1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Kết luận vụ “lùm xùm” Hoa hậu Trang sức:

“Đầu voi đuôi chuột”?

(Dân trí) - “Hậu trường” cuộc thi Hoa hậu Trang sức gây ồn ào dư luận thời gian vừa qua đã kết thúc “nhẹ nhàng”, không đả động chuyện “gạ tình, gạ tiền” và biện pháp xử lý BTC cuộc thi chỉ là…“rút kinh nghiệm”.

“Không đủ căn cứ để kết luận, vượt thẩm quyền”

Sau khi nhận được báo cáo của đoàn kiểm tra cuộc thi Hoa hậu Trang sức do ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng Quản lý tổ chức biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu, ca nhạc (Cục Nghệ thuật biểu diễn) về sự bất hợp tác của Trưởng BTC cuộc thi, Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ tiếp tục kiểm tra, xác minh và ngày 29/1 đã đưa ra kết luận chính thức.

Kết luận kiểm tra số 320/KLKT- BVHTTDL chỉ “khoanh vòng” vào 4 nội dung: Trưởng BTC đưa nhà tài trợ vào Ban giám khảo; hồ sơ thí sinh tham dự không đủ tiêu chuẩn; ban tổ chức đưa thêm hai thí sinh ở các tỉnh phía Nam ra dự thi chung kết từ 12 thí sinh lên 14 thí sinh; thành viên BTC gạ thí sinh mua giải thưởng.

Việc BTC đưa nhà tài trợ là ông Hoàng Kiều, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc RAAS vào thành phần Ban giám khảo không đúng theo đề án, kết luận nêu rõ: “đưa ông Hoàng Kiều, nhà tài trợ vào Hội đồng giám khảo không trái với quy định của Quy chế tổ chức thi hoa hậu”. Căn cứ trên Quyết định số 37/2006/QĐ-BVHTT ngày 24/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ban hành kèm theo “Quy chế tổ chức thi hoa hậu”, tại Điều 5 khoản 3.4.

Về hồ sơ dự thi của thí sinh, BTC cuộc thi cung cấp cho Thanh tra Bộ 32 hồ sơ thí sinh tham dự chung kết (trong đó có 29 sơ yếu lí lịch có xác nhận của chính quyền địa phương) và 33 đơn đăng ký dự thi. Về trình độ của thí sinh, đoàn thanh tra chỉ ra 2 thí sinh không đủ điều kiện tham dự cuộc thi là Nguyễn Trà My, SBD 953 (không có bằng tốt nghiệp) và Trần Thị Ngọc Trinh, SBD 973 (không có hồ sơ). Còn lại, 16 thí sinh có trình độ đại học, cao đẳng; 15 thí sinh có trình độ Trung học phổ thông.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ, việc BTC đưa thêm “nâng” từ 12 thí sinh lên 14 thí sinh trong vòng chung kết không trái với quy định vì hai thí sinh đó đã qua vòng sơ khảo và bán kết và đó cũng thuộc thẩm quyền của BTC. Và vấn đề nổi cộm nhất - BTC gạ thí sinh mua giải thì kết luận của đoàn thanh tra “bỏ trống” với lý do: “Những tài liệu được cung cấp liên quan đến nội dung tố cáo trên thì không đủ căn cứ để kết luận và vượt thẩm quyền, khả năng của các cơ quan chức năng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.”

Biện pháp xử lý: “Đầu voi đuôi chuột”?

Với 4 nội dung kết luận như trên, đoàn thanh tra đưa ra biện pháp xử lý như sau: “Không đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính đối với Trung ương Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam”.

Và “yêu cầu Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu trang sức Việt Nam 2007 xem xét trường hợp thí sinh Trần Thị Ngọc Trinh số báo danh 973 vì không có hồ sơ dự thi Hoa hậu trang sức Việt Nam 2007 nhưng đã đạt giải thưởng Hoa hậu mặc áo dài đẹp nhất”. “Chốt” lại vấn đề cốt lõi nhất, bản kết luận kiểm tra chỉ “đề nghị Trung ương Hội kim hoàn đá quý Việt Nam tổ chức rút kinh nghiệm những thiếu sót trong công tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu trang sức Việt Nam về vấn đề hồ sơ của thí sinh”.

Đọc bản kết luận và biện pháp xử lý đối với BTC cuộc thi Hoa hậu Trang sức khiến nhiều người…ngỡ ngàng. Vụ kiện tụng gây rùm beng trên báo chí, đả động đến “vấn nạn” nhạy cảm nhất trong khâu tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cuối cùng khép lại trong mấy chữ “không có căn cứ để xử phạt hành chính” và “rút kinh nghiệm”?

Vấn đề nổi cộm nhất, “nóng” nhất trong vụ “lùm xùm” về cuộc thi Hoa hậu trang sức là việc “gạ tình” thí sinh của thành viên BTC thì bản kết luận không hề đả động đến. Việc có hay không chuyện thành viên BTC gạ thí sinh mua giải thưởng thì đoàn thanh tra không có khả năng làm rõ.

Vậy, “kết luận” cuối cùng về vụ kiện tụng ầm ĩ này còn phải trông chờ vào các cơ quan có thẩm quyền!

Hằng Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm