Bắt “bệnh” diễn viên trẻ

Không riêng phim truyện nhựa, nhân vật chính trong các bộ phim truyền hình đa phần là những người trẻ, vậy nên diễn viên trẻ có nhiều cơ hội vào phim. Nhưng dễ thấy “thói hư, tật xấu” của không ít diễn viên trẻ cả trong nghề nghiệp và đời thường...

 “Tôi là ngôi sao”

 

Sau một bộ phim dài tập thuộc hàng “ăn khách” của VTV, tên tuổi của V.A, dù trước đó đã đóng một số vai “lướt qua màn ảnh”, bỗng nổi như cồn. Gặp anh bây giờ còn khó hơn gặp… hoa hậu. Phần vì anh đã chuyển vào Nam, phần vì cùng lúc hai bộ phim dài tập mời anh tham gia vai chính. V.A diễn xuất “thường thường bậc trung” nhưng vẫn lên báo tuyên bố những câu “xanh rờn”. Là học viên khóa đào tạo diễn viên của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC), V.A “đùng một cái” thành “sao” khiến anh càng… kiêu.

 

H.A, M.T… “được” nhiều đạo diễn phía Bắc… cạch đến già vì “chảnh”. Cô H.A thuộc quân số của một đoàn kịch thuộc lực lượng vũ trang nên khi nhận vai khăng khăng chỉ diễn vào lịch cố định. Cũng thông cảm vì cô còn phải hoàn thành nhiệm vụ trên sân khấu, nhưng thái độ “cương quyết” của cô khi nói rằng “Em chỉ diễn cho anh hai buổi thôi” khiến các đạo diễn nghe xong thì… choáng!

 

Còn M.T trong một bộ phim hợp tác với nước ngoài, chưa nghe đạo diễn nước bạn nói hết câu, anh đã “OK”. Vậy mà khi vào diễn không chuyển tải đúng ý tưởng của đạo diễn. Phim nhựa phải quay đi quay lại, vừa tốn kém, vừa khiến ai nấy ngán ngẩm.

 

Diễn “công thức”

 

Dễ thấy nhất ở các diễn viên “tay ngang” là thiên về diễn xuất hình thể. Đau đớn thì vò đầu, bứt tai rồi gào khóc. Mừng vui thì nhảy lên, giơ tay lên trời. Lúc khó xử thì đi tới đi lui hay chống tay vào cằm, vuốt tóc… Việc diễn những tình huống đó luôn đúng theo “công thức” đã khiến cho nhân vật của họ… trơn tuột!

 

Một nam diễn viên (DV) trong bộ phim đang phát sóng trên HTV vào 18g hàng ngày thì đáng ra diễn cảnh khóc, anh ta chỉ ôm đầu, bứt tóc. Khổ nỗi là ống kính máy quay cứ chĩa vào mặt anh, DV lồng tiếng thì thêm những tiếng nức nở nhưng… không có giọt nước mắt nào chảy ra được cả!

 

Nhận sô chồng chéo

 

Vừa tập vở của nhà hát, vừa đóng phim này lại còn chạy sô quảng cáo khác nên chuyện diễn viên trẻ đến muộn hoặc đến rồi “thoắt ẩn, thoắt hiện” không còn xa lạ. Các diễn viên cao tuổi chờ đợi nhiều khi phát bực. Khổ nỗi, thư ký các đoàn phim không phải lúc nào cũng tính đúng, tính chuẩn giờ, mà thời gian với các gương mặt đang lên là vàng, nên cùng làm nhiều việc một lúc, chuyện chồng chéo khó tránh khỏi.

 

Giá như DV trẻ biết… hy sinh một vai diễn, một sô quảng cáo… để toàn tâm, toàn ý cho chỉ một vai diễn. Có lẽ bài học đối với họ là hãy can đảm với chính mình để nói lời từ chối!

 

Ỷ lại người nhắc thoại và sợ... xấu!

 

Thay cho việc học thuộc lời thoại hoặc nghiên cứu các tình huống trong kịch bản để chuẩn bị diễn xuất thì nhiều DV trẻ chỉ chú ý nhiều nhất đến ngoại hình. Chẳng may phải hóa trang thành nhân vật xấu xí hoặc tình huống bắt buộc phải để mặt mộc, ăn mặc lôi thôi thì vật bất ly thân với họ trước lúc bước vào quay là chiếc gương với hộp trang điểm.

 

Có lúc được hóa trang xong họ vẫn chưa ăn ý, lại tẩy tẩy xóa xóa bôi vẽ sao cho đẹp, cho nổi mà không biết nhân vật trong hoàn cảnh đó có cần đẹp và nổi hay không…

 

Khi vào diễn, ỷ lại có người nhắc thoại nên nhiều DV trẻ vừa diễn, vừa lắng nghe người nhắc khiến mặt cứ đơ đơ. Vai diễn nào nhiều thoại thì họ phải chiến đấu với từng lời, từng chữ, làm cho người trong đoàn phim chờ chực đến khổ!

 

Không đầu tư nhiều cho vai diễn và nghề diễn

 

Nhiều DV trẻ quan niệm, vai diễn cần nhiều về ngoại hình nên ra sức mua sắm trang phục và các đồ trang sức cho nhân vật thay cho việc nghiên cứu kịch bản để tìm ra cách diễn phù hợp nhất. Trước lúc vào diễn, họ còn tranh thủ “buôn chuyện” hay ngay cả lúc diễn vẫn không chịu rời điện thoại di động khiến cho cảm xúc bị phân tán.

 

Đáng buồn là nhiều DV trẻ ngày càng xa lạ với văn hóa đọc. Họ không chịu đọc sách để bổ sung kiến thức và và nâng cao phông văn hóa. Họ xa lạ với cả các tác phẩm điện ảnh của thế giới mà đáng ra họ có thể học ở đó nhiều bài học nghề nghiệp bổ ích hay vở diễn của các đàn anh, đàn chị...

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng