1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Công văn của Thanh Hóa làm “vấy bẩn" Giọng hát Việt nhí

TS Lê Hồng Sơn (Bộ Tư pháp) cho rằng 2 công văn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa đã làm “vấy bẩn” đêm chung kết cuộc thi The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí) cũng như "thấm đượm tư duy cục bộ, địa phương".

Quang Anh trong giây phút đăng quang Giọng hát Việt nhí 2013 - Ảnh: K. Khánh
Quang Anh trong giây phút đăng quang Giọng hát Việt nhí 2013 - Ảnh: K. Khánh
 
TS Lê Hồng Sơn, chuyên gia pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết cả gia đình ông theo dõi cuộc thi The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí) trên VTV3 và trong đêm chung kết tối 7-9 rất háo hức chờ đợi xem ai sẽ là quán quân.
 
“Phải thừa nhận rằng VTV3 đã rất thành công khi tạo ra được cuộc chơi giành sự quan tâm rộng rãi của xã hội với kết quả cuộc thi. Ba cháu vào đêm chung kết đều rất xứng đáng. Tôi cho rằng 3 cháu Quang Anh, Mỹ Chi và Ngọc Duy đều có năng khiếu ca hát nhưng trong gia đình tôi đều chung nhận xét Quang Anh có một chút nổi trội, đa dạng hơn trong phong cách so với 2 cháu còn lại. Việc Quang Anh chiến thắng trong cuộc thi này không có gì đáng ngạc nhiên và cũng rất xứng đáng.
 
Cuộc thi The Voice Kids chắc chắn muốn hướng tới một sân chơi bình đẳng, công bằng, khách quan, dân chủ, phù hợp với tâm lý và độ tuổi của các cháu. Đến vòng chung kết, cách thức tổ chức chương trình cho thấy việc nhắn tin bình chọn của khán giả xem truyền hình là phương thức duy nhất để tìm ra người thắng cuộc. Những tin nhắn sẽ như những "lá phiếu" quyết định cho người thắng cuộc.
 
Cuộc thi lẽ ra đã thành công rất tốt đẹp nếu không xuất hiện "hạt sạn", một sự "vấy bẩn" ngoài mong muốn của VTV3, của khán giả lẫn 3 cháu và gia đình trong đêm chung kết. Ở đây tôi muốn nói đến văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cách thức bầu chọn cho cháu Quang Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa.
 
TS Lê Hồng Sơn
TS Lê Hồng Sơn
 
Trước hết, tôi muốn nói đến Công văn số 1579/SGD-ĐT-VP ngày 5-9 của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa về việc bình chọn cho Nguyễn Quang Anh tham gia cuộc thi The Voice Kids do Phó chánh Văn phòng Vũ Mỹ Long ký thừa lệnh giám đốc Sở GD-ĐT gửi Phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố và các trường THPT, đơn vị vị trực thuộc. Trong đó có mấy ý mà tôi rất quan tâm: "Em Nguyễn Quang Anh sinh ngày 18-3-2001, học sinh lớp 6D Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Thanh Hóa", "Hãy bình chọn cho Quang Anh, người con của xứ Thanh", "Các tin nhắn có hiệu lực từ 2-9 đến 7-9-2013. Nội dung bình chọn 07 gửi 7257" và "Rất mong các đơn vị, nhà trường thông báo đến cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia bình chọn cho Quang Anh".
 
Về thể thức văn bản, tôi cho rằng đây là dạng văn bản thường được sử dụng để chỉ đạo, điều hành của cơ quan công quyền cấp trên với cấp dưới trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
 
Cụ thể ở đây là công văn của Sở GD-ĐT do đồng chí Phó chánh Văn phòng Vũ Mỹ Long ký thừa lệnh giám đốc có đóng dấu của Sở GD-ĐT. Ai cũng biết Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa được thành lập là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc ban hành Công văn 1579 có đầy đủ dấu hiệu đặc định đây là văn bản hành chính của cơ quan công quyền thực hiện quyền lực nhà nước, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy vậy, điều đáng tiếc, nội dung của văn bản lại vượt ra ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa (dù cách thức viết và nội dung câu chữ mang tính "nghệ thuật" thể hiện một cách tương đối khéo léo ý kiến chỉ đạo của Sở GD-ĐT với cấp dưới trong việc yêu cầu các đơn vị nhà trường thông báo chủ trương "bình chọn cho cháu Quang Anh - người con của xứ Thanh").
 
Kết quả trực tiếp của công văn nói trên là UBND phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa đã có Công văn số 93/CV-UBND do Phó Chủ tịch phường ký và đóng dấu quốc huy, truyền đạt việc "thực hiện Công văn 1579 của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa về việc bình chọn cho Nguyễn Quang Anh tham gia cuộc thi The Voice Kids... Đề nghị các phố thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phố và vận động nhân dân bình chọn cho Quang Anh, người con của phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa".
 
Tôi cho rằng với thể thức của văn bản mang tính quyền lực nhà nước của các cơ quan công quyền (Sở GD-ĐT và UBND phường Đông Sơn) chứa đựng những nội dung hoàn toàn không phù hợp với tính chất của văn bản là điều không thể chấp nhận được. Ở đây đã thể hiện rõ ràng một sự "lệch chuẩn" trong nhận thức cũng như hành vi khi thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được giao của công chức có chức quyền khi thi hành công vụ cần phải được nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.
 
Thứ hai, xét về nội dung của các công văn, tôi thấy "thấm đượm một tư duy cục bộ, địa phương" mà chúng ta đang quyết liệt khắc phục, hạn chế. Nội dung các công văn toát lên một ý rằng các phòng GD-ĐT, trường THPT, đơn vị trực thuộc và nhân dân địa phương nhắn tin bầu chọn cho cháu Quang Anh với lý do đơn thuần là người con của xứ Thanh, của TP Thanh Hóa, của phường Đông Sơn mà hoàn toàn không vì những lý do chính đáng như: tài năng, năng khiếu, sự thuyết phục của cháu thể hiện trong đêm chung kết mà tôn chỉ, mục đích của cuộc thi cũng như mong muốn của đông đảo khán giả đặt ra. Chắc những người viết các công văn này bị một tư tưởng lợi ích cục bộ, địa phương chi phối quá mạnh nên mới đưa ra các nội dung như vậy.
 
Thứ ba, nội dung công văn cũng thể hiện một cách rõ ràng tư tưởng háo danh, bon chen, không phù hợp với tính chất của một cơ quan công quyền khi can thiệp (mặc dù với hình thức rất khéo léo) vào một cuộc thi mang tính cộng đồng xã hội.
 
Nội dung Công văn 1579 của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và Công văn số 93 của UBND phường Đông Sơn chỉ hướng tới một sự kiện cụ thể (đã xảy ra) và đã gây hậu quả (dù hậu quả chỉ là ước đoán, giả định), cho nên việc thu hồi công văn này không còn nhiều ý nghĩa.
 
Theo tôi, trước mắt nên cân nhắc xử lý theo hướng có thể, đó là: Kiểm điểm trách nhiệm đối với những người đã ký ban hành các công văn gây dư luận không tốt, sự hoài nghi không đáng có trong xã hội. Tiếp theo một hướng cũng cần nghiên cứu là bổ sung vào quy chế tổ chức các cuộc thi tương tự để bảo đảm sự công bằng, khách quan, trong sáng, dân chủ của cuộc chơi, không để những "tình huống vấy bẩn" không đáng có tương tự.
 
Theo Thế Kha
Người Lao Động