Sao phim "Ngày ấy - Bây giờ"
Diễn viên phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” sau 36 năm
(Dân trí) - Sau hơn 36 năm, cuộc sống của những nhân vật trong phim có nhiều thay đổi. Nghệ sĩ Đức Lưu - người đóng vai Thị Nở đã không còn hoạt động nghệ thuật, Nhà văn Kim Lân thành người thiên cổ, "thầy giáo Thứ" theo nghề giáo ở tuổi ngũ tuần, diễn viên Bùi Cường thành đạo diễn của nhiều bộ phim gây tiếng vang.
Làng Vũ Đại ngày ấy được sản xuất năm 1982 dựa trên ba truyện ngắn Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc của nhà văn Nam Cao do đạo diễn Phạm Văn Khoa chỉ đạo. Phim gây tiếng vang vào thập niên 1990 khi khắc họa cuộc sống nông thôn trong xã hội phong kiến, nửa thuộc địa của Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Cuộc sống nông thôn Việt Nam ngày đó với sự mâu thuẫn giai cấp gay gắt cùng những số phận cùng khổ của người nông dân Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc...
Với sự thành công trong dòng phim văn học, năm 2007, đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho phim Làng Vũ Đại ngày ấy cùng hai tác phẩm điện ảnh khác là Chị Dậu (1980) và Lửa trung tuyến (1961).
Sau 36 năm, những diễn viên xuất hiện trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy vẫn được khán giả nhắc và nhớ đến bởi những nghệ sĩ này đã đưa những nhân vật trong các tác phẩm văn học trở nên sống động và gần gũi. Các nhân vật này còn lưu giữ những ký ức lịch sử về đời sống nhân dân cùng khổ đậm nét đến khó quên.
Diễn viên Đức Lưu – Thị Nở
NSƯT Đức Lưu sinh năm 1937 tại Hà Nội, thuộc lớp diễn viên khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội). Trước khi được biết đến với vai Thị Nở, nghệ sĩ Đức Lưu từng tham gia vài vở kịch và đóng vai Mận trong phim Cô gái công trường.
Đạo diễn Phạm Văn Khoa tin tưởng gửi gắm nhân vật Thị Nở cho nghệ sĩ Đức Lưu khi nhiều diễn viên thử vai thất bại, và một số diễn viên khác từ chối nhận vai. Tuy nhân vật Thị Nở của Đức Lưu chỉ xuất hiện vài phân đoạn ngắn ngủi nhưng hình ảnh người đàn bà thô kệch, xấu xí đã trở thành một nhân vật kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Nghệ sĩ Đức Lưu cho biết, để hóa trang vai Thị Nở, bà phải đeo răng giả, ngậm hai cục bông hai bên miệng, gắn mũi cao su có bôi phẩm đỏ. Bà kể lúc diễn cảnh Thị Nở ra sông lấy nước, khi nhìn mặt mình dưới sông, bà cười ngặt nghẽo đến mức rơi cả răng giả.
Sau vai diễn để đời trong Làng Vũ Đại ngày ấy, NSƯT Đức Lưu còn tham gia kịch Những cô gái nông trường, Đêm tháng bảy, Con tôi cả... Thế nhưng, những vai diễn sau này đều không vượt qua cái bóng quá lớn của Thị Nở.
Nghệ sĩ Đức Lưu đã từ bỏ nghiệp diễn để làm việc ở Đại học Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội). Sau đó, bà về Thành ủy Hà Nội làm ở ban Đối ngoại, giữ chức thư ký thường trực của Ủy ban Đoàn kết với các nước cho đến khi nghỉ hưu.
Diễn viên Bùi Cường – Chí Phèo
Diễn viên Bùi Cường là "đàn em" của nghệ sĩ Đức Lưu ở trường Điện ảnh Việt Nam. Ông thuộc lớp diễn viên khóa hai cùng NSƯT Phương Thanh, Thanh Quý, Minh Châu...
Năm 1982, Bùi Cường được đạo diễn Phạm Văn Khoa giao vai Chí Phèo, nam diễn viên vùa mừng, vừa lo mừng vì có vai hay để diễn nhưng cũng lo không biết bản thân diễn có ra không. “Tôi tự uống rượu say, tự cười, tự khóc trước gương không biết bao nhiêu lần để nhào nặn ra một anh Chí Phèo không giống ai", nghệ sĩ Bùi Cường từng tâm sự.
