1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đại Hải: Từ ca sỹ thị trường đến “văn công nhà nước”

(Dân trí) - Sau một thời gian vắng bóng sân khấu, nam ca sĩ từng theo đuổi dòng nhạc trẻ, Đại Hải khiến khán giả bất ngờ khi chuyển sang hát dòng nhạc cách mạng, trữ tình quê hương với phong cách hoàn toàn thay đổi…

Khác với bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của Đại Hải gắn liền với lưới câu và những đoàn thuyền. Từ nhỏ Đại Hải đã rong ruổi theo cha đi biển, đắm mình trong vị mặn mòi của biển cả miền Trung. Nơi Đại Hải cất tiếng khóc chào đời tại một làng chài thuộc xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Đây cũng chính là cái nôi của ca trù, dân ca ví giặm, nơi sinh ra những danh nhân kiệt xuất như Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ,… Từ truyền thống yêu văn nghệ của gia đình nên từ nhỏ Đại Hải đã thể hiện rõ năng khiếu nghệ thuật. Cha của Đại Hải trước là một cây văn nghệ của đơn vị phục vụ trong chiến trường, từ nhỏ Đại Hải thường xuyên được nghe cha hát và ru ngủ nên Hải đã ngấm và hát được các làn điệu dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh.

Đại Hải: Từ ca sỹ thị trường đến “văn công nhà nước” - 1

Ca sĩ Đại Hải.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Đại Hải thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vinh dự được là học trò của cố NSND Doãn Tần – một nghệ sỹ mẫu mực với chất giọng teno cao.

Người thầy thứ hai là NSƯT Đức Long, không chỉ dạy bảo cho Hải về giọng hát mà còn dạy về cả bản lĩnh và phong cách trình diễn trên sân khấu. Nhưng rồi theo cá tính bản thân và thị hiếu khán giả cũng như theo kịp thị trường âm nhạc, Đại Hải đã Nam tiến và lựa chọn phong cách nhạc trẻ với nghệ danh Trương Đại Hải.

Dốc tiền vào thực hiện DVD đầu tay “Hai thế giới”. Album đã được Phương Nam phim phát hành, cũng tạo được dấu ấn khá tốt trong lòng khán giả trẻ với một số bản hit như: “Hai thế giới”, “Tại cơn mưa”, “Anh nói em nghe này”....

Bỗng một thời gian, Đại Hải vắng bóng trên sân khấu và trong các sự kiện phía Nam. Sau đó mọi người lại bất ngờ khi Đại Hải chuyển sang hát dòng nhạc chính thống, cách mạng và đặc biệt là trữ tình quê hương với một phong cách thay đổi hoàn toàn, kỹ thuật hát chắc chắn, tình cảm hơn.

Đại Hải chính thức đầu quân về Nhà hát Đài Tiếng Nói Việt Nam - một trong những đơn vị nghệ thuật ca nhạc hàng đầu nước ta hiện nay cùng với các nghệ sỹ tên tuổi như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, Mai Hoa, Diệu Hương, Cẩm Tú… các Sao mai: Đăng Thuật, Bùi Lê Mận, Hoàng Tùng, Đinh Thành Lê, Đinh Trang…

Tính đến nay đã tròn 3 năm công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại Hải ngày càng trưởng thành hơn trong phong cách âm nhạc, hát tốt hơn, được nhiều người yêu quý về tinh thần ham học hỏi và biết tự làm mới mình. Đại Hải bắt tay vào thực hiện album vol.2 mang tên “Biển gọi” để đánh dấu một bước tiến trong sự nghiệp ca hát của mình.

Đại Hải chia sẻ, anh đã dành ra hơn một năm để chọn bài, biên tập và nghiên cứu cách hát, cũng như chọn lựa nhạc sỹ phối khí. Album “Biển gọi” là một bức tranh quê hương đầy sinh động, được biên tập theo hai phần: phần một là các ca khúc về miền quê xứ Nghệ. Phần hai là sự tươi sáng, hào sảng với những ca khúc về biển đảo, cách mạng mang đầy ý nghĩa.

Chọn “Biển gọi” làm ca khúc chủ đề của album bởi anh có tình yêu đặc biệt với biển. Nơi Đại Hải sinh ra và lớn lên ở vùng biển nghèo, đầy nắng gió, tuổi thơ được hòa mình vào sóng biển, ngày ngày lăn mình giữa bãi cát trắng, dưới cái nắng chang chang của mùa hè, cùng mẹ đứng trên bờ chờ thuyền cha trở về,... Chính vì vậy, ca khúc "Biển gọi" luôn mang lại cho Hải nhiều cảm xúc nhất  mỗi khi thể hiện.

Đại Hải: Từ ca sỹ thị trường đến “văn công nhà nước” - 2

Đại Hải vừa thực hiện album vol.2 mang tên “Biển gọi” để đánh dấu một bước tiến trong sự nghiệp ca hát của mình.

Chọn các ca khúc quen thuộc đã gắn với tên tuổi một số ca sĩ nhưng mới chỉ có giọng nữ thể hiện như: “Điệu ví giặm là em”, “Khúc hát sông quê”, “Hà Tĩnh mình thương”...., Đại Hải đã hòa âm, phối khí mới đưa người nghe đi qua những miền cảm xúc khác nhau…

 “Bâng khuâng Trường Sa” là một trong những sáng tác khá mới về đề tài biển đảo, được nhạc sĩ Lê Đức Hùng phổ nhạc từ bài thơ “Thao thức Trường Sa” của nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ viết sau chuyến thăm Trường Sa tháng 4/2012. Với giai điệu tự sự, lắng đọng, ca khúc là niềm cảm thông, biết ơn những người trẻ nơi hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ đất liền, để giữ bình yên cho Tổ quốc.

Hiện tại, bên cạnh việc ca hát, biểu diễn của nhà hát và diễn show, Đại Hải rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ cho quê hương.

Vào dịp Tết năm 2018, miền Trung trong đó có quê hương Hà Tĩnh bị bão lụt hoành hành, gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn, Đại Hải đã vận động các nghệ sỹ cùng tổ chức đêm nhạc để kêu gọi vận động tài trợ trao tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Một người nghệ sỹ không chỉ mang lời ca tiếng hát phục vụ khán giả mà còn phải có trách nhiệm với cộng đồng”, Đại Hải chia sẻ.

Hà Thanh