Có nên ầm ĩ chuyện độc quyền
Công ty Nhạc Xanh từng “khốn đốn” với những hợp đồng cùng các thành viên boyband GMC chỉ vì “độc quyền”. Thanh Thảo – Hiền Thục cãi nhau cũng chỉ vì một ca khúc độc quyền của Phương Uyên nhưng đến hai người sử dụng. Lâm Hùng – Lý Hải cũng “tơi bời” vì “Anh đã lầm yêu em” và “Anh đã lầm tin em”…
Từ khi V. pop có chuyện “độc quyền”, mọi chuyện dường như có cảm giác “rối rắm” hơn khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người, “độc quyền” sẽ khiến con đường của V.pop trở nên “suôn thẳng” hơn…
Độc quyền ca sỹ: chuyện không chỉ có hợp đồng
Khi V.pop thời gian đầu chỉ mới hình thành và phát triển, ca sỹ độc quyền trở thành một trong những chiến lược nhằm phát huy tên tuổi công ty và “đảm bảo ổn định” để có cơ hội vận dụng những chiến thuật của các công ty giải trí. Thế nhưng sau một thời gian phát triển, độc quyền ca sĩ giờ đây không khác gì hơn một mảnh giấy lộn. Ca sĩ ký độc quyền là một chuyện nhưng ra đi lại là một chuyện khác.
Với những đại gia lớn như Nhạc Xanh mà chuyện đi ra đi về như đi chợ của các thành viên GMC là một biểu hiện cho sự mất giá trị của các hợp đồng độc quyền. Thậm chí cứ mỗi lần phát hành CD là một lần GMC chia tay một người cũ và nhận một người mới. Những chuyện tương tự xảy ra không ít với công ty Nam Phương cũng từng rất khó khăn với F5, mới đây là nhóm Tiamo và Vpop; Thăng Long với nhóm Tigon, Lãng Du…
“Cột” ca sĩ đơn vào những hợp đồng cũng không là chuyện đơn giản. Bởi thích thì họ làm, buồn thì họ nghĩ, công ty thích thì cắt hợp đồng, họ cũng chẳng cần quan tâm. Thậm chí độc quyền ca sĩ còn khiến cho nhiều bầu show trở nên mệt mỏi chỉ vì chuyện “yêu” hay “không yêu”. Nghiệt một điều là khi bầu show là nam, ca sĩ là nữ thì cũng yêu, bầu show là nữ, ca sĩ là nam cũng yêu, bầu nữ – ca sĩ nữ thì cũng yêu mà bầu nam – ca sĩ nam cũng yêu nốt, nhưng có tình yêu công khai được, có tình yêu phải “lén lút”. Thành ra những ai khi bắt đầu quyết định “độc quyền” ca sĩ thì ngoài chuyện lo lắng tài chính để lao vào cuộc cạnh tranh thì cũng chuẩn bị tinh thần cho những tin đồn được gia tăng theo tần số ngày càng nhiều.
Khi đã chứng minh được không có tình yêu thì “độc quyền” lại vướng vào chuyện “tiền bạc”. Dĩ nhiên cũng có một vài khuôn mẫu được định sẵn nhưng không phải cứ thế mà “vơ đũa cả nắm”. Có bầu show đầu tư cả 100% vào ca sĩ độc quyền của mình nhưng thiên hạ cứ nhìn vào gia thế chàng trai ấy mà bảo rằng bầu kia đang rút tiền của nhà kia, thậm chí chỉ vì tấm hình được treo to quá, chễm chệ quá trên một cửa hàng thời trang nổi tiếng họ cũng đồn rằng đấy là nhà của chàng ca sĩ này.
Chính vì thế mà sau một thời gian dài có “chế độ” độc quyền ca sĩ nhiều người rút ra kinh nghiệm rằng “trên đời cái dại nhất là bỏ tiền độc quyền ca sĩ, tiền mất và tai tiếng mang theo…”. Nói thế không phải là để chê bai gì “công nghệ” độc quyền của V.pop nhưng chính sự không có hệ thống, không căn bản, không pháp lý khiến cho những hợp đồng có hay không có cũng chỉ là những tờ giấy vô tri vô giác.
Độc quyền ca khúc: chuyện đang thừa thãi…!?
Sau khi công ước Berne ban hành, những tưởng các nhạc sĩ Việt Nam sẽ “lên hương” với những hợp đồng độc quyền ca khúc tới tắp. Thế nhưng viễn cảnh đó đang càng ngày trở nên xa thẳm khi hiện tượng cover nhạc cũ, hát nhạc đỏ, tự sáng tác và mua hẳn bản quyền nước ngoài. Trước tình hình đó nhằm gây dựng lại tên tuổi của các nhạc sĩ đài truyền hình VTV “bắt tay” thực hiện ngay “Bài hát Việt 2005” để “lăng xê” những ca khúc mới và “Con đường âm nhạc” để “lăng xê” những nhạc sĩ tài danh.
