“Chân dài” tự dệt thị phi
Mỗi con người là một thế giới. Nhưng mỗi thế giới của người mẫu lại được phủ quanh bởi những dây leo thị phi, ồn ào và đầy phiền toái. Thị phi không phải gió heo may nên không tự dưng mà gõ cửa...
Không chảnh không phải là vedette
Diễn viên Mỹ Uyên tâm sự, một lần cô đến studio của nhiếp ảnh gia Quốc Huy và bất ngờ trước thái độ thân thiện và lễ phép của Hoa hậu Mai Phương Thúy. Những điều đó làm cô xóa đi mọi mặc cảm về cô gái trẻ và nổi tiếng này. Nhưng cũng trong phòng chụp bữa đó có một số người mẫu trẻ nhưng thái độ kênh kiệu và không chào hỏi của họ khiến cô tự dưng nảy ra một so sánh, phải chăng khi nổi tiếng thực sự thì người ta lại biết cách ứng xử tốt hơn là những người vô danh nhưng luôn nghĩ mình là số một, là vedette?
Cần khẳng định rằng có những người mẫu đã thành danh bằng chính thực lực của mình và họ đã bộc lộ thật rõ niềm đam mê thời trang chứ không chỉ đến với nghề để tìm danh tiếng và, mưu lợi bất chính về tiền bạc.
Một cô gái, trước hết là người mẫu ảnh, sau đó là được mời vào một vài bộ phim truyền hình. Cô ấy là Việt kiều và có cái tên nửa Tây nửa ta. Chuyện đó không quan trọng. Làm nghệ thuật thì miễn sao cống hiến được nhiều. Cô rất hào hứng đến casting cho một mẫu sản phẩm vệ sinh phụ nữ. Thời buổi này, lên được mấy mẫu quảng cáo đó thì rất được các em học trò chú ý vì đây là mẫu quảng cáo dành cho teen.
Cô casting và được chọn cùng một số mẫu nữ khác. Khi đó thì cô biết, cô không được coi là vị trí độc tôn. Cô bỏ ngang xương với lý do: Em là diễn viên nổi tiếng, em là Việt kiều, em phải được đóng một mình mẫu quảng cáo này! Em không thích đóng chung với ai vì một mình em đủ sức tạo nên độ hấp dẫn rồi. Chịu hết nổi, bộ phận casting phải báo lại với nhà sản xuất để thay người mẫu mới.
Chuyện thay người mẫu là cơm bữa với các đơn vị casting. Hoàng Phong, một nhân viên casting tại TPHCM than thở, người mẫu bây giờ nhiều mà kiếm được người làm việc chuyên nghiệp thật khó. Nếu nói chuyên nghiệp, có lẽ chỉ có lứa người mẫu đã thành danh, hầu hết đã bước vào tuổi 30. Ít nhất họ đủ kinh nghiệm để làm một show quảng cáo mà không khiến các thành phần khác phải đứng ngồi chờ đợi.
Và họ làm việc chuyên nghiệp phần nữa để giữ tiếng, để không bị đem ra làm đề tài cho các người mẫu trẻ bêu riếu tại các quán cà phê. Người mẫu bao nhiêu năm vẫn không thoát được một cái tật cố hữu, đó là trễ giờ. Trễ giờ có hàng ngàn lý do, cả chính đáng và không chính đáng, nhưng rất hiếm người biết nói lời xin lỗi cả êkíp đang chờ mình.
Nếu có buộc phải đến sớm để hóa trang thì cũng nhăn nhó than thở và trách nhân viên casting "làm khó". Một cách làm việc nghiệp dư đáng sợ nữa là tự ý thay đổi dung nhan của mình. Như trường hợp người mẫu N, được mời đóng quảng cáo một hình ảnh cô gái trẻ, đẹp nhẹ nhàng nhờ mỹ phẩm chiết xuất từ thiên nhiên. Chuyên gia trang điểm đã phải mất ít nhất là 2 giờ để thực hiện ý tưởng của nhà sản xuất với những yêu cầu rất cao về chuyên môn để quay phim.
Nhưng trong lúc chờ quay phim và họa sĩ "sét up" lại bối cảnh, ngay lập tức N ra một góc khuất để dậm thêm phấn nền và tô son cho thật đậm lên môi. Khi được hỏi tại sao thì N hồn nhiên rằng, cho đậm môi lên để khi vào máy quay sẽ nổi bật.
