Văn hoá là cây "đũa thần" chạm vào đâu cũng ra tiền
Nhà hát, công viên, quảng trường, nghệ thuật đường phố, đến cả các khu nghĩa trang cũng kể những câu chuyện đặc biệt làm khách du lịch mê mẩn rút hầu bao. Có thể nói văn hoá là cây đũa thần để người Pháp chạm vào đâu cũng ra tiền.
Năm 2015, nước Pháp đã đón 84 triệu khách du lịch ngoại quốc (mang lại cho nước Pháp 43 tỷ euros) và hàng chục triệu lượt khách du lịch nội địa. Từ nhà hát, công viên, quảng trường đến nghệ thuật đường phố, các festival, ẩm thực và thậm chí là cả các khu nghĩa trang cũng kể những câu chuyện đặc biệt làm khách du lịch mê mẩn rút hầu bao. Có thể nói văn hoá là cây đũa thần để người Pháp chạm vào đâu cũng ra tiền.
Từ các di sản nổi tiếng thế giới đến các địa điểm đang lên
Đến Pháp bạn sẽ không ngạc nhiên khi phải xếp hàng hàng tiếng trời để có thể chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng như bảo tàng Louvre (8,6 triệu lượt khách), tháp Eiffel (6,92 triệu lượt), bảo tàng Orsay (3,44 triệu lượt) hay công viên giải trí đặc sắc Pháp là Puy du Fou (2 triệu lượt khách năm 2015), các festival nghệ thuật đường phố… Dường như mọi thứ ở Pháp đều có thể trở thành con gà đẻ trứng vàng.
Khải hoàn môn
Nghĩa trang Pere la Chaise – nơi an nghỉ của đại danh hào Balzac, Moliere, La Fontaine, Chopin,….
Trung tâm nghệ thuật đương đại Georges Pompidou (3 triệu lượt khách thăm quan năm 2015)
Một nhà kho cũ của ngành đường sắt được biến thành công viên và nơi sinh hoạt của các CLB
Nhà của danh hoạ Monet
Với cùng một công thức thành công
Điều không khó nhận ra là bạn khó có thể bước ra khỏi một địa điểm du lịch tại Pháp mà… không mua gì. Trong mọi điểm du lịch tại Pháp đều có những cửa hàng lưu niệm.
Thành phố Paris in hình những danh thắng tại đây lên các đồng xu và bán với giá 2 euros. Từ những di tích xưa cũ như Nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn Môn đến những công trình xây dựng mới như tháp Montparnasse. Với 1 euro, khách du lịch còn có thể chọn hình danh thắng mình muốn in lên các đồng 50 centimes bỏ vào máy. Nếu những đồng tiền kỷ niệm như thế này được bán với giá 50 nghìn đồng trên đó in hình Tháp rùa, Chùa một cột, Cầu Tràng Tiền, hình các hoạ sỹ, nhà văn hoá, nhà văn…. thì nguồn thu cho ngân sách các thành phố và các quỹ văn hoá sẽ tăng lên như thế nào.
Tại trung tâm nghệ thuật đương đại George Pompidou, khách thăm quan được mời ngồi lên những chiếc ghế được thiết kế đặc biệt và nếu thích thì có thể mua trong cửa hàng lưu niệm của trung tâm. Giá của mỗi chiếc ghế không hề rẻ: 414 euros (khoảng 11 triệu đồng).
Nguồn thu từ các sản phẩm phái sinh như thế này không hề nhỏ bởi nó chỉ là những sản phẩm có giá không cao nên khách du lịch thường mua nhiều hơn 1 cái để làm đồ lưu niệm. Không chỉ là cốc, chén, bát đĩa, quần áo, móc đeo chìa khoá, móc đeo túi mà còn ốp điện thoại, túi, ấm trà, bản đồ, thước kẻ, đồng hồ, đồ gia dụng… Thậm chí là các sản phẩm thủ công được sản xuất tại chỗ và bán cho khách du lịch.
Khách đến thăm lâu đài đang được xây dựng theo phong cách và kỹ thuật thời Trung cổ tên là Guedelon (vùng Auxerre Pháp) sẽ được mời mua hàng trăm ấn phẩm về thời Trung cổ, quần áo, vật dụng, vũ khí bằng gỗ. Nếu bạn theo dõi một người thợ thủ công đang nhuộm vải thì chắc chắn trên đường ra bạn sẽ thấy chiếc khăn ấy được bán trong cửa hàng lưu niệm.
Một người thợ thủ công đang giải thích quy trình nhuộm vải theo kỹ thuật thời Trung cổ. Các nhân viên – thợ thủ công ở công trường lâu đài Guedelon được huấn luyện rất kỹ để có thể giao tiếp với khách và giải thích sâu về kỹ thuật hay phương thức sản xuất thời Trung Cổ.
Ngay cả các nghĩa trang của Pháp cũng biến thành các điểm thu hút khách du lịch đến hàng triệu người ở đất nước này (nghĩa trang Père la Chaise được thiết kế như một vườn hoa kiểu Anh khổng lồ, thu hút tới 3,5 triệu lượt khách mỗi năm) và đương nhiên cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho những người làm hướng dẫn viên du lịch trong các khu di tích đặc biệt này. Chỉ riêng nghĩa trang Père la Chaise đã có tới 15 tour du lịch theo chủ đề khác nhau từ khám phá lịch sử văn học, âm nhạc cho đến thăm mộ người nổi tiếng, tour khám phá kiến trúc hay hình ảnh người phụ nữ tại nghĩa trang này.
Quan điểm kinh doanh hiện đại rất chú trọng đến trải nghiệm trọn vẹn của khách hàng, từ lúc khách tìm thông tin trên mạng cho đến lúc đến tận nơi trải nghiệm. Người Pháp đã biết cách chăm chút từng khoảnh khắc tiếp xúc với khách hàng và tạo cơ hội cho khách lưu lại một kỷ niệm liên quan tới công trình được thăm quan. Bằng cách này khách hàng có một trải nghiệm trọn vẹn, lưu giữ những kỷ niệm đẹp cho mình và người thân. Chi tiêu trên từng khách hàng chính vì thế cũng được tối ưu hoá, mang lại nguồn thu lớn cho cường quốc du lịch này.
Theo Nguyễn Đình Thành
Vietnamnet