. Nhưng tôi dè dặt, hiếm khi nhận lời quảng cáo nên vẫn... nghèo”, anh nói.

Diễn viên Chu Hùng người đóng vai Thế Chột trong Người phán xử cũng thừa nhận rằng cát-xê của ông cho các phim truyền hình đã từng đóng nói chung cũng như Người phán xử nói riêng không phải là quá cao như nhiều người nghĩ. “Thực sự tôi được trả bao nhiêu cho một phim là sự thỏa thuận với phía nhà sản xuất ngay từ đầu. Tuy nhiên con số không cao như nhiều người nghĩ. Có người hỏi tôi, đóng phim có nuôi nổi gia đình không thì thực sự buồn lắm. Đi làm phim thì làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu.

Chu Hùng cho biết, đóng phim truyền hình đã lâu nhưng ông không đủ nuôi gia đình.
Chu Hùng cho biết, đóng phim truyền hình đã lâu nhưng ông không đủ nuôi gia đình.

Tôi ví dụ như đi quay phim ăn uống khổ cực lắm. Mình đòi hỏi hơn cũng chẳng được vì rõ ràng anh em cũng đồng cam cộng khổ, cũng ăn uống như thế. Tôi toàn phải bỏ tiền túi ra ăn ngoài để đảm bảo sức khỏe. Cứ thế thì trừ đi còn được bao nhiêu cát-xê, sau khi qua bao nhiêu “cửa” rồi? Thực sự chúng tôi làm nghề vì đam mê, danh dự chứ không phải vì tiền”, ông chia sẻ.

Phim truyền hình không phải nơi kiếm tiền

NSND Lan Hương thừa nhận, phim truyền hình ngoài Bắc dù hot nhưng những diễn viên như chị không coi đây là nơi kiếm tiền. “Không biết mọi người nghĩ sao chứ với những diễn viên như tôi thì VFC – Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam không phải là nơi để kiếm tiền. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ hay đòi hỏi chuyện cát-xê khi đóng phim ở đây cả”, chị nói.

Đồng tình với NSND Lan Hương là NSND Hoàng Dũng. Ông từng nói: “Tôi thường không đặt nặng vấn đề cát-xê với đơn vị sản xuất. Tôi chưa bao giờ ra giá, hay kỳ kèo chuyện tiền bạc. Họ thông báo như thế nào thì tôi biết vậy. Giá phim truyền hình ở miền Bắc nhìn chung là thấp. Nhưng đoàn làm phim bao giờ cũng nói tôi là người được trả cao nhất đoàn”.

Diễn viên phim truyền hình Bắc "ho cũng ra tiền": Người trong cuộc phản pháo - 3

Anh Dũng đang là cái tên hot khi thường xuyên chạy sự kiện, nhận hợp đồng quảng cáo.

Theo chia sẻ của nhiều diễn viên tại miền Bắc, họ không coi truyền hình là nơi kiếm tiền mà là nơi để quảng bá hình ảnh và tiếp cận khán giả thì hơn. Nhờ tên tuổi được phủ sóng trên truyền hình quốc gia,công việc bên ngoài của họ cũng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đo, 90% các diễn viên truyền hình ngoài Bắc đều sinh hoạt tại các nhà hát nên ngoài tiền cát-xê đi đóng phim, họ còn có thu nhập từ lương và phụ cấp từ biên chế tại Nhà hát nên cũng là một khoản thu ổn định, dù không cao. NSND Trung Hiếu cho biết: “Tôi lương phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội trước đây được khoảng 5 triệu. Sau khi lên giám đốc thì tăng lên một chút. Nhìn chung cũng không phải là nhiều nhặn gì”, anh nói.

Tuy cát-xê từ phim truyền hình không cao xong các diễn viên ngoài Bắc có cuộc sống khá ổn định nếu biết chắt chiu và kinh doanh ngoài. Sức nóng của những bộ phim như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử,… giúp những diễn viên chính như Việt Anh, Bảo Thanh, Anh Dũng,.. thu về không ít tiền nhờ đóng quảng cáo, chạy sự kiện, hợp đồng gương mặt đại diện.

NSND Hoàng Dũng khẳng định, cát-xê phim truyền hình ngoài Bắc là thấp dù ông luôn được trả cao.
NSND Hoàng Dũng khẳng định, cát-xê phim truyền hình ngoài Bắc là thấp dù ông luôn được trả cao.

Diễn viên Anh Dũng, vai nam chính trong Sống chung với mẹ chồng cho biết, anh đang kiếm được rất nhiều tiền nhờ chạy show sự kiện, các hợp đồng đóng quảng cáo. Theo tiết lộ của anh, giá để anh xuất hiện tại một sự kiện là khoảng 20 triệu đồng.

Trong khi đó, Bảo Thanh, Việt Anh cũng có giá đi sự kiện khá cao, khoảng 30 triệu đồng. Giá bài viết trên trang cá nhân của nữ diễn viên cũng dao động từ khoảng 20 đến 30 triệu đồng.

Những tên tuổi gạo cội hơn Hồng Đăng, Mạnh Trường,… đều có giá đi sự kiện, viết bài quảng cáo không hề rẻ. Người viết được diễn viên Mạnh Trường báo giá viết bài quảng cáo trên facebook cá nhân là 15 triệu đồng, còn livestream giới thiệu sản phẩm, Mạnh Trường thu về khoảng trên dưới 1 nghìn USD (25 triệu đồng).

Hồng Đăng thu về khoảng gần 40 triệu đồng cho một lần livestream quảng cáo trên facebook cá nhân.
Hồng Đăng thu về khoảng gần 40 triệu đồng cho một lần livestream quảng cáo trên facebook cá nhân.

Với diễn viên Hồng Đăng, anh đòi hỏi cao hơn: 18 triệu cho bài viết trên facebook cá nhân còn livestream là con số 38 triệu đồng. Ngay như diễn viên Diệu Hương, người đã lâu không có phim truyền hình nào hot cũng có giá đi sự kiện là 10 triệu đồng.

Như vậy có thể nói,dù phim truyền hình ngoài Bắc đang phát triển rất mạnh và nhận được sự ủng hộ lớn song thu nhập của các diễn viên từ cát-xê không cao hơn so với các diễn viên miền Nam là bao nhiêu. Tuy nhiên, họ ít có tình trạng chạy show là do không có nhiều lựa chọn do sân khấu ngoài Bắc gần như đã chết.

Theo Kiều Thuận

Dân Việt