1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đào Duy Phúc: Làm nghệ thuật không phiêu lưu thì… buồn!

(Dân trí) - “Tôi sẽ cố gắng tái hiện một câu chuyện cảm động, hấp dẫn về những người lính Trường Sơn, những người lính trẻ chưa một lần cầm tay con gái, chưa một lần được hôn”, đạo diễn Đào Duy Phúc tâm sự trước giờ bấm máy phim Sinh mệnh.

Được biết năm 2006, Cục điện ảnh sẽ tiến hành đấu thầu kịch bản cho các hãng phim tư nhân, nhà nước. Tuy vậy, chưa thấy Cục điện ảnh “rậm rịch” gì,  đã thấy các đoàn làm phim ồ ạt lên đường?

 

Kịch bản phim Sinh mệnh của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Đây là một kịch bản cũ. Lẽ ra, phim phải được sản xuất từ mấy năm nay rồi, nhưng vì kinh phí quá eo hẹp, chỉ đáp ứng 7/10 quy mô cần có, nên tôi được các đạo diễn đàn anh “nhường” cho trọng trách gánh vác.

 

Xưa nay, kinh phí luôn là một vấn đề nan giải với điện ảnh nói chung và phim chiến tranh nói riêng. Anh có thấy mình liều lĩnh?

 

Vẫn biết là mình liều lĩnh, nhưng làm nghệ thuật mà không có chút phiêu lưu thì… buồn lắm. 

 

Trong sự liều lĩnh đôi khi lại có cái may. Vì nếu sau này phim lỡ… không hay, người làm phim lại có cái cớ để đổ lỗi, tại vì không có kinh phí! Anh nghĩ sao?

 

Với tôi, làm phim là để khẳng định mình! Quy mô sản xuất của phim sẽ được tính toán, cân nhắc thật kỹ, đồng thời Ban Giám đốc Hãng phim truyện 1 cũng đang cố gắng tìm kiếm thêm tài trợ để tôi “yên tâm ra trận”.

 

Làm phim chiến tranh không đơn giản. Đề tài cũ. Những cảnh bom mìn súng ống hoành tráng thì tốn kém. Đặc biệt là khó thu hút được khán giả ( vấn đề nan giải của phim nội hiện nay). Anh sẽ “xử lý” Sinh mệnh như thế nào để vượt qua những khó khăn của phim chiến tranh?

 

Đề tài chiến tranh không bao giờ cũ. Bởi ở đó có những người anh hùng bình dị, có tình yêu, có sinh tử, có những mệnh lệnh và có những bản năng… Nghĩa là có “đất” cho nghệ thuật. Quan trọng là khai thác nó thế nào thôi. Và tôi sẽ cố gắng tái hiện một câu chuyện cảm động, hấp dẫn về những người lính trẻ Trường Sơn. Tôi sẽ kể câu chuyện Sinh mệnh bằng cảm xúc của tôi, bằng lòng thành kính và biết ơn hàng vạn chiến sỹ đã hy sinh trên con đường Trường Sơn. Họ đã hy sinh ở cái tuổi còn căng tràn sức xuân, chưa một lần cầm tay con gái, chưa một lần… được hôn. Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm đã được bạn đọc nhiệt liệt đón nhận thì tôi có quyền hy vọng khán giả Việt Nam sẽ không quay lưng lại với những bộ phim về chiến tranh VN. 

  

Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng đã rất nỗ lực với Đường thư, dù đề tài chiến tranh đã được chuyển tải qua thể loại phim hành động, dưới cái nhìn của thế hệ trẻ đương đại, nhưng vẫn không hấp dẫn được khán giả. Thậm chí, im hơi với cả Cánh diều Vàng. Vậy Sinh mệnh của anh sẽ có điều gì đặc biệt?

 

Trước tiên, kịch bản phim Sinh mệnh khiến cho tôi có cảm hứng. Khi sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về con đường Trường Sơn, tôi đã rất xúc động trước một thế hệ đã hy sinh xương máu trên con đường huyền thoại này. Tôi muốn nghiêng mình trước những vong linh của họ, trước nghĩa trang Trường Sơn… Và tôi muốn truyền những cảm xúc chân thành đó tới khán giả, không vì một Cánh diều nào. Sinh mệnh không phải là một bộ phim giải trí. Vì vậy khi khán giả bước chân vào rạp, họ sẽ được sống trong những cảm xúc chân thực nhất về tình yêu, về cuộc đời. Họ sẽ chứng kiến sự lao động hết mình vì nghệ thuật của chúng tôi qua những thước phim. 

 

Với một bộ phim chiến tranh, tôi không đi tìm phong cách mới lạ. Tôi sẽ kể câu chuyện một cách dung dị nhất và… cảm động nhất. 

 

Cảm ơn anh và chúc anh thành công!

 

Hiền Hương