Bạn đọc viết:

Chế Linh, sao lại làm tôi khóc?

(Dân trí) - Thế hệ 7-8X hầu như không còn nằm trong vòng mê hoặc của Chế Linh, nhưng vẫn phải công nhận ông hát rất hay và… rất hiếm. Người hát hay giờ không ít nhưng chủ yếu hát kiểu Tây, hát lối ta và lột tả trọn vẹn nỗi buồn - còn được mấy ai?

Cùng trong tháng 10, cách nhau chỉ vài ngày, hai giọng ca cùng sinh năm 1942 đều về Hà Nội trình diễn lần đầu tiên. Đó là Bạch Yến từ Pháp và Chế Linh từ Canada. Nếu Bạch Yến là giọng hát Việt đầu tiên thành danh trong khán giả Âu - Mỹ nhờ hát tiếng Pháp, tiếng Anh… thì Chế Linh là người Chăm đầu tiên làm nên tên tuổi bằng những bài hát tiếng Việt.
 
Chế Linh, sao lại làm tôi khóc? - 1

Chế Linh lần đầu thể hiện “Hòn vọng phu 2” của Lê Thương tại Hà Nội (Ảnh: N.M.H)

Chế Linh có một lối hát độc quyền mà ông thừa nhận ứng dụng dân ca Chăm. Giọng hát riêng có đó hẳn đã khiến bao thế hệ nước mắt phải rơi. Mở đầu đêm nhạc 21/10 tại Hà Nội, ông thông báo: “Sẽ tuần tự hát những bài quý vị đã từng nghe, đã từng buồn và trong tột cùng nỗi buồn đó, cũng sẽ tìm thấy cái vui”. Mệnh đề triết học “phủ định của phủ định” đã được đem ra áp dụng.

Chế Linh gây dựng sự nghiệp ở miền Nam Việt từ giữa những năm 1960. Nhưng cũng chính tại đây, giọng hát ông từng bị cho rằng “không phù hợp”. Khi ông hát Thành phố buồn trong một vở kịch phát trên truyền hình, người ta vẫn giữ nguyên bài hát, nhưng yêu cầu thay ca sĩ khác… Đó là năm 1972, cũng là năm ông lên đến đỉnh cao danh tiếng với giải Kim Khánh - Huy chương Vàng Đệ Nhất dành cho giọng nam - cuộc thi do nhật báo Trắng Ðen tổ chức.
 
Nỗi buồn trong nghệ thuật không phải bao giờ cũng được chào đón. Ngay như khán giả kịch bây giờ có vẻ vẫn thích xem hài hơn bi. Một số nghệ sĩ hình như mải chạy theo khán giả, theo thời cuộc, rồi dần bỏ quên cách diễn đạt nỗi buồn. Và bây giờ, khi chúng ta có thừa các ca sĩ với khả năng trình bày đủ loại cung bậc tình cảm của con người thì Chế Linh vẫn sừng sững ở đó trong địa hạt sở trường của mình - một bảo tàng của những điệu buồn. Ai đó có thể cho rằng hát buồn làm người ta phát khóc là bi lụy. Nhưng khóc vì chuyện buồn trong đời riêng không giống với khóc khi nghe một bài hát, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Cái sự khóc qua màng lọc nghệ thuật thường có tác dụng gột rửa, làm người ta nhẹ nhõm, thậm chí thăng hoa.
 
Chế Linh, sao lại làm tôi khóc? - 2
Chế Linh và Tuần Ngọc cùng hát “Riêng một góc trời” và “Thành phố buồn” (Ảnh: N.M.H)

Nữ đồng nghiệp của tôi, dự đêm Chế Linh mới đây, tỏ ra ngạc nhiên với chính mình, qua tâm sự trên Facebook: “Chế Linh, sao lại làm tôi khóc? Tối qua đi xem show Chế Linh chỉ biết nói hai chữ: Thú vị! Thực sự mình không phải là fan cuồng của nhạc sến nhưng hôm qua nghe Chế Linh thấy xúc động. Khi Chế Linh cất câu hát: Anh hát cho em nghe, anh hát cho em nghe một lần cuối, một lần cuối cùng rồi thôi... Thế là héo hắt cho nhau, thế là mãi mãi… Mình rùng mình, nước mắt chực rơi nhưng chồng ngồi cạnh nên nén được cảm xúc. 69 tuổi, ông ấy vẫn hát khỏe, da diết và mê đắm lòng người. Ca sĩ Việt giờ nhiều người được phong ngôi sao nhưng hát phô, mất giọng. Thế mới thấy nể ông - Chế Linh, giọng ca vàng một thời”. Cô bạn còn kể thêm, về nhà xem lại clip chồng quay thì rút cuộc đã được… khóc. Rồi cô nói vui: “Cảm ơn ông Linh vì đã khiến mình được dịp rửa mắt”. Cô bạn tôi đang có một cuộc sống viên mãn. Nhưng trong đời, người viên mãn nhất chắc cũng sẽ có những nỗi buồn ẩn ức tự bao giờ. Hiện tại, viên mãn không có cửa cho chúng được giải thoát, cho đến khi Chế Linh cất tiếng - cho chúng một cơ hội… Tôi đoán thế.

Đúng là khi Chế Linh cất giọng hát những bản “thất tình ca” có thể khiến người ta rùng mình. Và nếu tôi không đủ trải nghiệm buồn để đồng cảm với ông thì chắc cũng nên cảm ơn ông vì nhờ đó tôi biết rằng trên đời có những nỗi buồn như thế mà tôi may mắn có thể không mắc phải. Nhưng tôi vẫn thích hơn cảm giác rưng rưng khi nghe Chế Linh ca Hòn vọng phu 2, một nỗi hoài niệm làng quê Việt thuở xưa bỗng dội về… Tôi nghĩ khó có giọng nam nào hiện nay qua được Chế Linh trong bài hát này. Nhiều người sẽ dễ dàng diễn tả sự hùng tráng trong Hòn vọng phu, nhưng nỗi lòng thổn thức cũng trong bài này e không ai hát nuột được như ông. Còn những giọng nam thuần về dòng dân gian (theo kiểu hôm nay) đồ rằng sẽ lại thiếu nét cương nghị, độ dãi dầu mà Chế Linh thể hiện thật đắc địa qua bản trường ca rất Việt Nam này.
 
Chế Linh, sao lại làm tôi khóc? - 3
Kết thúc đêm nhạc, Chế Linh hát “Nụ cười chua cay” với sự phụ họa của 3 con trai (Ảnh: N.M.H)

 
Trong nghệ thuật, người ta hay nghi ngờ số đông, xếp những giọng ca được nhiều người yêu mến nhất vào hạng sến, bình dân… Nhưng tôi lại cho rằng số đông người nghe ít khi lầm. Và những người hát hay nhất (họ hát gì chưa bàn tới) nói chung sẽ được nhiều người yêu thích nhất. Tuổi 69 với tour diễn xuyên Việt đủ để Chế Linh khẳng định một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, cũng như trong lịch sử tân nhạc Việt.

Nguyễn Mạnh Hà