Đạo diễn trẻ băn khoăn tìm ngả rẽ
(Dân trí) - “Làm phim truyền hình đông khán giả nhưng chưa cảm thấy “sướng”, thèm được làm phim truyện nhựa. Đến khi làm phim nhựa rồi lại không có… khán giả. Sướng nhất là vừa được làm phim nhựa vừa có khán giả”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói.
Và đó cũng là niềm khao khát của nhiều đạo diễn trẻ khác.
Phim thị trường - sự lựa chọn số một?
Dù cho các nhà làm phim thế hệ trước trong làng phim Việt hết lòng cổ vũ, thì những bộ phim truyền thống như Đường thư, Sống trong sợ hãi… cũng không đủ sức lôi kéo khán giả vào rạp. Đấy là chưa kể tới nỗi khổ của các đão diễn trẻ khi khai thác đề tài chiến tranh, cách mạng khó tránh khỏi việc va vấp, đi vào lối mòn nhàm chán của các bậc tiền bối. Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng đã phải kêu lên: “Bắt tay vào làm Đường thư tôi bị rất nhiều sức ép: sức ép với người trong nghề, ê kíp làm phim từ giám đốc đến kỹ thuật viên, cho đến các nhà báo…”. Không chỉ bị sức ép đối với người trong giới, họ còn bị sức ép từ phía khán giả, sức ép thị trường. Phim làm ra để xếp kho thì lấy gì mà ăn, làm để làm gì?
Thế cho nên, được đánh giá khá cao với bộ phim Sống trong sợ hãi nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không kìm nổi khao khát mong làm một bộ phim 2 trong 1 : “Đào Duy Phúc là sướng nhất, vừa được làm phim nhựa vừa có khán giả”. Hay chính đạo diễn Đào Duy Phúc, Chiến dịch trái tim bên phải lấy đi của anh rất nhiều tâm lực nhưng kết quả: không có người xem. Anh sẵn sàng bắt tay với Hãng phim tư nhân làm 2 trong 1 với suy nghĩ: “ Trong trường các thầy đã dạy tôi rằng người đạo diễn trước khi làm thầy phải làm tốt vai trò của một người thợ. Tôi chọn làm phim theo đơn đặt hàng của Hãng phim Thiên Ngân là muốn làm tốt vai trò người thợ đã”. Dù còn nhiều “điều ong tiếng ve” nhưng rõ ràng không thể phủ nhận 2 trong 1 là cái tên để các rạp bán vé trong thời gian gần đây và đạo diễn Đào Duy Phúc được khán giả nhớ đến hơn.
Không riêng gì Đào Duy Phúc mà Vũ Ngọc Đãng nghe đâu cũng bắt tay với tư nhân để làm phim. Với “thảm cảnh” như hiện nay của dòng phim truyền thống, phim nghệ thuật ai dám chắc trong tương lai những cái tên như Bùi Tuấn Dũng, Bùi Thạc Chuyên…sẽ “bén duyên” dòng phim thị trường?
Cờ đến tay ai người đó phất
Tại buổi gặp gỡ mang tên “Diễn đàn các đạo diễn trẻ” sáng ngày 8/3, đạo diễn Hà Sơn (phim Trung Uý) đã “nổ một phát súng” vào các đạo diễn trẻ khi buông một câu “Tôi thất vọng!”. Để chứng minh điều đó, ông đưa ra một loạt những sai sót của bốn bộ phim: Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Đẻ mướn, 2 trong 1 với những từ như “ấu trĩ, cẩu thả”, “phim hè đường”… Phản bác lại lời nhận xét của đạo diễn Hà Sơn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã ghi nhận các đạo diễn trẻ đã làm việc hết mình và không thể phủ nhận những sáng tạo của họ. Ông cho rằng 2 trong 1 là bộ phim đáng khen đã hội đủ yếu tố giải trí, có nội dung gắn kết. Vậy mà Đào Duy Phúc khi nhận lời làm 2 trong 1 đã không ít người nói anh “lạc đường” bởi tạng của anh hợp với phim nghệ thuật hơn…
Nhiều ý kiến tranh cãi, người chia sẻ kẻ mỉa mai những bộ phim các đạo diễn trẻ làm. Song nên nhìn nhận vào một thực tế là hiện nay họ có quá ít sự lựa chọn. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thẳng thắn: “Chúng tôi sẽ làm những gì rơi vào tay mình bởi chúng tôi đâu có nhiều cơ hội. Làm gì miễn là khán giả đến xem và được làm là thích rồi”.
Đạo diễn Đào Duy Phúc thì thổ lộ làm phim gì cũng được miễn là không làm phim kém chất lượng. Với số lượng khoảng trên dưới 10 bộ phim sản xuất mỗi năm, không kể số kịch bản hay đếm trên đầu ngón tay thì các đạo diễn trẻ lấy đâu để thử sức? Nhiều đạo diễn phải kiếm sống bằng con đường làm đạo diễn chương trình ca nhạc. Ai may mắn nhận được kịch bản phim thì mừng như “bắt được của rơi” chứ nói gì tới chuyện “kén cá chọn canh”.
Chưa nói trước ai thành công hay thất bại nhưng xin trích dẫn câu nói của nhà phê bình Trần Luân Kim: “Không nên phân biệt phim thị trường hay phim nghệ thuật mà chỉ nên đánh giá phim hay, dở. Các đạo diễn trẻ cần được khuyến khích, động viên để có thể tìm ra hướng đi cho nền điện ảnh nước nhà”.
Nguyễn Hằng