Còn nghĩa vợ chồng
Hôm qua vợ chồng người bạn tới chơi, lâu rồi anh mới thấy lại nụ cười của em. Nhà có hai vợ chồng, nhưng đã ba năm rồi, trừ những lúc các con về thăm, chúng ta sống bên nhau như hai chiếc bóng.
Cái ngày xưa ấy, mình yêu nhau rất nhiều và đã từng hạnh phúc, phải không em? Em đã vượt qua bao sóng gió, từ ám ảnh quá khứ đào hoa của anh, sự ngăn cấm của gia đình, cản trở của ban giám hiệu, đến sự khuyên can của bạn bè để đến với anh. Em chọn giải pháp hy sinh, bất chấp kỷ luật của nhà trường, không ngại chốn “khỉ ho cò gáy” nơi anh bị điều về, chấp nhận đối mặt với mọi khốn khó ở vùng đất mới để cùng anh gầy dựng tổ ấm.
Ba đứa con lần lượt ra đời. Anh đành bỏ nghề giáo, lên thành phố mưu sinh để cải thiện kinh tế gia đình. Anh đã không nề hà bất cứ việc gì, từ buôn gạo, bán cá cảnh đến đóng giày thuê. Anh chỉ mong đến cuối tháng để đưa em số tiền đã gom góp được, cố dằn lòng trước những giọt nước mắt của em mỗi khi tiễn anh lên thành phố. Bao năm đằng đẵng đó, anh hiểu em đã đơn độc chống chọi với biết bao khó khăn, âm thầm chịu đựng nỗi cô đơn, vò võ nuôi con với những suy diễn, ghen tuông thường tình của một người phụ nữ xa chồng. Có lẽ em đã trách giận anh nhiều lắm…
Khi hai con trai đều lập gia đình ra riêng, con gái đi làm xa, anh vui mừng quay về bên em để cùng nhau an hưởng tuổi già. Ngờ đâu, ngay những ngày đầu tiên anh đã vấp phải vẻ bực bội và những câu nói bóng gió, hờn mát của em. Rồi những rắc rối tâm sinh lý của phụ nữ mãn kinh, anh không đủ nhạy cảm để sẻ chia. Em cũng đã quá quen với sự tự do, thoải mái trong những năm không có anh bên cạnh. Mình bắt đầu ngủ riêng và chính thức ăn riêng sau những lần anh bị em… bỏ đói. Nhiều lúc nhìn cái bếp nhỏ mà như ngăn đôi với hai nồi cơm điện, hai nồi canh, niêu cá, anh rất xót xa. Muốn hàn gắn, níu kéo nhưng lại không biết phải mở miệng thế nào. Mỗi lần các con về, mình lại đóng thật tròn vai cặp vợ chồng hạnh phúc.
Con gái mắc bệnh nan y rồi qua đời. Sau cú sốc quá lớn ấy, đáng lẽ mình phải dựa vào nhau. Nhưng em lại đổ lỗi cho anh trong quá khứ đã làm khổ nhiều phụ nữ, khiến con gái không nhờ được đức cha, phải nhận quả báo… Đi đâu em cũng nói em mong chờ ngày nghỉ hưu để được “giải thoát”, về quê ở hẳn với cha mẹ ruột, khiến anh có cảm giác mình đầy tội lỗi trong mắt mọi người.
Mỗi cuối tuần nghỉ dạy, em lại vội vã về quê ngoại, như không muốn trông thấy anh thêm một phút giây nào. Hôm nay, nhìn cảnh nhà hiu quạnh, lại đang cảm ho vì thời tiết thất thường, anh bỗng tủi thân quá. Những gì mà bao năm anh xa nhà để em chịu đựng, lẽ nào em muốn nó phải lặp lại với chính anh, em mới hả lòng? Vợ chồng, không còn tình cũng còn cái nghĩa. Xin đừng tiết kiệm với anh ngay cả một cái nhìn, một câu thăm hỏi...
Theo Trần Văn
PNO