Thường thì khi trang điểm để quay phim cần đậm hơn trang điểm bề ngoài. Nếu lên ti vi mà hình ảnh không nổi bật thì sẽ bị bạn bè chê cười và... mất giá. N đã quên mất một điều rằng, nhà sản xuất còn lo thương hiệu của mình mất giá gấp ngàn lần. Và người mẫu quảng cáo không phải để làm đẹp mà phải là phương tiện để chuyển tải ý đồ của nhà sản xuất với sản phẩm mà người mẫu làm đại diện. Chính vì điều này mà các nhà sản xuất phim quảng cáo không nhiều thiện cảm với các người mẫu Việt Nam.
Một trường hợp khác, đó là một người mẫu quen mặt và đóng một vài bộ phim. Một biên tập viên truyền hình kỹ thuật số VTC cảm thấy bất bình vì thái độ chảnh chẹ của cô người mẫu tên H này. Khi thực hiện chương trình Tết, kênh truyền hình này muốn mời H vào một cuộc đối thoại của những người trẻ tuổi trước thềm năm mới. Thoạt đầu, H nói gửi kịch bản để xem trước. Rồi tiếp đó, H trả lời không tham gia vì kịch bản không có... kịch tính.
Khi biên tập viên trả lời rằng, kịch tính chính là những câu trả lời thông minh và dí dỏm của khách mời thì H tuyên bố: Nhưng mà chị vẫn không thích! Không thích cũng được, tham gia hay không là chuyện tự nguyện của mỗi người. Nhưng cứ nhận lời rồi ậm ờ để cả một đội ngũ khác phải chờ đợi vào mình thì cũng là một việc làm chỉ có ở người mẫu.
Có lẽ cuộc sống quá đầy đủ và quen được chiều chuộng đã khiến những cô người mẫu như H tự tạo dựng cho mình một tính cách là thích mọi người phải lựa theo ý mình và có lỡ việc thì cũng là lỡ việc của người khác, còn mình thì cứ tăng giá đều.
Một căn bệnh phổ biến nữa của không ít người mẫu trẻ là... không biết mình là ai. Chỉ cần được tham gia vài mẫu quảng cáo, được lên bìa vài tờ tạp chí là ngay lập tức hét giá đến chóng mặt. Nếu như mẫu quảng cáo đầu tiên của họ chỉ là 100 USD thì sau khi mẫu đó phát sóng và họ được mời vào một bộ phim nào đó thì cái giá họ đưa ra lên tới... 3.000 USD!
Theo Hoàng Phong, với những người mẫu như thế này, các công ty casting sẽ loại ra khỏi các dự án của mình, vì đó là thái độ thiếu nghiêm túc với công việc và không biết thực lực của mình. Dù có được nhà sản xuất chọn làm gương mặt đại diện nhưng thái độ không nghiêm túc cũng sẽ được báo lại để thay người mẫu với hàng loạt lý do được đưa ra một cách thuyết phục.
Tự hào vì... được cám dỗ
Nếu ai chú ý đọc những bài phỏng vấn người mẫu, bao giờ cũng là chuyện chân dài và đại gia và ai cũng hùng hồn tuyên bố mình không cần đến những đại gia như thế. Nếu xét về khía cạnh tích cực thì đúng là nghề người mẫu hiện này hoàn toàn có thể sống được.
Ông Thanh Long, Giám đốc Công ty Người mẫu PL từng tiết lộ, với các người mẫu mới chỉ là học viên tốt nghiệp khóa đào tạo tại công ty thì cũng đã được giới thiệu đi các show event để làm tiếp tân, một công việc đơn giản và sơ khai nhất của nghề người mẫu. Và mỗi show như thế đều có cat-sê từ 100-200 ngàn đồng. Với một người mẫu là sinh viên thì mức thu nhập như thế, với lượng show tương đối lớn từ các hợp đồng của Công ty PL, hoàn toàn có thể trang trải được cuộc sống, thậm chí có dư.
Người mẫu Xuân Lan, Giám đốc Công ty Người mẫu Lala cũng khẳng định, không có chuyện người mẫu nghèo túng vì người mẫu mới đi diễn một show cũng đã nhận được cát sê 400 ngàn đồng. Và hiện nay, thời trang đã phát triển nhiều, người mẫu không chỉ diễn catwalk mà còn có thể chụp hình tạp chí, làm mẫu ảnh và làm show quảng cáo.
