Bánh mướt xứ Nghệ
(Dân trí) - Ở xứ Nghệ, nhắc tới bánh mướt không ai là không biết. Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn lại thấy hương vị riêng biệt của người dân xứ Nghệ.
Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Chỉ cần chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát mỏng thế là có thể ăn đến no, bởi nguyên liệu của bánh không phải cái gì khác ngoài gạo tẻ. Người xứ Nghệ cũng thường ăn bánh mướt thay cơm.
Người dân xứ Nghệ thường ăn bánh với đủ thứ nước dùng nào bò hầm, xáo vịt, xáo gà, rồi lòng heo, giò lụa, thịt chó... Tất nhiên không thể thiếu được rau rợ với dưa, giá, xà lách, rau thơm...
Cách làm bánh mướt không cần đến cầu kì nhưng cần lắm sự công phu. Gạo tẻ phải được ngâm cả buổi trời cho mềm rồi vớt ra đem xay thành bột nước. Và chưa vội làm ngay, bột ấy phải để lắng trong nhiều giờ nữa mới nổi lửa tráng bánh. Để làm gì ư? Chính là để bánh nở phồng khi đã nhận đủ nhiệt.
Bếp tráng bánh bao giờ lửa cũng phải cháy lớn để nước trong nồi luôn sôi, có thế sức nóng mới xuyên thấu tấm vải căng miệng nồi. Một chút bột nước rưới lên, cán đều cho mỏng tang, đậy vung lại và chờ đợi trong chốc lát. Dùng cái đũa bếp nhấc bánh đặt lên cái rá sạch úp ngược rồi bắt đầu cuốn. Sau cùng là đặt bánh ngay ngắn thành từng hàng trong cái thúng lót lá chuối tươi. Khi dỡ bánh tới đâu, người bán cũng đều phết lên một lớp hành phi mỡ thơm, vàng ruộm. Bánh không thể làm được một lúc nhiều chiếc vậy là các mẹ, các chị phải dậy từ lúc hai, ba giờ sáng trăn trở từng chiếc bánh, để tờ mờ sáng mai khi mặt trời vừa rọ những quang ghánh nặng bánh đã có mặt ở mọi nẻo đường quê.
Ở xứ Nghệ có những làng chuyên làm bánh mướt bán quanh năm. Kinh nghiệm làm bánh được chắt chiu và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bánh mướt là món ăn gắn bó với người dân xứ Nghệ và là một phần không thể thiếu trong ẩm thực thường ngày của người dân nơi đây.
Xuyến Chi - Khánh Hồng