Đặt tựa phim: Loạn!

Bên cạnh niềm vui được xem phim “nóng sốt”, người xem cảm thấy không hài lòng bởi cách đặt tên phim bằng tiếng Việt của các đơn vị nhập phim…

Vài năm gần đây, nhờ sự nhanh tay của các hãng phim tư nhân, khán giả trong nước có điều kiện tiếp cận rất sớm các tác phẩm điện ảnh đang nổi đình nổi đám tại nhiều nước. Nhiều phim phát hành tại VN gần như đồng loạt với thế giới, thậm chí có phim khán giả VN còn xem trước các khán giả trong khu vực

 

Tuy nhiên, việc đặt tên phim bằng tiếng Việt của các đơn vị nhập phim lại khiến nhiều người không hài lòng. Ngoại trừ những tên phim quá nổi tiếng như Người nhện, Cướp biển vùng Caribbean, King Kong, Ông bà Smith, Hoàng Kim Giáp, Vô cực... được giữ nguyên khi ra rạp, còn lại hầu hết đều bị thay đổi tên theo hướng gây tò mò cho người xem là chính, trong khi nghĩa tiếng Việt của tên gốc thực ra không có gì khó hiểu.

 

Chẳng hạn tên phim tiếng Anh: Night at the museum (được dịch ra tên tiếng Việt: Đêm kinh hoàng), The Interpreter (Bóng đen sự thật), The Marine (Ranh giới hiểm nguy), The Holiday (Nơi tình yêu bắt đầu), Big mama (Vú em FBI), Blood & chocolate (Hồn sói)...

 

Đặt tựa phim: Loạn! - 1
 Blood & chocolate (Hồn sói)

 

Một số tên phim được đổi mà người xem chẳng tìm thấy liên quan gì đến tên gốc, như Code name: the cleaner (Siêu quậy FBI), Relative Strangers (Thượng đế bó tay), The Departed (Điệp vụ Boston), The devil wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu), Edison (Cớm đen)...

 

Cá biệt có phim nội dung riêng biệt không phải là phần tiếp theo hay liên quan đến một phim nào khác trước đó nhưng vẫn được đặt ăn theo. Đơn cử trường hợp Thương thành, chuyện phim và nhân vật trong phim hoàn toàn không dính dáng gì đến Vô gian đạo nhưng lại được dán tên Vô gian đạo 5. Có lẽ vì phim cũng do bộ đôi đạo diễn Lưu Vỹ Cường-Mạch Triệu Huy -của Vô gian đạo thực hiện!

 

Chính kiểu đặt tên loạn xạ này cũng khiến nhiều đơn vị nhập phim bị lâm vào tình cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Giới băng đĩa lậu cóp y chang tên phim mới mà các hãng đặt để phết lên sản phẩm của mình mặc dù trước đó bản phim lậu mang tên khác (thường là để nguyên tên gốc).

 

Khổ nỗi, phim nhập về thường ra rạp chậm hơn nhưng trước đó đã được các hãng đầu tư quảng bá rộng rãi. Một số người dân thấy phim quảng cáo rầm rộ bèn ra thị trường băng đĩa lậu và được đáp ứng đúng y chang tên phim tiếng Việt cần tìm. Xem như các hãng phim quảng cáo không công cho giới làm đĩa lậu.

 

Đặt tựa phim: Loạn! - 2

 The devil wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu)

 

Hiện nay, phim nhập về nhiều, sự cạnh tranh giữa các đơn vị nhập phim cũng gay gắt hơn nên việc tìm mọi cách để lôi cuốn người xem chú ý đến phim của mình, trong đó có việc đặt tên phim theo kiểu câu khách là việc làm có thể chấp nhận được.

 

Tuy nhiên, cũng đừng quá lạm dụng quyền này mà đưa ra những tên phim thô thiển. Phim ảnh là sản phẩm hàng hóa cao cấp. Thay đổi bao bì nhãn mác phim chính là hành vi coi thường khách hàng.

 

Theo Người Lao Động