1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

17 dân tộc anh em cùng về Quảng Nam trong lễ phục dựng cây nêu

(Dân trí) - 17 dân tộc anh em đến từ 14 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tề tựu về huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) trong lễ phục dựng cây nêu được tổ chức tối qua 11/6. Đây cũng là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI 2017

Đây là lần đâu tiên, lễ phục dựng cây nêu được tổ chức tại huyện Tây Giang và đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào các dân tộc
Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào các dân tộc

Trong không gian đậm chất văn hóa dân tộc, cây nêu các dân tộc như: Cơtu, Cor, Giẻ Triêng, Xê Đăng (Quảng Nam), Bana (Kon Tum), Mơ’nông (Đắk Nông), X’tiêng (Bình Phước), Raglai, (Ninh Thuận), Ê Đê (Kon Tum).. . đã được các nghệ nhân dựng lên cùng với việc trình diễn các nghi lễ dựng nêu đặc trưng của từng dân tộc.

17 dân tộc anh em đến từ 14 tỉnh, thành phố cùng về Quảng Nam dựng cây nêu
17 dân tộc anh em đến từ 14 tỉnh, thành phố cùng về Quảng Nam dựng cây nêu

Nghệ nhân Lê Văn Phúc (dân tộc Mơ Nông đến từ tỉnh Đắc Nông) cho biết: “Ngoài trình diễn các nghi thức dựng nêu của người Mơ Nông; nghệ nhân, diễn viên của địa phương còn được tham gia nhiều hoạt động đặc sắc của lễ hội. Nhờ có những lễ hội như thế này mà tiếng cồng chiêng của những nghệ nhân ở buôn làng Mơ Nông có dịp vang xa hơn”.

“Được tham gia festival lần này, tôi và các nghệ nhân rất vinh dự. Đơn vị đăng cai mặt bằng, không gian tổ chức rất thích hợp với văn hóa cồng chiêng. Chúng tôi được tiếp cận được rất nhiều đơn vị cùng sử dụng nhạc cụ đặc trưng ở từng địa phương. Từ đó giúp chúng tôi tiếp cận được những tinh hoa của đơn vị bạn để động viên phong trào cồng chiêng ở đơn vị mình”, nghệ nhân Lê Văn Phúc tâm sự.

Những điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc được trình diễn
Những điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc được trình diễn

Trong dịp này, còn diễn ra các hoạt động như giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số; triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Việt Nam; trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống dân ca, dân vũ, dân nhạc, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số...

Đây là ngày hội của các dân tộc anh em tại lễ hội phục dựng cây nêu lần đầu tiên được tổ chức
Đây là ngày hội của các dân tộc anh em tại lễ hội phục dựng cây nêu lần đầu tiên được tổ chức

Đặc biệt, không gian trưng bày hơn 200 hình ảnh, 150 hiện vật, sản vật của các dân tộc thiểu số, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số khắp các vùng miền trong cả nước.

Đông đảo người dân từ các huyện vùng cao biên giới Quảng Nam và du khách đã được hòa mình vào không khí lễ hội và thưởng thức những nét văn hoá tryền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

hương trình văn nghệ chào mừng lễ hội
hương trình văn nghệ chào mừng lễ hội

Trong dịp này, nghi thức dựng cây nêu đã được đồng bào các dân tộc trình diễn và giao lưu văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hoạt động do Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các vùng miền, bảo tồn văn hóa, xây dựng đời sống văn hoá gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội phù hợp với từng vùng, miền dân tộc.

Phát biểu tại ngày hội, bà Nguyễn Thị Hải Nhung (Vụ Văn hóa Dân tộc Việt Nam, Bộ VH-TT&DL) chia sẻ: “Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng . Với việc tổ chức ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu truyền thống và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số lần thứ nhất năm 2017 tại Quảng Nam đã góp phần bảo tồn giá trị văn hóa cho đồng bào dân tộc”.

Lễ phục dựng cây nêu

Bà Nhung cũng cho hay, mỗi dân tộc về tham gia đều có cây nêu với hình thức khác nhau, song tựu chung có ý nghĩa nhân sinh cao đẹp và là hình tượng kiến trúc vừa là biểu tượng tâm linh của đồng bào dân tộc trên cả nước. Ngày hội có sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên từ 14 tỉnh, thành đã tái hiện lại hình thức, nghi thức đặc sắc nhất.

Đây cũng là dịp để tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và nâng cao tinh thần dân tộc, tự hào dân tộc.

Đ.Hiệp-C.Bính