Vách đá bốc khói suốt nghìn năm như địa ngục khiến không khí nhiễm độc

Huy Hoàng

(Dân trí) - Suốt nhiều thế kỳ, vách đá ở Canada vẫn bốc khói nghi ngút dù xung quanh không có đám lửa nào, khiến bầu không khí xung quanh trở nên độc hại.

Những ngọn đồi bốc khói ở Canada thoạt nhìn như sản phẩm của núi lửa hoặc hoạt động địa nhiệt nằm sâu dưới bề mặt trái đất. Nhưng thực ra đó là kết quả của một phản ứng hóa học diễn ra trong suốt nghìn năm qua.

Cảnh tượng được ví như "địa ngục trần gian" được tìm thấy ở bờ biển phía đông mũi Bathurst thuộc vùng lãnh thổ tây bắc Canada, cách Bắc Băng Dương không xa.

Vách đá bốc khói suốt nghìn năm như địa ngục khiến không khí nhiễm độc - 1
Chiêm ngưỡng những vách đá bốc khói từ máy bay trực thăng (Ảnh cắt từ clip).

Khói được sinh ra do quá trình cháy tự nhiên của đá phiến dầu trong các lớp của vách đá. Những khoáng chất phản ứng với không khí trong khi phần vách đá xói mòn, bốc cháy rồi tạo ra luồng khói ổn định.

Vách đá bốc khói suốt nghìn năm như "địa ngục" khiến không khí nhiễm độc

Điều này khiến xung quanh tràn ngập lưu huỳnh dioxide, nhiễm độc bầu không khí. Nồng độ lưu huỳnh cao đồng nghĩa với không khí xung quanh bốc lên thứ mùi như trứng thối.

Trở lại với câu chuyện của lịch sử. Vào năm 1850, thuyền trưởng người Anh Robert McClure cùng đoàn thám hiểm tới Bắc Cực để truy tìm sự biến mất bí ẩn của quý ngài có tên John Franklin, người rời Anh Quốc 5 năm trước đó.

Vách đá bốc khói suốt nghìn năm như địa ngục khiến không khí nhiễm độc - 2
Một chiếc thuyền đang tiến gần tới nơi vách đá bốc khói suốt nghìn năm (Ảnh: Se Mo).

Đoàn thám hiểm vượt qua Thái Bình Dương, tiến vào Bắc Băng Dương qua eo biển Bering, chèo thuyền về phía đông qua Point Barrow, Alaska. Cuối cùng, đoàn kết hợp với một nhóm thám hiểm khác cũng đến từ nước Anh.

Khi tiếp cận cửa sông Horton trên biển Beaufort gần mũi Bathurst, vị thuyền trưởng nhận thấy những đám khói lớn phía xa. Nghi ngờ khói bốc lên do đốt lửa trại và cũng có thể là tín hiệu của quý ngài John Franklin, thuyền trưởng người Anh cử đội tìm kiếm tới điều tra.

Vách đá bốc khói suốt nghìn năm như địa ngục khiến không khí nhiễm độc - 3
Làn khói tỏa ra khiến bầu không khí xung quanh bị nhiễm độc (Ảnh: Breaking Travel).

Tuy nhiên, đội tìm kiếm không phát hiện được gì ngoài cột khói dày bốc lên từ miệng núi lửa trong lòng đất. Các thủy thủ trở về với mẫu đá còn cháy âm ỉ. Khi họ đặt mẩu đá xuống mặt bàn gỗ của thuyền trưởng, thậm chí nó đốt cháy thành lỗ nhỏ.

Dù giới chuyên gia không rõ nơi này bốc khói từ khi nào, nhưng ông Steve Grasby, nhà nghiên cứu đến từ Cơ quan khảo sát địa chất Canada, cho rằng phản ứng có thể xảy ra từ 7.000 đến 10.000 năm trước. Thời điểm đó, các sông băng trong vùng rút xuống và làm lộ ra mặt đá. Trong tương lai, nó vẫn có thể tiếp tục bốc khói thời gian dài nữa.

Vách đá bốc khói suốt nghìn năm như địa ngục khiến không khí nhiễm độc - 4
Vì lý do an toàn, du khách muốn tham quan địa điểm này thường chỉ có thể nhìn từ trên cao (Ảnh: CBC).

"Nơi đây như địa ngục của trái đất. Mọi thứ rất kinh khủng. Muốn tiếp cận khu vực này phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ, nếu không sẽ bỏng mắt, rát cổ họng. Thậm chí nếu đến quá gần, bạn có thể bị chết trong tích tắc", chuyên gia Steve cảnh báo.

Ngày nay, khu vực này lại trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn ở Canada. Tuy nhiên, vì lý do an toàn, du khách chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp vách đá bốc khói từ trên máy bay trực thăng hoặc tàu lớn.