Ai là mối tình đầu thực sự của Lê Vân?

Việc Lê Vân thản nhiên “đi tắt đón đầu” gọi cuộc tình sau - cuộc tình với người đàn ông 40 tuổi đã có vợ con - người “phát hoang trí tuệ” cho cô là tình đầu là việc làm không thể chấp nhận...

 “...Năm 20 tuổi, tôi gặp anh ấy, đó là mối tình đầu của tôi. Anh 40 tuổi, đã có vợ con, gia đình yên ấm”... Tôi đọc lại lần nữa. Lê Vân yêu nhiều quá nên không nhớ ai là đầu, ai là cuối nữa? Bằng vào những gì tôi - và nhiều người nữa biết, thì sự thật không phải như cô viết.

 

Vào trường múa, Vân gặp người ấy. Anh là con trai cả của một nghệ sĩ ưu tú, đồng nghiệp cùng Nhà hát với nghệ sĩ Trần Tiến bố Lê Vân. Họ đã có những ngày tháng vô cùng lãng mạn, thơ mộng bên nhau.

 

Anh là một trong những cánh chim đầu đàn của ba lê Việt Nam, người thầy tận tụy, người tình của Vân - người đã dẫn dắt Vân những bước đầu tiên trong nghệ thuật múa. Hai người yêu nhau 7 - 8 năm trời trước sự chứng kiến của bao bè bạn, thầy cô, gia đình hai bên, chỉ thiếu nước cưới nữa là xong.

 

Ngày ấy hội bốn đứa của Vân (gồm Vân, Hồ Thiên Nga (đã đi Tây), Hạnh (đã chết ở Úc) và Út Nghiêm (công tác đâu đó ở Hà Nội hiện nay) thường lui tới căn phòng nhỏ mà anh dành cho ở Nhà hát giao hưởng - như một đại bản doanh để bù khú “ăn chơi nhảy múa”. Hai người còn đi học tiếng Anh với nhau.

 

Rồi họ chia tay nhau. Có lần anh nằm viện, trời xui đất khiến thế nào mà cái ông Việt kiều (tên Nuôi) của Lê Vân cũng nằm viện ấy (giường ngoài thì phải), Vân đến thăm Nuôi và “chạm trán” anh. Nay thì anh không còn nữa, đã chết vài năm nay.

 

Ngày ấy ảnh Vân múa đôi cùng anh nhiều lắm, bày đầy phố Hàng Đào, Bờ Hồ, rạp Tháng Tám. Hai người như hình với bóng, thường cùng đi xe buýt từ Mai Dịch về nhà...

 

Anh mới là mối tình đầu của Lê Vân. Nhưng tuyệt nhiên cô không động tới một lời nào trong cuốn tự truyện.Tại sao? Điều này thì chỉ mình cô biết.

 

Về cuốn tự truyện của Lê Vân, Dương Phương Vinh đã viết đúng: “Có những bí mật thực sự đã phát lộ, và có những sự thật chỉ hé lộ phần nào”.

 

Nó đã phát lộ ở chỗ, những bi kịch của gia đình bị cô phanh phui trong công cuộc “tẩy thanh” lòng mình mặc dù cô biết sẽ “làm đau lòng người thân”,  “chấp nhận cả sự nguyền rủa”.

 

Nhưng những cuộc tình lâm ly ngang trái, những cuộc tình “có tội” chỉ dẫn đến ngõ cụt của hôn nhân, những “cuộc tình kéo rút bao sinh lực”, đến cả cái cuộc tình làm phúc “14 ngày trên giấy” (cho người mà cô không yêu) cũng được kể sạch, kể ráo, kể hết trơn hết trọi, kể như một “lời sám hối” như “con tằm rút ruột nhả tơ”... cuối cùng cũng chỉ là... hé lộ phần nào.

 

Cô “không sợ gì nữa” vì đã “trải qua hỉ nộ ái ố”. Cô dám “nói chuyện với tất cả”, “mở lòng mình”, đã chiến thắng cái thể diện gia đình, cái thanh danh của bố mẹ, nhưng phải chăng có những điều cô lại không thắng nổi mình, không vượt qua được chính mình.

 

Yêu nhau 7 - 8 năm trời, nhưng cô không dám nhận đó là mối tình đầu. Cô đã ỉm chuyện này đi. Sao thế? Vì nhạt nhẽo ư? Cay đắng ư? Nhưng vẫn là mối tình đầu, hiển nhiên như trời đất và cỏ cây. Nói như Galilê “Dù sao trái đất vẫn quay”.

 

Viết tự truyện là quyền của Lê Vân - Kể hay không, kể đến đâu, cởi (lòng) đến cỡ nào, đó là quyền của cô. Mối tình đầu - đương nhiên - là thiêng liêng và cao quí. Cô có thể “chôn chặt” nó, không nhắc tới nó, thậm chí muốn phủ nhận nó, nhưng cô không thể đem cái đầu đời, cái cảm nhận đầu tiên ấy mà gán cho cái đến sau và gọi nó là “mối tình đầu” của mình được, như thế là tự dối mình và cả độc giả, cả thế hệ 4X, 5X, 6X chúng tôi.

 

Cô lại là trưởng nữ của một gia đình nghệ sĩ danh giá, “nữ nghệ sĩ múa ba lê tài năng, ngôi sao một thời của dòng phim nghệ thuật mà mỗi vai diễn đều trở thành mẫu mực cho lớp diễn viên học theo” (Tuổi trẻ Thủ đô, 25/10/2006). Thật tiếc.

 

Xưng tội, sám hối, tẩy thanh lòng mình, hãy nhìn thẳng vào sự thật, phải đủ thiện tâm, chỉ có sự chân thành mới lay động được độc giả... là những cụm từ được Lê Vân nhắc khá nhiều, nhưng tôi chỉ muốn xem việc cô làm.

 

Một người tình không có cả đến cái cầm tay cô còn nhớ (đưa vào truyện) nhưng cuộc tình 7 - 8 năm đầu tiên với người thầy - người tình - trong trường múa từ lúc cô mới mười mấy tuổi thì cô “quên”.

 

Tôi không trách cô, quên hay không đó là quyền của cô, nhưng việc cô thản nhiên “đi tắt đón đầu” gọi cuộc tình sau - cuộc tình của người đàn ông 40 tuổi đã có vợ con - người “phát hoang trí tuệ” cho cô là tình đầu, rồi mô tả sự “trong trắng, quá trong trắng” của mình trong cuộc với người này như sự lý giải thanh minh một thời tuổi trẻ, là việc làm KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN.

 

“Nửa bánh mì là bánh mì nhưng nửa sự thật là nói dối” - chính Lê Vân đã trích câu danh ngôn nổi tiếng này khi nói về tự truyện của cô.

 

Theo Tuyết Lan
Tiền Phong