Vì sao con cua tuyết được bán với giá kỷ lục 1,6 tỷ đồng ở Nhật Bản?
(Dân trí) - Một con cua tuyết được bán với giá kỷ lục 1,6 tỷ đồng trong phiên đấu giá đầu tiên của mùa đánh bắt tại một cảng cá phía Tây Nhật Bản ngày 6/11.
Theo Mainichi, con cua tuyết nặng 1,2kg được đánh bắt ngoài khơi vùng Sanin kéo dài dọc theo bờ biển phía Tây Nam của đảo Honshu. Phiên đấu giá đầu tiên của mùa đánh bắt cua tuyết được tổ chức ngày 6/11 ở cảng cá Hamasaka (thị trấn Shinonsen).
Người chiến thắng là ông Ryosuke Uemura, 47 tuổi, chủ nhà hàng Ryouriya Uemura ở phường Chuo (Kobe).
"Cua tuyết ở cảng Hamasaka chất lượng cao và tôi muốn nhiều người biết đến điều này hơn. Tôi muốn ăn cua tuyết với những khách quen của nhà hàng mình", Uemura nói.
Con cua tuyết lần này đáp ứng đủ tiêu chí, được gắn nhãn hiệu đặc biệt, giá bán lên đến 66.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng).
Theo Văn phòng Thủy sản Tajima của tỉnh Hyogo, mức giá này đã vượt qua kỷ lục 3,15 triệu yên (khoảng 509 triệu đồng) trước đó của tỉnh được thiết lập tại thị trấn cảng Shibayama của Kami vào năm 2022.
Ông Uemura cũng đấu giá 2,5 triệu yên (khoảng 404 triệu đồng) cho một con cua kiraboshi vào ngày 7/11. Theo chi nhánh này, đây là lần đầu tiên cảng bán ra hai con cua có giá hơn một triệu yên (khoảng 161 triệu đồng) trong hai ngày liên tiếp.
Tại Nhật Bản, cua tuyết được mệnh danh "vua của các món ngon" vào mùa đông. Hokkaido là nơi tập trung những loại cua ngon và hảo hạng nhất. Ngoài ra, tỉnh Niigata cũng cực kỳ nổi tiếng với món đặc sản cua tuyết.
Vào mùa đông, rất nhiều du khách đến những địa điểm này để thưởng thức cua tuyết và đi mua sắm ở những khu chợ hải sản.
Cua tuyết đực và cái thường có tên gọi khác nhau, thay đổi tùy theo khu vực chúng sinh sống. Cua tuyết đực được đánh bắt ở các tỉnh Kyoto, Hyogo và Tottori được gọi là cua Matsubagani, còn loại đánh bắt ở vùng Hokuriku được gọi là cua Echizengani.
Giống cua cái có tên gọi Sekogani, Oyagani, Kobakogani, Komochigani...
Cua tuyết tại Nhật Bản được đánh bắt chủ yếu vào mùa thu và mùa đông. Số lượng khai thác giảm còn 5.000 tấn/năm, trong khi 60.000 tấn được nhập khẩu từ Nga và Canada.
Điều khiến loài cua này được yêu thích chính là thịt rất ngọt và giàu hương vị. Phần bụng của cua gái chứa nhiều trứng và gạch với hương vị đậm đà, để lại ấn tượng khó quên cho du khách sau khi thưởng thức.
Để tận hưởng vị ngọt tự nhiên và tinh khiết nhất của loại cua này, thì cách chế biến đơn giản, ngon nhất là nướng dùng kèm với sốt sanbaizu (hỗn hợp nước tương, giấm và đường).