Từ thành phố kim cương đến thành phố ma…

Khoảng 100 năm trước, một người Đức tìm được kim cương ở châu Phi và gây ra làn sóng di cư chưa từng thấy. Giữa sa mạc cát bỏng, một thành phố đặc trưng Đức mọc lên, với nhà máy nước đá, quán bowling, sòng bạc… để hôm nay trở thành một thành phố ma.

Tiền tài và danh vọng    

 

… ít khi có xuất phát điểm như ở August Stauch. Ông đã có tất cả những gì người đời thèm muốn, cũng chỉ vì… bị hen suyễn nặng! Stauch có một ông chủ tốt bụng ở công ty hỏa xa. Một ngày đẹp trời, ông gọi Stauch vào văn phòng và khuyên Stauch nên tránh xa khí hậu Trung Âu lạnh lẽo nếu không muốn chết sớm vì khó thở. Nước Đức ngày đó có một ít thuộc địa ở Tây Nam Phi do Hoàng đế Đức bỏ tiền ra mua được từ hồi 1883. Khí hậu nóng khô ở xứ cát sẽ chữa hết bệnh ho hen!

 

Cát quay lại phủ lên thành phố kim cương một thời
Cát quay lại phủ lên thành phố kim cương một thời



Đang tuyệt vọng bởi căn bệnh kinh niên của mình, Stauch lập tức đồng ý với đề nghị ấy, dù phải bỏ lại vợ con ở quê nhà. Và không chỉ thế mà thôi - công việc mà ông được trao có thể nói là không gì buồn tẻ hơn. Gã viên chức hỏa xa phải công tác đơn độc ở một xứ hiu quạnh không một bóng cỏ cây, song lại trớ trêu mang tên Grasplatz (bãi cỏ). Cát, cát và cát, bất kể tầm mắt lia đến đâu, và mỗi ngày là một cuộc chiến mới chống lại cát.

 

Nhiệm vụ của Stauch là không để cát phủ lên đoạn đường ray nối thành phố cảng Luederitz với Grasplatz. Những cơn gió khô khốc thổi suốt ngày đêm, tải theo cát bụi đe dọa lấp hết đường tàu.

 

Nhưng gió trong lúc hành hạ Stauch, đã tình cờ phát lộ một kho báu không ngờ: Ngày 14/8/1908, công nhân da đen của Stauch là Zacharias Lewala tình cờ nhặt được một viên đá lấp lánh. “Ông nhìn này”, Lewala reo lên, “moy Klip (hòn đá đẹp quá)!”.

 

Trong rủi có may

 

... Stauch tự nhủ. Từ ngày về đây, ông cố quên đi cái sa mạc khốn kiếp vây quanh bằng cách tìm hiểu khoáng chất. Stauch dặn công nhân, cứ thấy đá đẹp là đem về nộp. Và cái cục “moi Klip” mà Lewala nhặt được không phải là thứ vớ vẩn. Stauch dùng nó miết lên mặt đồng hồ và nhận thấy mặt kính bị xước sâu. Ông chạy vội đến một chuyên gia địa chất và được xác nhận một cách dễ dàng: kim cương! 

 

Và thế là cuộc đời của viên công chức hen suyễn Stauch sang trang, từ một nhân viên quèn trở thành vua kim cương! Chẳng mấy chốc, hàng trăm người kéo đến tìm vận may. Làng xóm mọc lên trên nền cát, sa mạc bị chia thành từng lô khai thác với lệ phí cắt cổ. Bên cạnh Grasplatz hình thành một thị tứ mang tên Kolmanskuppe, hiện đại và giàu có, chỉ sau mấy năm. Kolmanskuppe trở thành thành phố giàu nhất châu Phi.

 

Nhưng thực ra ban đầu Stauch giữ bí mật thật lâu như có thể. Ông cố lý giải hiện tượng này: có lẽ qua hàng triệu năm, kim cương tụ lại ở đáy sông Oranje phía Nam Grasplatz, bị cuốn ra Đại Tây Dương, rồi theo dòng chảy mãnh liệt của sông Benguela trôi lên phía Bắc. Khi biển rút đi, nó để lại hàng triệu vỏ hến và kim cương (?)