Thế nhưng tầm ảnh hưởng của “Bài hát Việt 2005” và cả “Con đường âm nhạc” không tạo làn sóng mạnh như “Sao mai điểm hẹn”. Ngay tại thị trường TPHCM, mọi thứ đều vẫn rất yên bình. Ngoài một vài cái tên thời thượng đang được săn đón như Lê Quang, Vĩnh Tâm, Lương Bằng Quang, Đức Trí, Nguyễn Nhất Huy, Hoài An, Quốc An… thì các nhạc sỹ thời “cựu” vẫn chưa chở được hơi thở thời đại.
Chuyện ca khúc độc quyền bây giờ không còn là thứ để khẳng định đẳng cấp nữa. Người mua thì cứ mua, còn người hát thì cứ hát. Thậm chí ca khúc bán rồi vẫn có thể “xào” lại để bán cho người khác. Giai điệu, ca từ ca khúc cứ na ná nhau khiến cho nhiều ca sỹ bắt đầu tự sáng tác luôn cho mình. Đã có một vài nhân vật thành công như Mỹ Tâm, Lam Trường, Lâm Hùng, Thanh Thảo đã tự mình sáng tác ca khúc mà vẫn thành “hit”.
Một album hiện tại, trung bình bây giờ chỉ có 2 hoặc 3 ca khúc độc quyền là nhiều, còn hầu hết là cover nhạc cũ cho đỡ tốn kém. Ai muốn hát thì cứ hát, hát xong trả tác quyền thế là xong, khỏi phải phiền phức văn bản pháp lý. Bởi cứ viết là độc quyền cho người này, người kia mà không có công chứng thì xem như cũng thua, kiện hay không kiện chỉ là scandal trên báo chí mà thôi còn đối với pháp luật thì chỉ có 3 chữ “không hợp lệ”.
Chuyện “đánh nhau” vì ca khúc độc quyền ôi thôi cũng 1001 nhẽ. Nhạc sỹ Quốc An từng tâm sự “Có rất nhiều ca sỹ mua bài độc quyền của tôi ghi trên bìa CD nhưng đến bây giờ vẫn chưa đưa tiền. Rồi khi người khác đi hát lại kiện ầm ỹ. Thật buồn cười…”. Nhạc sỹ Vũ Quốc Bình cũng rơi vào tình trạng tương tự “Khi mua họ rất ngọt ngào, nhưng khi làm nhạc xong, kiệu bài thì hầu như tiền độc quyền phải nhắc. Nhất là các ca sỹ trẻ…”. Cũng có tình trạng “Ca khúc đó tôi dành hết tâm huyết để viết, độc quyền xong ca sỹ đem xếp xó, đó là một sự xúc phạm. Tôi không cần những đồng tiền độc quyền vì với 5 triệu đồng mà ca khúc không được phổ biến ra thị trường, không ai biết thì tôi lấy làm gì…”. Sau khi thuế thu nhập được phổ biến, các nhạc sỹ càng ngại hơn trong việc bán ca khúc độc quyền vì bán chẳng được bao nhiêu mà đóng thuế lại nhiều.
Mới đây khi ca khúc “Dẫu có lỗi lầm” của Hồ Hoài Anh trở thành ca khúc yêu thích thì cả Hiền Thục, lẫn Mỹ Dung và Minh Quân đều giành lấy. Thậm chí Hiền Thục còn chuẩn bị tung hẳn một single “Dẫu có lỗi lầm” với nhiều cách phối khác biệt.
Nhạc sỹ Vũ Quốc Bình tâm sự “Có nhiều ca khúc tôi viết rất thích, rất nhiều người thích nhưng khi một ca sỹ có giọng ca không tốt thể hiện thì nó cũng vô ích. Chẳng lẽ thân nhau mà không bán độc quyền thì kỳ nhưng thật tình bán xong tiếc lắm, thà cứ để tác quyền, nhiều người hát, chỉ cần 10 CD có bài hát đó thì cũng đủ số tiền độc quyền rồi mà ca khúc của mình lại được nhiều người biết đến…”
Thật ra có nên “độc quyền”!?
Chuyện “độc quyền” thật ra không có gì quá to tát. Nó chỉ đơn giản là một trong những chiến lược của công nghệ lăng xê, nếu như không muốn nói thẳng ra rằng độc quyền chỉ giống như một hợp đồng bảo hiểm để tránh rủi ro cho những dự án chiến lược. Và khi đã nói đến hợp đồng bảo hiểm thì cẩn phải xét đến tính hợp lý. Không phải cái gì độc quyền cũng hay và ngược lại.
Đối với các ca sỹ trẻ cần chọn cho mình một ca khúc độc quyền thật tốt, thật hay để khán giả nhận ra mình. Nhưng nếu đủ tự tin họ vẫn có thể trình bày cover những ca khúc hay nhưng không thành công. Nói chung độc quyền hay không độc quyền là do mình. Đừng thổi bùng nó như một trào lưu, một thứ mốt khi thích thì đổ xô giành giật, lúc chán tỏ ra “ruồng rẫy”.
Theo Giaidieuxanh