Lưu Hiểu Khánh: Từ minh tinh màn bạc trở thành nhà tỷ phú
Bi kịch hôn nhân (kỳ 2)
Tôi không bao giờ quên cái cảm giác trong giây phút đó. Đó là cái cảm giác quyết định tấn bi kịch của chúng tôi. Tôi phát hiện ra mình sai bởi hai chúng tôi có một sự tương phản. Anh ta chẳng có gì không tốt nhưng không phải là người bạn đời của tôi. Tôi xót xa tưởng như mình từ trên trời rơi xuống.
Có phải tình yêu?
Trong thời gian quay bộ phim Trường Thành Nam Hải, qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi làm quen với Vương Lập. Anh Vương ở đoàn ca kịch Bộ Tổng chính trị giải phóng quân. Anh tốt nghiệp ở Học viện Âm nhạc Tứ Xuyên. Tôi học về nhạc dân tộc. Tôi ở Tứ Xuyên. Anh ở Bắc Kinh. Về mọi điều kiện, anh cao hơn tôi một nấc.
Mới nhìn qua, anh ngại tôi đen quá. Tôi thấy anh cũng khá. Chúng tôi tranh thủ thời gian gặp nhau, cố gắng xích lại với nhau. Tôi không có ý định tìm một diễn viên điện ảnh và cũng không muốn sống chung với ai chuyên nghiệp làm điện ảnh.
Cũng không biết vì sao, có lẽ vì không tự tin hoặc sợ đối phương của mình tung tẩy hoa lá? Đương nhiên, đó là cách nhìn của tôi vào lúc đó. Sau này, thực tế đã chứng minh, tôi là một mạch quay lộn trong cái ổ của thế giới nghệ thuật, không ra khỏi cái vòng đó được.
Lúc này tôi là một sĩ quan trẻ và cũng là người lính già, đã có 6 năm tuổi quân. Tôi đã đủ tư cách để nói chuyện yêu đương. Trong đơn vị chúng tôi nếu ai có ý định yêu đương là phải hội báo. Lãnh đạo sẽ điều tra, tìm hiểu lai lịch của đối tượng được hướng tới, chủ yếu là biểu hiện về mặt chính trị. Sau khi được phê chuẩn, mới được bàn đến việc yêu đương.
Trong khi tôi còn chưa nhận ra rằng sẽ không có kết quả thì lãnh đạo đoàn đã thông báo cho biết, việc yêu đương của chúng tôi đã được phê chuẩn. Thậm chí, tôi còn được hỏi muốn tổ chức đám cưới ở Thành Đô hay Bắc Kinh? Thế là trong lòng tôi bắt đầu nhận Vương Lập làm chồng và viết thư cho anh. Phải chăng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài anh? Hầu như ngày nào tôi cũng nhận từ Bắc Kinh những lá thư tràn ngập nhiệt tình.
Đọc những bức thư ấy tôi cố gắng say đắm và “giao nhiệm vụ” cho mình phải có thư trả lời và vắt óc ra làm cho những lời thư rung động lòng người và ngọt ngào như mật. Vì xa cách quá lâu, hình ảnh của anh trong đầu óc tôi bị khô nhạt nên phải dựa vào thư từ để thêu dệt nên ngày mai và biến hình tượng của anh thành một người yêu lý tưởng.
Tôi vẫn chưa nghĩ đến việc kết hôn. Tôi thấy kết hôn chẳng có gì tuyệt vời. Tôi chỉ đi lên, men theo con đường mà không biết ai đã an bày cho tôi. Mỗi con người đều đi theo một quỹ đạo như vậy. Mọi người như thế. Tôi cũng vậy. Cứ đi.
Phía sau cuộc hôn nhân
Có điều làm tôi suy nghĩ ngày đêm là không được lên màn ảnh nữa. Nhiều xưởng phim tới mượn tôi nhưng không hiểu vì động cơ gì trong đoàn lại không cho đi. Tôi rất hận lãnh đạo của đoàn và thề rằng sẽ không tha thứ cho họ một khi tôi được “lên cân”. Nhưng trước tiên tôi phải “lên cân” cái đã.
Lần đầu tiên tôi nghĩ đến vấn đề hôn nhân. Kết hôn tôi có thể về Bắc Kinh và như vậy là họ không thể ngăn cản được tôi. Tôi bắt đầu cuộc hành trình, mọi việc đều rất thuận lợi, thủ tục giản đơn. Đoàn làm một tờ giới thiệu, sau đó tôi lên đường về Bắc Kinh, trước khi đi, tôi viết một lá thư cho Vương Lập. Anh ra đón tôi ở ga Bắc Kinh với khuôn mặt rạng rỡ.
Tôi không bao giờ quên cái cảm giác trong giây phút đó. Đó là cái cảm giác quyết định tấn bi kịch của chúng tôi. Tôi phát hiện mình đã sai bởi hai chúng tôi có một sự tương phản. Anh ta chẳng có gì là không tốt nhưng không phải là người bạn đời của tôi. Tôi xót xa tưởng như mình từ trên trời rơi xuống.
Trong lòng tôi không có yêu đương. Chỉ có xa lạ. Tôi mân mê tờ giấy giới thiệu kết hôn. Tôi đến đây là để kết hôn với anh ta. Tôi không có cơ hội cải chính sai lầm. Tối đó, chúng tôi tổ chức đám cưới. Xem ra, anh ta đã chuẩn bị kỹ lắm. Tôi thì không có cảm giác gì. Không thay quần áo cũng không trang điểm.
Tôi có ác cảm với sinh hoạt hôn nhân. Tôi không thích đàn ông. Vừa mới kết hôn hai hôm, tôi nhất định phải đi. Lúc tôi trở lại Bắc Kinh gặp Vương Lập thì đã một năm sau rồi. Thời gian này, trong lòng tôi ước muốn ly hôn càng rõ.
Tôi đi sớm về khuya, nửa đêm thường thức dậy viết nhật ký. Quên mất sự tồn tại của Vương Lập. Thân tôi ở trong nhà, có anh ta ở cạnh mà lòng tôi không ở đây, linh hồn tôi không ở đây. Tim tôi và linh hồn tôi đều ở lều quay, ở trên màn ảnh…
Có hôm tôi trở về thì Vương Lập mất hết kiên nhẫn, anh xô đẩy bàn ghế và nổi trận lôi đình. Hố ngăn cách giữa chúng tôi càng ngày càng sâu sắc. Tôi càng không muốn trở về nhà. Vì trở ngại tâm lý, lúc này tôi không thể tiếp nhận thân tình giữa vợ chồng nữa. Nhiệt tình chan chứa nơi Vương Lập gặp phải sức kháng cự kéo dài của tôi. Vương Lập thấy xấu hổ, tức giận nên đánh tôi một bạt tai. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi rời khỏi nhà. Khi bỏ nhà ra đi, tôi đã là một minh tinh bàn bạc.
Kỳ 1: Điện ảnh - Sự nghiệp tàn khốc
Theo Mạnh Minh
Sài Gòn Giải Phóng