"Cô Bống" tự bạch
Giấc mộng ca hát đến với tôi xem ra rất "thuận buồm xuôi gió". Gọi là "định mệnh" để trở thành ca sĩ nghe to tát quá. Nhưng tôi có cung số để trở thành "cô Bống" như mọi người hay gọi...
Tuổi nhỏ hồn nhiên vô tư đâu có định cái gì. Tính ương bướng trán dô mà, thích làm gì thì làm đúng cái đó và đến bây giờ vẫn như thế.
Tôi nghĩ cuộc sống của mình quá hạnh phúc, bởi sống cũng một đời như người ta thôi nhưng quá nhiều màu sắc. Có phải ông trời rất công bằng, lấy mất cái này lại bù đắp cái kia?
10 tuổi đã lên sân khấu hát. 11 tuổi thu cho đài phát thanh Hà Nội, đài phát thanh ở phố Quán Sứ (đài truyền hình Việt Nam), 12 tuổi đã đi khắp các nơi, đến vùng than Quảng Ninh biểu diễn rồi vùng đất đỏ Tây Ninh. Dịp nghỉ hè nào cũng đi 3 tháng. Mình thu nhận được và nhìn tất cả mọi cái.
Năm 14 tuổi được gửi đi nước ngoài lần đầu tiên. Vậy thì buồn gì nữa chứ? Hạnh phúc, sung sướng, tự hào... thao thức suốt bao đêm không ngủ được. Hôm vừa rồi gặp lại ông bố nuôi ở đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương. Ông bảo mình: "Hồi mới vào đoàn, mày gầy và xấu quá đi, trông như một con vịt nên tao nhận mày làm con nuôi. Mà hồi đấy nghèo quá, khổ cực quá, tội quá..."
Nghĩ lại, chẳng thấy có gì là tội quá, chỉ thấy thật là sung sướng. Lên xe Hải Âu vàng đi dọc từ Bắc vào Nam mà lần nào trên ô tô cũng say quá trời. "Bố ơi, thôi con đi về". "Thế mày thích về không hả, tao thả mày xuống đây, nửa tháng nữa đi diễn về, đoàn qua đây đón mày". Thế thôi, rồi lại đi. Liên tục như vậy, tất cả trở thành kỉ niệm.
Mọi người hay nói Hồng Nhung rất lạ, rất nhỏ bé, không phải là một người có nhan sắc lộng lẫy, đi đến đâu cũng có phong cách của một người phụ nữ tự tin. Vì sao?
Mình đã được sự giáo dục nhiều, cảm thấy mình là một người có ý nghĩa. Ngày xưa, khi Nhung còn bé đi biểu diễn có cả cô Vũ Dậu, Lệ Quyên, Tường Vi, đến vùng đất không có điện, dân vừa mới gặt xong, người ta dựng lên một ụ đất, sân khấu ở giữa cánh đồng, đèn chỉ có hai cái, chạy bằng máy nổ.
Hồi ấy để có tiếng phát ra cái băng thu tiếng hát vào, rồi phát ra mới được âm thanh hơi vang, vô cùng thô sơ. Bật đèn lên, mình đứng hát giữa cánh đồng, thu hút đủ những con bay trên trời, há mồm ra nó chui tọt vào miệng, thế là ho luôn, ho sặc sụa, không thể hát được. Thế rồi tiếp tục hát, dưới cười ầm lên. Đến lúc ngủ, mọi người chia nhau ra các nhà dân. Lúc con gái tắm, để đèn dầu xung quanh một cái giếng, con trai nó hú từ đằng xa, nó trêu, sợ quá chạy toán loạn. Nay đã khác rất nhiều rồi, tất cả trở thành kỉ niệm...
Nghe nói Nhung là con nhà có gien di truyền nghệ thuật?
Bố hồi xưa có chút tài văn chương, lên đài, lên báo văn, chắc sau này gọi là báo Văn Nghệ. Ông ngoại là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh viết từ điển Việt Nam, từ điển Anh - Pháp, từ điển Nga - Anh. Ông nội là hoạ sĩ... Có lẽ máu nghệ sĩ tích tụ từ khi ra đời...
Cuộc đời nghệ sĩ thì thường gặp nhiều sóng gió. Bão tố đến với chị lần đầu tiên từ khi nào?
Từ khi Nhung còn nhỏ tí, bố mẹ chia tay nhau. Cho đến giờ mình vẫn không hình dung ra được nếu sống có cả bố lẫn mẹ sẽ khác thế nào. Nhung sống với bố và bà nội, bà nuôi đến lúc bà mất năm Nhung 23 tuổi, bố lấy vợ, mình sống riêng. Đến giờ cả bố và mẹ đều đã có tổ ấm... Nó cũng hợp với quy luật tự nhiên. Xem ra cả hai người đều có vẻ hạnh phúc.
Mọi người nhìn vào có người thấy "cô ấy thật tội". Nhung thấy mình may mắn quá rồi. May nhất là được sống tự do, làm đúng cái mình say mê nhất. Nhiều người cũng được làm điều mình thích, nhưng không có kết quả. Nhung khác họ là có thành tựu hẳn hoi.
Chị có nghĩ cái gì "quá" đều không tốt không?
Nếu như cái quá đó nghiêng về hướng xấu, chứ nghiêng về điều tốt thì cũng tốt chứ sao. Yêu quá, khát sống quá, khát cống hiến quá, đều tốt cả.
Chị thích gì ở đàn ông?
Thông minh.
Đàn ông thông minh có nhiều trong xã hội hay bị "tiệt chủng" rồi?
Không nhiều mà cũng không ít.
