Anh Thư: "Đồng tiền nuôi dưỡng hạnh phúc"
"Nhìn một hoàn cảnh éo le, có người gạt đi một cách bình thường, vì đó không phải là cuộc đời của mình nên mình không quan tâm. Nhưng người có cảm xúc sẽ có cái nhìn khác, và tôi tin là mình là người có cảm xúc", Anh Thư tâm sự.
HK Film đang quay "Ván cờ tình yêu" với dàn diễn viên nữ không độc quyền. Là diễn viên truyền hình - độc quyền của HK, chị nghĩ sao về điều này?
Khi ký độc quyền, tôi có hỏi anh Trinh Hoan (giám đốc Hong Kong Film) là mình có quyền được chọn không? Và câu trả lời là tôi được chủ động lựa chọn. Qua đó để hiểu, khi quyết định trở thành diễn viên độc quyền, điều đầu tiên tôi nghĩ là người ta có ép mình đóng những phim mình không thích không, chứ không phải mình có được đóng hết không.
Đóng xong phim Tuyết nhiệt đới, tôi đã nói với anh Trinh Hoan cho tôi nghỉ một thời gian, vì bộ phim này tôi đã dồn sức quá nhiều, mà đúng là xong phim, người tôi ốm teo, má hóp, da đen thui. Nếu tiếp tục chạy nước rút, có thể phim sẽ không hay, mà mình lại xấu đi, trong khi công việc của tôi là biểu diễn thời trang.
Là diễn viên truyền hình độc quyền của HK, nghĩa là chị không thể xuất hiện trong các phim truyền hình không thuộc hãng này, trong khi đó Lasta lại đang "solo" giờ vàng trên HTV. Điều này có làm chị nghi ngại về quyết định ký độc quyền của mình?
Muốn trở thành diễn viên ngôi sao thì phải làm liên tục xuất hiện trong các bộ phim hay, nhưng phim không hay mà xuất hiện nhiều lại gây nhàm chán. Còn hợp đồng độc quyền giữa tôi và HK không phải là một văn bản quá bó buộc. Trong 3 năm độc quyền tôi vẫn có thể đóng phim khác, nếu như hãng đó có ký hợp đồng với HK.
Không những thế, trong hợp đồng còn có một điều khoản là khi thấy công ty không đủ lực đưa mình trở thành ngôi sao hoặc có điều gì đó không hài lòng, mình có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng. Nếu lúc nào đó, thấy việc ký hợp đồng với HK không có lợi ích gì cho công việc của mình, tôi sẽ làm chuyện đó, nhưng tới thời điểm này thì chưa có điều gì để tôi phải thay đổi quyết định của mình.
Hãng Thiên Ngân đã bắt tay được với Sony Pictures Entertainment phát hành "Những cô gái chân dài” ở khu vực châu Á. Là diễn viên chính trong phim, chị hy vọng gì qua cơ hội tiếp thị hình ảnh ra nước ngoài này?
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là người đầu tiên cho tôi biết tin này. Có thêm một lượng khán giả ở châu Á là điều trước đó tôi không nghĩ đến, nên tôi rất vui. Tôi luôn nghĩ người ta sẽ đánh giá thế nào, thậm chí tôi còn nghĩ lạc quan hơn là biết đâu mình sẽ được một hợp đồng nào đó, và mình được mời thì sao? Bởi đó là đường đi mở rộng cho mình nhiều cơ hội. Nhưng cơ hội đến hay không còn phải cộng cả yếu tố may mắn là điều mình không kiểm soát được.
Có thêm thị trường đồng nghĩa với việc có thêm... tiền, và chị hy vọng nhà sản xuất Thiên Ngân sẽ "chia chác" khoản lợi bất ngờ này cho mình?
Khi nhận lời đóng phim Những cô gái chân dài, tôi không có khái niệm gì về tiền bạc. Khi ký hợp đồng lĩnh tiền, tôi không nghĩ mình được lĩnh bao nhiêu. Lúc đó tôi chỉ nghĩ mình hoàn thành tốt vai diễn và bộ phim thành công. Điều này đã đúng với mong ước của tôi và tôi chẳng quan tâm đến vấn đề gì khác nữa. Nên bây giờ quay sang hỏi sao không chia phần trăm cho mình thì tôi tham lam quá, mà tôi không phải là người như vậy.
Thù lao đôi khi phản ánh năng lực bản thân, và khi cái tên Anh Thư đặt ở vị trí khác, mà không nghĩ đến việc thương lượng thù lao thì... dại lắm. Chị thấy thế nào?