Vậy thì không giàu nhưng mức thu nhập như thế cũng hoàn toàn có thể khiến người mẫu độc lập được với mức sinh hoạt tại thời điểm này. Không như trước kia, người mẫu chịu quá nhiều thiệt thòi và thường nhận những khoản cát sê tượng trưng. Xuân Lan khẳng định, người mẫu hiện nay có đủ thu nhập để yên tâm làm nghề, còn nếu ai đem lý do kinh tế ra thì đó chỉ là sự bao biện cho những việc làm không tốt.
Vậy tại sao những câu chuyện về giới người mẫu và những sa ngã trong vòng quay tình - tiền vẫn không ngừng trôi nổi? Và đó chính là những câu chuyện hàng ngày của giới người mẫu tại các quán cà phê. Chẳng hạn như H mới "cua" được một đại gia bất động sản, Y nhận được lời mời ăn tối từ một Việt kiều hay T vừa được anh bồ mua tặng một chiếc xe có sàn đời mới.
Đem câu hỏi này ra hỏi một vài người mẫu trẻ, đều nhận được những câu trả lời khá giống nhau: Đó là tin đồn và em nghĩ rằng có thật. Nhưng riêng quan điểm của em thì... Và ai cũng cho rằng có chuyện đó nhưng là chuyện của... người khác. Chỉ chính những người làm việc chung mới nhận ra vì sao các người mẫu luôn cần có những đại gia bên cạnh. Với mức thu nhập của một người lao động bình thường (kém hoặc hơn một chút), nhưng họ lại là những người có nhu cầu tiêu dùng ở mức của các triệu phú.
Họ cần có những trang phục mới hàng hiệu, cần được đi trên những chiếc xe sang trọng, đến những quán cà phê sang trọng, dù trước đó họ ngủ gần hết buổi sáng và buổi chiều họ đến quán đó chỉ để gặp bạn và... đem những người mẫu... lên "bàn mổ". Và với mức chi phí như thế, chỉ còn một con đường duy nhất đó là có một cái... mỏ tiền.
Vài năm lại đây, chuyện cặp với đại gia không còn là độc quyền của các mẫu nữ mà các mẫu nam cũng công khai chuyện có những đại gia đồng tính săn đuổi mình, thậm chí có người còn cảm thấy tự hào. Người mẫu Đức Tiến, trong một lần trả lời phỏng vấn đã cho biết, trong giới của anh có những nam người mẫu còn tự hào vì làm bạn được với đại gia và đi khoe khoang những món quà tặng được nhận từ đại gia ấy...
Một bầu thời trang đã chuyển qua làm việc tại một công ty quảng cáo tâm sự, chính anh là người giới thiệu nam người mẫu T để đi quay quảng cáo cho một mẫu điện thoại mới. Nhưng điều làm anh bất ngờ là T đến trường quay trong tình trạng bơ phờ và gần như kiệt sức. Khi hỏi chuyện anh mới biết là đêm trước T đi vũ trường với một đại gia tơ lụa quá khuya. Chưa hết với bất cứ món quà gì mà đại gia này tặng cho T, chỉ ngày hôm sau bạn bè T cập nhật ngay lập tức và với T thì đó lại là niềm vui.
Bài viết này không nhằm vào toàn bộ giới người mẫu. Cần khẳng định rằng có những người mẫu đã thành danh bằng chính thực lực của mình và họ đã bộc lộ thật rõ niềm đam mê thời trang chứ không chỉ đến với nghề để tìm danh tiếng và, mưu lợi bất chính về tiền bạc. Có những người mẫu đã sống chết với nghề mà không hề có chuyện cặp kè với đại gia, dù chỉ là tin đồn. Những nỗ lực của họ đã được xã hội ghi nhận và họ đã xác lập được vị trí của mình trong làng thời trang.
Bài viết này chỉ nói lên những hiện tượng không lành mạnh và thiếu chuyên nghiệp trong một bộ phận người mẫu. Chính những cách sống và làm việc ấy của họ đã làm cho những người chuyên nghiệp và nghiêm túc bị oan. Nhưng rõ ràng không phải không có. Suốt một thời gian tương đối dài, giới người mẫu được truyền thông cưng chiều đến mức không ít người mới đến ngộ nhận về bản thân mình. Và thị phi bắt đầu từ những chuyện như thế...
Theo Phong Trần
An Ninh Thế Giới