Cấm diễn ở vũ trường, sinh viên thiệt!

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ra công văn gửi tới các trường nghệ thuật với nội dung như sau: "Không cho phép học sinh sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke và các tụ điểm dễ nảy sinh tệ nạn xã hội".

Dưới đây là ý kiến của một số nghệ sĩ về vấn đề này.

NSND Thanh Hoa: Không thể cấm tất cả chỉ vì một vài chỗ tệ nạn

Là bà chủ của phòng trà Aladin và cũng là ca sĩ thành danh, NSND Thanh Hoa cho rằng việc cấm đoán các sinh viên biểu diễn ở các tụ điểm là không thực tế.

"Điều đầu tiên là thiệt thòi cho sinh viên. Bởi vì lượng sinh viên đào tạo ở các trường nghệ thuật thì nhiều mà tụ điểm văn hóa lại ít. Thế mà giờ còn cấm, không cho các em biểu diễn ở quán bar thì không hiểu sinh viên sẽ còn chỗ nào để cọ xát cho cứng nghề. Trong trường, những gì các em được học chỉ là lý thuyết, nếu không được biểu diễn thì sẽ không thể tiến bộ được".

Chị cũng nói thêm rằng: "Tệ nạn xã hội là điều không thể tránh được. Nhưng không thể vì một vài nơi có tệ nạn mà cấm đoán tất cả những nơi lành mạnh khác. Nếu bây giờ có được một điểm nào đó để cho các sinh viên nghệ thuật đến biểu diễn thường xuyên thì hãy nói chuyện cấm đoán".

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Cấm như thế là rất vớ vẩn

Với tư cách là một người làm nhạc, vừa là quản lý của ca sĩ Anh Khoa, Hồ Ngọc Hà, Hà Quang Minh tỏ ra rất bức xúc với quyết định này. Anh cho rằng "đây là kiểu cứ không quản lý được thì cấm. Nó thể hiện sự luẩn quẩn trong quản lý và chẳng có ích lợi gì cho các sinh viên nhạc".

"Sinh viên khi theo học một trường nào đó về hành vi và ứng xử cũng như học tập của họ thuộc quyền quản lý của nhà trường. Nếu họ không chấp hành đúng những quy tắc của nhà trường thì họ sẽ bị buộc thôi học. Cho nên chuyện họ đi hát ở các tụ điểm hay làm bất cứ việc gì mà không ảnh hưởng đến quy định của trường lớp, không vi phạm pháp luật thì không có cớ gì lại cấm cả.

Thứ hai, bất kể một người nào đủ 18 tuổi, họ có quyền công dân của họ và được phép tìm công ăn việc làm phù hợp, miễn là không phạm pháp. Vì thế việc sinh viên nghệ thuật đi biểu diễn ở các tụ điểm, quán bar là một việc hoàn toàn hợp lý. Họ không làm gì xấu thì tại sao lại cấm", nhạc sĩ bày tỏ quan điểm của mình.

Anh cho biết, trung bình một sinh viên đi hát ở các quán bar, phòng trà chỉ được 100-150 nghìn một tối. Như vậy nghĩa là một tháng họ kiếm được 3-4 triệu (chịu khó chạy sô thì có thể nhiều hơn một chút) để chi trả cho tất cả các khoản từ học phí đến ăn uống, đi lại, trang phục diễn... Nếu cấm không cho họ đi hát nữa thì họ lấy gì để trang trải cuộc sống và học tập.

"Một hệ lụy trước tiên và dễ nhận thấy nhất là sinh viên đã đói lại càng đói thêm. Mà đói thì kéo theo đó là gì? Là không có tiền để theo học nữa, là bỏ học. Và vô hình chung quyết định này của Bộ đã đẩy sinh viên đến chỗ... thất học. Vậy thì trường nhạc mở ra có lẽ chỉ để cho sinh viên con nhà giàu mà thôi", Hà Quang Minh tỏ ra bức xúc.

Anh cũng thêm rằng, đã gọi là tụ điểm thì ít nhiều cũng có tệ nạn. Nhưng không vì thế mà tất cả những sinh viên đến đó biểu diễn đều trở thành những kẻ chơi bời, sa ngã. "Họ làm việc lương thiện, kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động của họ chứ không hề làm gì trái pháp luật. Mà thu nhập từ tiền đi hát quán bar của sinh viên là chính nên cấm thì họ lấy gì mà sống và học tập đây. Tóm lại tôi thấy quyết định này không đem lại điều gì tốt đẹp cho sinh viên cả".

Ca sĩ Khánh Linh: Không thể bắt sinh viên nghệ thuật đi rửa bát

Linh cho rằng việc ra văn bản này chắc chắn là có chủ ý tốt của Bộ Văn hóa, nhằm hạn chế sinh viên đến các tụ điểm không lành mạnh. Nhưng cô cũng nói rằng, việc đi hát tại các quán bar là một nhu cầu chính đáng của sinh viên trường nhạc. Đó là môi trường để họ có thể thực hành những gì được học và học tập kinh nghiệm biểu diễn. Đồng thời nó cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể cho sinh viên, đặc biệt là những người ở tỉnh lẻ.

"Không thể nào bắt sinh viên nghệ thuật đi rửa bát, bán hàng để kiếm tiền được. Tất nhiên chọn nơi biểu diễn cũng là điều các sinh viên cần cân nhắc kỹ. Tôi chỉ muốn nói là, việc đi hát tại các tụ điểm không nên đặt nặng chuyện kiếm tiền mà mục đích trước hết là việc học tập và rèn luyện kỹ năng cũng như bản lĩnh sân khấu", Khánh Linh bộc bạch quan điểm của mình.

Ca sĩ Lan Anh: Tôi trưởng thành từ phòng trà Aladin

Từng là sinh viên và hiện là giảng viên thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, Lan Anh hiểu hơn ai hết nhu cầu cần được đi hát, cần được biểu diễn. Chị cho rằng việc cấm đoán này sẽ làm cho các em không còn chỗ nào để thỏa khát khao làm nghệ thuật của mình vì các chương trình của nhà trường hay truyền hình cũng rất ít, không đủ đất cho các em. Ngày trước khi còn là sinh viên, chị cũng thường xuyên đến hát tại phòng trà Aladin của NSND Thanh Hoa và đã trưởng thành từ đó.

Với các học sinh của mình, chị cũng khuyên các em nên đến các tụ điểm lành mạnh để biểu diễn, vừa là thực hành vừa là kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Tất nhiên, không nên đi hát quá nhiều sẽ hỏng giọng và không có đủ thời gian cho việc học.

Ngay cả những ca sĩ đang được khán giả yêu thích như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương hay đàn chị Mỹ Linh trước khi thành danh cũng đều có thời "cọ xát" ở những phòng trà, quán bar. Mỹ Tâm thời đi học Nhạc viện TPHCM ban ngày vừa đi học, buổi tối đi hát như một cách để luyện tập kỹ năng biểu diễn trước đám đông. Hồ Quỳnh Hương ngay từ thời là sinh viên Đại học Nghệ thuật Quân đội cũng trải qua những ngày tháng làm ca sĩ quán bar. Chính từ những nơi như vậy đã giúp họ trưởng thành và ý thức hơn trong việc chinh phục khán giả.

Ngay cả diva Mỹ Linh cũng có một thời bôn ba những quán cà phê ca nhạc để kiếm tiền lo trang trải học hành, và chính từ môi trường như vậy mà giờ đây chị luôn tâm niệm phải sống đẹp để giữ được những tìm cảm tốt đẹp mà người yêu nhạc đã dành tặng.

Theo Mỹ Dung
Ngôi Sao