Khi còn đi học, tôi luôn biết lực học của mình ở mức nào, để không bao giờ bị tụt phía sau. Bao giờ cũng vậy, tôi biết mình không phải ngôi sao. Khi cái tên Anh Thư không đủ khả năng để bán vé, mà tôi ngã giá, chảnh chọe thì quả là tôi đang ở trên mây. Tôi không mất tự tin nhưng tôi biết mình đang ở đâu, trên bao nhiêu người và dưới bao nhiêu người.
Học xong có việc làm, rồi lấy chồng. Lấy chồng rồi nổi tiếng. Nổi tiếng nhưng vẫn hạnh phúc... Nhiều người bảo cuộc đời của chị đẹp như một bức tranh. Còn cảm nhận của riêng chị?
Cuộc đời của tôi là một bức tranh có hồn. Tôi không sinh trong gia đình giàu có, mà là một gia đình trung bình yếu. Tuổi thơ của tôi rất khó khăn, ba mẹ phải làm lụng cực khổ. Nhất là ba phải làm đủ nghề, từ thợ hồ, thợ xây đến tài xế xe ôm để lo cho 4 chị em tôi ăn học. Đồng tiền có gây áp lực cho gia đình tôi, thậm chí gây ra những trận cãi vã, nhưng rồi cả ba lẫn mẹ đều chung quan điểm đồng tiền không phải là tất cả.
Mẹ tôi lúc nào cũng nói: "Con người ta lấy chồng Việt kiều đi xa quá, tụi bay mà đi như vậy, chắc tao chết quá", chứ không bao giờ nói: "Con người ta kiếm tiền thấy ham, tụi bay vô ích quá". Mẹ đã không cần tiền mà cần chúng tôi, và đó chính là yếu tố định hình thành nhân cách của tôi. Mẹ tôi nhìn thấy đúng là tôi thấy đúng.
Ở góc độ lý thuyết thì bức tranh đẹp thường bị quật ngã nếu không đối diện với sóng gió. Chị nghĩ sao?
Không phải tất cả mọi người phải trải qua bi kịch thì mới trải nghiệm được nó. Cũng như trong bộ phim, mình đóng "gái" không lẽ mình làm "gái"? Tôi định hình tính cách, xây dựng bản lĩnh từ lời nói của mẹ, từ những mảnh đời xung quanh và tự chiêm nghiệm, chứ cuộc sống có hàng nghìn hoàn cảnh, nếu mình thực tế được hết... chắc tan nát! Theo tôi, người nhận thức được cuộc sống là người đủ cảm xúc.
Chị hoàn toàn tự tin sẽ kiểm soát được cuộc sống của mình?
Thực ra thì tôi không tự tin lắm đâu. Cuộc sống vợ chồng tôi thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chúng tôi đã có nhà, có xe nhưng rất bận rộn. Lúc bận quá, cả hai bị stress cãi vã nhau luôn, và tôi luôn phải nhắc nhở chồng tôi: tại sao ngày xưa lúc nào hai đứa cũng vui vẻ, mà bây giờ lại hay gây lộn với nhau. Vợ chồng chưa giàu đã có áp lực như vậy, đến khi công ty phát triển, công việc bận rộn hơn, áp lực hơn, không lẽ vợ chồng chia tay.
Mục đích của chúng tôi là kiếm tiền để xây dựng tổ ấm, chứ không phải kiếm tiền rồi chia tay, đồng tiền nuôi dưỡng hạnh phúc chứ không phải đồng tiền phá hoại hạnh phúc. Thẳng thắn ra thì trong cuộc mưu sinh của hai vợ chồng, tôi luôn là người thức tỉnh anh ấy!
Chứ không phải chị thúc giục chồng kiếm tiền để xứng đáng với sự nổi tiếng, nhan sắc và đôi... chân của mình?
Không, tôi sợ lắm. Chồng tôi dễ bị áp lực, chứ tôi lúc nào cũng bình tĩnh và lạc quan. Công việc không thuận lợi là anh ấy trằn trọc, băn khoăn, anh ấy căng thẳng vì công việc ấy bị người ta giật mất rồi và tại sao lại bị giật. Còn tôi lúc nào cũng là người bình thường hóa vấn đề. Bởi khó khăn là chuyện bình thường, và mình giải quyết khó khăn ấy theo chiều hướng lạc quan, chứ nản là dở. Nhiều khi anh ấy bực mình nói "em nói nghe hay quá vậy!". Nhưng tôi nghĩ nếu cả hai đều buồn sẽ chẳng giải quyết được gì, nên tôi luôn là người xoa dịu áp lực cho anh ấy, và tôi nghĩ đó cũng là cách để giữ gìn hạnh phúc!
Theo Sài Gòn Tiếp Thị