Để hoá thân vào hình tượng kinh điển vừa hay lại vừa khó này, Bùi Cường chấp nhận cắt ngắn mái tóc dài lãng tử. Thậm chí, ông còn đề xuất sáng tạo độc đáo cho nhân vật Chí Phèo khi thể hiện lại mấy câu hát trong bộ phim đình đám ngày xưa. Ông cho rằng Chí Phèo cứ chửi suốt cũng chán, uống rượu vào cứ ư ử hát mấy câu cho lạ và hay hơn.
Sau Làng Vũ Đại ngày ấy, diễn viên Bùi Cường trở nên nổi tiếng. Ông liên tiếp ghi dấu ấn trong các phim Biệt động Sài Gòn, Không có đường chân trời, Kẻ giết người...
Những năm đầu thập niên 1990, Bùi Cường chuyển sang làm đạo diễn. Bộ phim đầu tay của ông mang tên Người hùng râu quặp. Đến nay, ông đã sản xuất khoảng 80 tập phim truyền hình. Trong đó, Vị tướng tình báo và hai bà vợ giành huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2004.
Đã 36 năm kể từ ngày Làng Vũ Đại ngày ấy ra mắt, nhưng trong ký ức của NSƯT Bùi Cường, câu chuyện Chí Phèo như chỉ mới là ngày hôm qua. Ông xem bộ phim của cố đạo diễn Phạm Văn Khoa là một cơ duyên đặc biệt, cũng là may mắn lớn trong cuộc đời mình.
Biết ơn vai diễn Chí Phèo, song NSƯT Bùi Cường không phủ nhận, có lúc ông thấy chạnh lòng vì mình giống như bị “đóng đinh” với hình ảnh này. Ông nói: "Có lúc nghĩ cũng chạnh lòng vì tôi đóng không ít phim hay, làm đạo diễn cũng nhiều thế mà khán giả chỉ nhớ tới duy nhất Chí Phèo. Nhưng thôi nghiệp diễn có một vai diễn để đời cũng là một may mắn".
Hai con gái của nghệ sĩ Bùi Cường, một người trở thành giáo viên, một người nối nghiệp kinh doanh của mẹ. Nhưng bất ngờ, nghệ sĩ Bùi Cường có con rể Trần Vũ Thuỷ lại cùng con đường nghệ thuật, vốn xuất thân là người mẫu đi đóng phim, và bây giờ thường làm phó đạo diễn. Con rể chính là cộng sự đầu tiên mà ông hợp tác cho dự án điện ảnh tâm huyết hơn Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc.
Hữu Mười - Giáo Thứ
NSƯT Nguyễn Hữu Mười cũng là bạn đồng môn với Bùi Cường trong lớp diễn viên khóa hai trường Điện ảnh Việt Nam. Trước khi vào vai chính dài hơi, nhiều thử thách là giáo Thứ trong Làng Vũ Đại ngày ấy, ông đã tham gia nhiều phim như Khôn dại, Ngày ấy ở sông Lam, Phương án ba bông hồng...
"Đoàn ra một cánh đồng cách làng 2 km, người phục vụ lấy một cái bình tưới đi múc nước và trèo lên cây để phun mưa xuống đầu tôi. Tìm cả cánh đồng được một hố nước đã sắp cạn. Khi anh ấy vục xuống để múc nước lên, bên dưới trồi lên cái tiểu sành còn xương người bên trong. Trong cảnh quay đó, khuôn mặt tôi rõ đau khổ, không phải vì thương Lão Hạc mà thương chính mình khi hứng thứ nước ngâm xương người đang tưới lên đầu mình", diễn viên Hữu Mười chia sẻ cảnh phim mà ông nhớ nhất.
Kim Lân - Lão Hạc
Diễn viên Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920 tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngoại hình và gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thực của nhà văn Kim Lân đem đến nhiều xúc động cho khán giả trước số phận nghiệt ngã của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến.
Ngoài điện ảnh, ông được biết đến là một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực trước và sau năm 1945. Các tác phẩm của ông như Nên vợ nên chồng, Làng, Vợ nhặt... gây tiếng vang mạnh mẽ khi phản ánh thực trạng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Băng Châu