 

Stauch xé hợp đồng lao động, mua quyền khai thác một diện tích lớn từ Cục Mỏ và Địa chất Hoàng gia. Hôm nay đọc lại các giai thoại cũ, có lẽ nên tin rằng thời ấy kim cương “nằm lăn lóc như mận rụng quanh gốc cây”. Có một lần ngồi vẩn vơ trên cát mà Stauch lượm được quanh chỗ ngồi 37 viên kim cương. Công nhân của Stauch còn đổi qua làm ca đêm để dễ nhận ra kim cương lấp lánh trong ánh đèn pin!

 

Chưa đầy ba tháng sau

 

… tin tức nóng hổi từ châu Phi cũng bay tới Berlin. Tháng 9/1908 Chính phủ Đức ra lệnh thành lập “Khu cấm” trên diện tích 100 km x 300 km. Ở đó Công ty Kim cương Đức được độc quyền khai thác. Nhưng Stauch đã nhanh chân dựng một trung tâm khai thác khác ở Kolmanskuppe. Nhân thể cũng nên kể thêm là địa danh này không đem lại may mắn về hậu vận, có lẽ vì mang tên một nhân vật là Johnny Coleman. Trước đó mấy năm, người này bị gãy trục xe bò và chết khát trong sa mạc.

 

Tuy nhiên lúc này không phải dịp nói đến rủi ro, vì đám quân ô hợp đang say sưa trong may mắn. Trong vòng vài năm Kolmanskuppe trở thành một thành phố nhỏ với đủ mọi tiện nghi. Hàng thịt, hiệu bánh, đồn cảnh sát, sòng bạc với vũ trường, nhà hát, phòng thể thao, bưu điện, một nhà máy điện cung cấp đèn đường chiếu sáng cả thành phố, tàu hỏa đỗ mỗi ngày vài lần ở ga địa phương...

 

Cát quay lại phủ lên thành phố kim cương một thời



Ở sa mạc khô nhất thế giới này, cư dân xây hẳn một bể bơi, một nhà máy nước đá - miễn phí! Hằng ngày tàu chở nước ngọt từ Nam Phi cách đó hàng ngàn cây số. Cũng không có gì lạ: riêng từ 1908 đến 1913 người ta lôi từ cát nóng ra 5 triệu carat kim cương, ngót 1 tấn!

 

Vở kịch hay nào cũng có hồi kết   

 

… huống hồ là xứ sa mạc Kolmanskuppe với 400 người Đức và 800 cu li da đen. Các ông bà chủ sống trong biệt thự trắng, được trang bị đồ điện đắt tiền “made in Germany”, còn đám làm thuê chui rúc trong xóm lều tạm bợ. Họ làm theo ca, nên ở đó cứ hai công nhân chia nhau một giường. Chủ nghĩa thực dân nơi nào cũng giống nhau, và xã hội giàu xổi kéo theo mọi hệ lụy quen thuộc: trong khi đám da đen xúc hàng ngàn tấn cát để rây, người da trắng nhấm nháp champagne và trả hóa đơn bằng kim cương.    

 

Kolmanskuppe, trong một thời gian ngắn, trở thành thành phố có thu nhập theo đầu người cao nhất châu lục. 20% lượng kim cương thế giới đến từ đây. Kolmanskuppe cũng là nơi có bệnh viện hiện đại nhất và máy chụp X-quang đầu tiên trên đất châu Phi - chủ yếu để phát hiện công nhân ăn trộm kim cương và nuốt vào bụng.

 

Thế chiến I nổ ra, Đức bán thuộc địa này cho Anh khi lượng kim cương đã cạn, và kết thúc không khó đoán: năm 1954 bệnh viện đón bệnh nhân cuối cùng, năm 1956 gia đình cuối cùng hồi hương, và sa mạc quay về tái chiếm đất như từ ngàn đời. Gió và cát xé nát những mặt tiền, trong khi phòng ốc bị cát lấp dần đến ngang ngực…

 

Hôm nay, thỉnh thoảng vẫn có du khách mò đến đây, trèo qua những cửa sổ gãy nát vào xem trong nhà hoặc chụp ảnh đường ray gỉ sét như nhân chứng của một thời huy hoàng. Một trong những nhân chứng đó dĩ nhiên không thể có mặt: August Stauch rời bỏ thương vụ kim cương năm 1924, mất hết tài sản trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi thập kỷ 1930. Về già, ông vua kim cương ngày nào quay về làng quê cũ và qua đời 1947 trong nghèo túng. Trong túi ông người ta tìm thấy 2,50 mark, chưa đủ mua một cái bánh mì...

 

Theo Lê Quang

Thể thao văn hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm