“Cái tôi” quá đà trong nhạc trẻ bình dân

Nhạc trẻ bình dân đang lên ngôi với những bài hát yêu đương, thất tình, ảo não. Đó là tâm trạng của một “cái tôi’ nào đó nhưng lại nhanh chóng được giới trẻ cổ xuý, coi như một trào lưu sống hiện đại.

Thời gian gần đây, đi đến đâu cũng thấy một số người như phát cuồng lên với Kiếp đỏ đen của Duy Mạnh. Từ nhà hàng sang trọng đến quán cơm bụi vỉa hè, quán cà phê, siêu thị, ở đâu cũng thấy vang lên chất giọng nhừa nhựa Duy Mạnh, chàng ca sĩ vốn xuất thân là... nhạc sĩ (?!). Với giai điệu dễ nhớ, ca từ tự nhiên chủ nghĩa chỉ nghe một lần là thuộc ấy khiến album của ca sĩ này bán chạy như tôm tươi.

 

Không ít người trẻ tuổi đã tìm thấy mình trong các ca khúc do Duy Mạnh, Lương Bằng Quang, Cẩm Ly... thể hiện - một câu chuyện về tình yêu, bạn bè, tiền bạc... sẽ rất giống với một tình huống cụ thể của ai đó đã từng trải qua. “Cái tôi” được thể hiện rõ nét trong các ca khúc như thế này và xu hướng của dòng nhạc "dễ nhớ, dễ thuộc" hiện nay dường như đề cao những quan điểm về tình yêu, cuộc sống rất cá nhân, đúng với hoàn cảnh cụ thể của một ai đó chứ nó không mang tính xã hội, khiến nhiều người cho rằng, một bộ phận giới trẻ ngày nay sống ngày càng ích kỷ, mang nặng những tư tưởng không phù hợp với văn hóa người Á Đông.

 

Cái ý nghĩ thoát ly sớm khỏi gia đình để khẳng định mình đang ngày càng trở thành trào lưu trong một bộ phận lớp trẻ khiến người lớn tuổi phải lo lắng. Nếu như tin theo một số ca khúc thời thượng, giới trẻ dường như có nhiều cách để bày tỏ quan điểm trước một tình huống cụ thể: Đứng trước một tình yêu trắc trở, giải pháp được đưa ra có khi là: Ở bên người ấy em đừng nhớ đến tôi... Người ấy và tôi trong cuộc tình chúng ta, em phải nhận ra một người thôi...

 

Hoặc, để củng cố niềm tin của người yêu, có chàng trai lại tâm sự với cô gái: Nếu yêu phải tin vào đối phương người ơi... Lại có chàng trai tự an ủi mình: Nhói đau thì đã sao cũng chỉ là giấc mộng, đau chỉ một lần mà mất em mãi mãi... khi người tình bỏ ra đi.

 

Còn trong một album của ca sĩ Cẩm Ly, cô gái khi gặp phải chàng trai "bắt cá hai tay" đã tự nguyện là người ra đi... Cách phản ứng của một bộ phận giới trẻ tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể trong một chừng mực nào đó có thể nói là rất không tích cực. Nó đơn giản chỉ cách để thể hiện cái tôi của ai đó nhằm phục vụ cho cái riêng.

 

Vẫn biết cá nhân phát triển là một động lực thúc đẩy xã hội phát triển nhưng đó là những nhân tố tích cực, chứ không phải những cá nhân chỉ biết sống cho riêng mình, không quan tâm gì tới xã hội, vô cảm trước những nỗi đau của cộng đồng, sống tách mình, không tham gia bất cứ hoạt động xây dựng xã hội nào. Nó khác xa với tư tưởng của lớp thanh niên trong thời kỳ chống Mỹ, với khí thế sôi nổi hào hùng ra chiến trường. Tất cả đều sống, chiến đấu vì mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.

 

Đừng nói rằng vì họ mải đánh giặc nên không có thời gian dành cho tình yêu. Không yêu, sao có được những ca khúc ca ngợi tình yêu đầy lãng mạn giữa nơi bom rơi đạn nổ: Anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua đi nỗi nhớ... Thế nhưng, ngoài tình yêu riêng, họ vẫn có một tình yêu chung, ấy là tình yêu Tổ quốc.

 

Còn bây giờ, nếu nhớ nhau thì: Đến với em xin đến với em, cho những nhớ thương tan theo khói mây. Thế thôi! Đơn giản lắm. Nhớ nhau thì ào đến, các phương tiện giao thông đầy rẫy, không ôtô thì xe máy, không có xe máy thì thuê... xe ôm. Miễn là cho đêm nay thôi không còn cô đơn...

 

Album của ca sĩ Lam Trường mới đây cũng bị phê phán rất nhiều vì những cảnh máu me, đã cho thấy, xu hướng làm băng đĩa hiện nay cũng nghiêng về phục vụ ý thích cá nhân. Ở album có các nữ ca sĩ lại nghiêng về phô diễn hình thể - cũng là một cách thể hiện mình, tóm lại là người ta không tìm thấy trong các băng đĩa này một tư tưởng vì cái chung nào, hoặc nếu có thì cũng rất mờ nhạt...

 

Theo Linh Chi

Công An Nhân Dân