Bên khung cửi, người đàn bà "dệt" nhạc

Trong tòa nhà Bảo tàng Mỹ Thuật cũ mốc, xộc xệch, có kiến trúc art deco hiếm hoi ở Sài Gòn, Kim Ngọc đặt chiếc computer hiệu Apples trên một cái giá hình khung cửi, cô bắt đầu dệt những bản nhạc lạ lùng với một tâm trạng bất thường.

Xung quanh ngổn ngang lời mấy thằng Tây bàn chuyện đàn bà, vẫn còn tiếng xuýt xoa của vài nữ khách sau những vòng quay loto may rủi, mấy bé gái tròn mắt hiếu kỳ...

Ngọc tự nhận đó là một đêm nhạc không thành công bởi đến gần ngày cô mới biết mình nhầm khi nhận lời biểu diễn cùng nhóm Wonderful District, những người chỉ muốn cô như một món chính trong bữa tiệc ất ơ, một deco cho những dự án nặng phần thương mại chứ không hẳn là mong muốn kết nối Việt Nam với nghệ thuật đương đại như từng quảng bá.

Ngọc ngồi bên hay vắt vẻo trên khung cửi, tóc mượn kiểu ni cô, áo dài biến thể, yếm đào phơ phất, mồ hôi ròng ròng, thần thái oan khuất Thị Kính pha chút ngông ngạo, chua đanh Thị Màu, những con âm như văng ra từ những dây đàn đoản mệnh. Đứt phựt.

Kim Ngọc là một trong số quá ít tay nữ viết nhạc thể nghiệm. Cảm nhận về nhạc của cô cũng quá khó. Nhạc của Ngọc đan cài cách hát nhả chữ, cách đổ những hột to đầy tâm trạng trong điệu sử rầu, sử vãn của chèo. Nó mang âm hưởng hoành tráng của Stockhausen, có sự tinh tế của Luigi Nino - những tác giả lớn trong dòng âm nhạc điện tử Đức. Nó có cả những chùm tiếng động được chuyển tải bằng kỹ thuật computer music mà cô du nhập trong những ngày sống, học tập và lưu diễn ở Mỹ. Phải thế chăng?

Thú thật chẳng biết đâu cò, đâu suốt.

Hoang mang quá khi phải đối diện với mắt cong như ống kính mắt cá, khẩu độ lớn, đọc vị vanh vách kẻ đối thoại. Người đâu dáng mũi lạnh lùng cướp vía kẻ khác. Người đâu học nhạc từ lúc rãi mũi dài hơn ngón tay, thời gian chơi piano bằng thời gian đánh võng ngoài phố mà lại tênh hênh gọi nhạc Bethoven, Chopin là nhạc sến.

Người đâu nhảy toanh toách ra khỏi 5 dòng kẻ, bĩu môi với 7 con âm, choàng áo hiệp sỹ, tay lăm lăm phần mềm lập trình Max MSP róng riết đi tìm hòa âm của tiếng động, nằng nặc đòi bình quyền cho mọi dạng âm thanh, rũ bỏ những kỳ thị, phân loại đẳng cấp trong âm nhạc.

Người đâu mà giữa mênh mông u mê cứ mò tìm thứ âm nhạc thức tỉnh, giữa tràn ngập tụng ca mà cứ líu lo solo về bản thân, giữa quay quắt đánh quả lại hoài vọng về những điều mơ hồ, vĩnh cửu? (Nếu gặp phải những công công uy quyền đời trước, khi nhạc còn là công cụ kỹ trị, thì khắp kinh thành chắc đã thất thanh loan báo: Nhạc họa, nhạc họa...họa nhạc...hạc...ạc.)

Người đâu đã trĩu nặng hoài bão lại còn ẩn vào tên con gái những thèm muốn trạng thái nhẹ bay, lang thang của Mây?

Càng hoang mang hơn khi Ngọc nói cô ước ao hạnh phúc giản đơn.

Sao bỗng nhớ lời thôn nữ: "Bốn mùa xuân hạ thu đông/ Thiếp ngồi dệt vải những trông bóng chàng." (ca dao) Sao bỗng gặp Hồ Xuân Hương ghẹo đời: "Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau/ Con cò mấp máy suốt đêm thâu/ Hai chân đạp xuống năng năng nhắc/ Một suốt đâm ngang thích thích mau." (Dệt cửi.) Sao lại thấy như Vi Thùy Linh cay đắng: "Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy." (Người dệt tầm gai.)

Ngọc nói cô không đau đớn như Linh, không đắng cay, ngạo mạn như nữ sỹ họ Hồ. Đây chỉ là cách cô không muốn mình bị so đo với ai. Nhưng hình như cũng giống nhau cả thôi, ôi những đời nữ chẳng biết an phận, dù giời cho tài ba khác người. Đã trót cuỗm đi bao vía khí của đám đông khác giới tham lam và hèn yếu, bất lực vậy thì muôn đời các hạ chỉ ngồi cô độc dệt được nỗi buồn mà thôi. Nếu được tạm trú lâu dài trong hạnh phúc, cùng lắm Kim Ngọc sẽ trở thành nhà sản xuất mấy đoản khúc hay hay cho những giây quảng cáo truyền hình còn đang loay hoay với mớ ý tưởng ba xu. Còn định trở thành thủ lĩnh âm nhạc đương đại thì phải đặt cược cái gì đó ngang giá một chút chứ.

Kim Ngọc nói tôi là đồ phong kiến thối nát và sẽ phải ân hận vì những dự cảm này. Quá ngại mang tiếng là cải lương nhưng thú thực tôi rất muốn được nói: "thế thì tốt quá."

Nếu mượn được giọng Thiện Sỹ tôi sẽ hát tặng Kim Ngọc đôi lời Đường Trường Tải Lương, một lời ru buồn cho những cánh chim di trú, những thân phận chỉ có thể nhận ra mình nơi viễn xứ.

 Theo Sành Điệu