Với chị đàn ông là...?
Hồi nhỏ, đàn ông phải là một ông bố, một ông thầy, lớn hơn chút nữa đàn ông phải là một ông bạn, một ông anh. Bây giờ đây đàn ông không thể thiếu được trong cuộc đời. Tất nhiên phải là sự tương tác rất phù hợp.
Người ta nhận xét về "cô Bống", có điều gì Nhung cảm thấy không bằng lòng?
Hãy chê tôi xấu xí nhưng đừng nói tôi quá khéo.
Phụ nữ thường rất ít khi tự nhận mình là xấu... kể cả điều đó có thật 100% chăng nữa?
Thật là lạ phải không. Thế này nhé, khi được gọi là ca sĩ điều gì là quan trọng nhất? Được trở thành sao. Sao thực sự sống trong lòng công chúng kia. Những người như thế rất hiếm, sinh ra đã có tố chất để trở thành sao chứ không phải có tiền tự nhiên lăng xê...
Những người nhìn biết ngay là sao, mà không cần phải xinh đẹp lộng lẫy. Ví dụ: nghệ sĩ nhân dân Lê Dung, Thanh Hoa chẳng hạn.
Còn những phụ nữ nhan sắc thì có thể trở thành hoa hậu, hay có những giải về sắc đẹp...
Cuộc sống nhất là trong nghệ thuật người ta hay ham những cái mới, Nhung có nghĩ đến một lúc nào đó mình bị "thất sủng"?
Là người có niềm tin vào chính bản thân, Nhung thích câu: "Hãy đi đến cuối con đường, bạn sẽ biết mình là ai". Nên có được tung hô hay hạ bệ cũng đừng vui quá sớm hay buồn nản, tất cả còn đang ở phía trước.
Trong con đường âm nhạc cạnh tranh và phức tạp như hiện nay, để khen tặng nhau thực lòng là điều hiếm?
Bây giờ công nghệ lăng xê khác hẳn ngày xưa. Như thế rất đúng với sự phát triển của xã hội. Những nước phát triển đã có từ lâu nên không ngạc nhiên. Nhiều ca sĩ nhờ công nghệ lăng xê trở thành nhân vật nổi tiếng nhưng thực sự tài năng không có nhiều. Tài là của người lăng xê, hoặc người tổ chức. Nó giống như một sản phẩm vậy.
"Thời" nào thì "thế" nấy. Quan niệm mỗi thời một khác. Vì vậy chị thấy mình ít nhiều cũng thiệt thòi?
Tôi đi nhiều, nhìn nhiều, và biết cũng nhiều lắm. Không nhìn một hướng đâu, thấy mình chả là cái gì cả, nhưng cũng thấy mình hay, đặc biệt lắm. Ngày xưa người ta nghĩ nếu có giọng hát thật hay thế là xong rồi. Không phải đâu, giọng hát chỉ là một phần tạo được người ca sĩ nổi tiếng và để lại sức nặng trong lòng công chúng phải có nhiều thứ khác.
Nghệ sĩ là khác người. Điều này cũng đồng nghĩa với sự lập dị?
Không nên khắt khe, bắt nghệ sĩ phải giống mình. Nghệ sĩ là người tạo ra sản phẩm nghệ thuật trong những phút thăng hoa và xuất thần. Nghệ sĩ trái tính, trái nết nhưng là cái chấp nhận được.
Trong nghệ thuật chị cảm thấy thú vị với ai?
Nói thần tượng thì Nhung không có, nhưng mỗi người thì đều thích ở một điểm. Thích không có nghĩa là bắt chước. Như Thanh Lam hay Mỹ Linh giọng ca tuyệt vời lắm, sinh ra đã rất khác thường, rất đặc biệt, rất riêng. Hoặc khi xem Mỹ Tâm, Nhung rất thích bởi tác phong biểu diễn như vậy có những cái mà người khác không thể giống được mà lại rất tự nhiên.
Hay Quang Dũng khi bước lên sân khấu tự nhiên có tác phong rất sang trọng nhưng lại có một cái hơi nhún nhường, mà hơi khiêm tốn. Tất cả những cái đó là nét đặc biệt không học được, không mua được, chỉ có con người đó có thôi. Mình nhìn đồng nghiệp như vậy, có sự trân trọng và cả sự hâm mộ trong đấy.
Từ bé đã mắc chứng còi xương. Bố cứ phải làm thịt cóc cho ăn, nhưng người đến giờ vẫn cứ ti ti thế này. Nhung sống hơi kỉ luật vì coi trọng sức khoẻ. Bởi vì có khoẻ mới làm được các chuyện khác. Bởi khoẻ mới sống vui được.
Đừng bao giờ nghe những tin đồn. Biết người ta đồn những gì về Nhung không? "Nhung là nguyên nhân khiến cho cha mẹ mình tan vỡ, Nhung nằm bệnh viện hàng tháng trời để kè lại răng, hay kéo chiều dài cơ thể, Nhung bị bệnh đau tim bẩm sinh, vợ mới của bố bây giờ làm osin cho Nhung... và hàng trăm thứ tin đồn khác..
Bạn có định làm một nghệ sĩ, bạn mong trở thành một người nổi tiếng, bạn phải biết vượt qua tất cả các tin đồn. Bạn đã có bản lĩnh đó chưa. Nếu chưa bạn phải học dần. Không đến lúc sẽ phải "nhồi máu cơ tim" vì tất cả những chuyện thêu dệt từ cuộc sống bởi đơn giản bạn đã trở thành "người của công chúng"!
Theo Mỹ Trân
Phong Cách Việt