“Anh hùng bàn phím chưa biết phải trái đã miệt thị độc địa nghệ sĩ”
(Dân trí) - Dương Cẩm Lynh bày tỏ: "Các "anh hùng bàn phím" chưa cần biết phải trái ra sao đã thi nhau ném đá người ta mà không ý thức rằng, mỗi lời bình luận ác ý ấy ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người".
"Không nên kết án người khác để chính mình không bị kết án"
Gần đây, rất nhiều nghệ sĩ vướng phải những tin đồn "trên trời rơi xuống" chỉ vì cư dân mạng tung tin đồn nhảm, chưa kiểm chứng.
Qua chia sẻ của những nghệ sĩ chịu gạch đá vô căn cứ, ai cũng dễ dàng nhận ra, họ đã chịu áp lực thế nào trước những lời cay nghiệt, độc địa đến từ cư dân mạng.
Là một nghệ sĩ sống nhiều năm giữa showbiz hào quang nhưng cũng đầy áp lực vô hình, Dương Cẩm Lynh tâm sự, tranh thủ dịp Covid-19 vừa rồi, cô đã "bỏ túi" cho mình những câu nói ý nghĩa về cuộc sống trong quá trình đọc sách, từ đó, nghiệm ra nhiều điều xung quanh câu chuyện này.
"Tôi rất thích câu nói này, trong cuốn "Đắc nhân tâm": "Chúng ta không nên kết án người khác để chính mình không bị kết án. Đừng kết án họ bởi có thể chúng ta cũng sẽ hành xử như thế trong hoàn cảnh tương tự.
Khi nhìn nhận một câu chuyện của người khác, tôi luôn nghĩ rằng, chắc phải có lý do nào đó khiến họ làm như vậy, và khi chưa biết lý do cụ thể, tôi không quy chụp hay hùa theo dư luận để lên án. Đây cũng là câu chuyện mà chúng ta thường thấy trên mạng xã hội.
Trước một tin tức giật gân nào đó, các "anh hùng bàn phím" chưa cần biết phải trái ra sao đã thi nhau ném đá người ta, bàn luận phân tích y như mình là người trong cuộc, mà không ý thức rằng mỗi lời bình luận ác ý ấy đã làm tổn thương, ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người" - Dương Cẩm Lynh tâm sự.
"Cai nghiện" điện thoại, đọc sách nhiều hơn, tránh tâm hồn bị "nhiễm độc"bởi tin đồn nhảm trên mạng
Để cho bản thân mình không chịu những áp lực ngầm từ mạng xã hội và những scandal không đáng có, cô đã dần "cai nghiện" điện thoại.
Nữ diễn viên cho rằng, giờ đây quá nhiều người làm "nô lệ" của chiếc điện thoại. Cũng từ đó nhiều câu chuyện đáng buồn xảy ra. Để con trai cũng không bị lệ thuộc vào công nghệ, nữ nghệ sĩ làm gương cho con, chăm chỉ đọc sách để con có thể bước ra ngoài khám phá thế giới nhiều hơn.
"Không chỉ là "ưu tiên" mà tôi cũng như khá nhiều người khác đang là "nô lệ" của công nghệ - điển hình là chiếc điện thoại. Cả thế giới bỗng chốc chỉ còn nằm trong cái màn hình 6 inch. Tất cả mọi giao dịch, mọi mối quan hệ, tin tức, kết nối đều diễn ra trên điện thoại hết.
Có lúc tôi đã thử quẳng điện thoại ở nhà một ngày, để xem không có nó mình sống thế nào, kết quả là vẫn sống được nhưng người bứt rứt, khó chịu, cảm giác cả thế giới đang rủ nhau ồn ào sôi động ở một nơi khác, chỉ riêng mình nơi này, giống như mình đang "cai nghiện" vậy.
Nhưng nói gì thì nói, công nghệ không thể giết chết được văn hóa đọc. Để phù hợp với nhịp sống nhanh, tôi bắt buộc phải dùng điện thoại, ipad hay máy tính. Nhưng lúc rảnh rỗi, có thời gian sống chậm, "thực đơn" yêu thích của tôi vẫn là những cuốn sách" - Dương Cẩm Lynh chia sẻ.
Nữ diễn viên 8x cũng chia sẻ thêm: "Không phải tôi làm đẹp hay làm điệu bên cuốn sách để làm màu cho người ta ngắm, mà thực sự tôi muốn diện mạo và tinh thần của mình phải thật tốt để tương xứng với giá trị cuốn sách đó. Và khi có được một không gian, thời gian hoàn hảo cho việc đọc sách, tôi thấm nhuần, lĩnh hội nó nhanh hơn và sâu hơn".
"Tôi quan niệm đọc kịch bản phim cũng là một dạng đọc sách. Những ngày đi đóng phim, tôi luôn tranh thủ lúc nghỉ ngơi để "luyện" lại kịch bản và học thoại.
Còn trong đời sống hàng ngày, tôi thường dành những ngày nghỉ cuối tuần để chơi đùa và đọc sách cùng con trai, có lúc thì hai mẹ con đọc chung những cuốn sách, truyện tranh của con; có lúc thì mỗi người đọc một loại sách riêng của mình. Tôi cũng thường mang theo một cuốn sách trong túi, tranh thủ đọc lúc đi máy bay, tàu xe hoặc chờ công việc".
Đối với cá nhân Dương Cẩm Lynh, cô đã áp dụng mẹo vặt từ các bà mẹ Do Thái để tạo sự thích thú cho con trai trong việc đọc sách.
"Tôi có đọc được một mẹo từ các bà mẹ Do Thái, đó là từ lúc còn ẵm ngửa đứa bé, bà mẹ Do Thái nhỏ vài giọt mật lên cuốn sách và cho bé liếm. Mục đích để tạo ấn tượng trong nhận thức non nớt của đứa trẻ, sách là cái gì đó rất ngọt ngào và hấp dẫn.
Tôi cũng thử làm điều đó cho William, cộng với việc cho con thường xuyên vào tiệm sách, thường xuyên đọc sách, truyện tranh buổi tối trước khi đi ngủ. Trộm vía con trai cũng có vẻ mê sách, thích nghe thích đọc và kể lại cho mẹ nghe".
"Làm tủ sách thay cho tủ rượu"
"Có thể nói, sách mang lại nguồn kiến thức vô tận, nguồn kiến thức đó cũng giống như nguồn vốn đặc biệt, không chỉ là vốn về tiền bạc mà còn là vốn sống, giúp chúng ta hiểu biết, làm ăn kinh doanh, tạo ra của cải vật chất và những giá trị văn hóa, tinh thần.
Và khi "vốn" đó đã ngấm vào trong tư duy, trong máu của ta rồi thì không ai có thể cướp đoạt được. Với người chịu khó đọc sách, cách nhìn nhận đánh giá về một vấn đề sẽ mở mang và sâu sắc hơn nhiều. Đó chính là nhờ nhân sinh quan của họ luôn tích cực, thế giới quan của họ rộng mở. Và tôi cũng vậy" - Dương Cẩm Lynh hào hứng nói về lợi ích từ việc đọc sách đối với bản thân. Cũng nhờ đó, cô không còn bị những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội ảnh hưởng đến tinh thần.
Không chỉ thay đổi về thói quen mà việc lựa chọn loại sách đọc của nữ diễn viên cũng đổi thay so với trước đây: "Hồi nhỏ tôi thích đọc những cuốn sách văn học kinh điển của thế giới như: Trăm năm cô đơn, Không gia đình, Trà hoa nữ, Bố già, Suối nguồn… Khi bắt đầu đi làm, tôi hướng đến những cuốn sách giúp nâng cao kỹ năng mềm, nghệ thuật sống, sách về kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…
Khi bước chân vào điện ảnh, tôi lại mày mò tìm đọc những cuốn sách liên quan đến nghề như: Lịch sử điện ảnh thế giới, 50 huyền thoại điện ảnh thế giới, Những nụ hôn điện ảnh, Điện ảnh Việt Nam... Và ở độ tuổi này, tôi hướng đến những cuốn sách về tâm lý học, về gia đình, con cái, sức khỏe để có thêm kiến thức bổ ích, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân mình và gia đình".
Ngoài ra, Dương Cẩm Lynh cũng nghĩ rằng, việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đọc sách giống như nhiều nước phương Tây cũng là một cách giúp tâm hồn được "thanh lọc", có "sức đề kháng" trước những thông tin "nhiễm độc" trên internet.
"Mặc dù ở các nước phương Tây, không phải người dân nước nào cũng ham đọc sách như nhau, nhưng tôi thấy họ rất chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi cho việc đọc sách. Đơn giản như việc tới nhà nào cũng thấy có giá sách, và rất nhiều sách ở trên giá. Còn trong nhiều gia đình ở Việt Nam, vẫn chú trọng đến việc làm tủ rượu để trưng rượu hay làm kệ để trưng những đồ quý giá hơn là việc làm giá sách cho con cái và cả gia đình.
Và ở các nước phương Tây, sách có mặt ở khắp mọi nơi, từ nhà thờ, khu di tích, bảo tàng, bệnh viện, cho đến các nhà hàng, quán cafe, và các tiệm sách hoặc thư viện miễn phí trên những con phố… Rất tiện lợi để người dân có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi, và bản thân họ cũng luôn mang theo sách để đọc khi đi picnic, hoặc khi di chuyển trên tàu điện và các phương tiện công cộng.
Nếu Việt Nam mình tạo được môi trường quanh đâu cũng thấy sách, thì văn hóa đọc sẽ dễ dàng ngấm vào các bạn trẻ hơn" - người đẹp 8x chia sẻ.
Phương Nhung
Ảnh: NVCC