Từ Genting đến Bà Nà - Hành trình phát triển của những biểu tượng du lịch
(Dân trí) - Từ Genting đến Bà Nà, những biểu tượng du lịch của một điểm đến, một quốc gia thường được xây lên bởi 2 phẩm chất tưởng như đối lập: sự liều lĩnh và sự nhẫn nại.
Tháng 1/1971, Malaysia chịu trận lũ lớn nhất thế kỷ. Lim Goh Tong, chứng kiến Genting Highlands Resort - khu resort trên núi đầu tiên và duy nhất của Malaysia, cũng là cơ nghiệp của ông bị quật tung trong bão gió. Mất 6 năm không một ngày nghỉ, hơn một lần suýt chết trên núi và toàn bộ nguồn lực gom góp trong 30 năm sự nghiệp chỉ để ông dự định khai trương resort vào dịp năm mới năm 1971, và rồi thiên tai xảy ra.
Lim không sụp đổ. Trước khi bắt tay vào xây dựng, ông đã xác định dự án kéo dài 40 năm. Tức là nó có thể sẽ chỉ hoàn tất sau khi ông qua đời.
Các khu du lịch và giải trí đi trước thời đại, từ Disneyland cho đến tận Bà Nà Hills của Việt Nam dường như có điểm chung với Genting Highlands: Khởi đầu với những quyết định táo bạo và gấp rút, nhưng công cuộc hoàn thiện thường là những cuộc cam kết kéo dài hàng chục năm.
"Liều" nhưng lại cam kết lâu dài
Năm 1965, Lim Goh Tong nộp đơn xin gần 5.000 hecta của bang Pahang và 1.100 hecta của bang Selangor, để xây một khu nghỉ dưỡng trên núi, không hạ tầng, không đường đi...
Bang Selangor chỉ muốn cho ông thuê đất trong 99 năm. Lim tới gặp thống đốc bang và nói: Dự án này sẽ cần đến 30 hoặc 40 năm và một khối lượng đầu tư khổng lồ để xây đường, khách sạn, đội ngũ, hạ tầng điện nước giữa rừng xanh nên muốn được giao đất không thời hạn. Thống đốc bị thuyết phục.
6 năm muôn vàn khó khăn, công trình được khánh thành. Giờ đây, Genting trở thành một trong những cái tên đầu tiên khi ai đó nhắc đến một quần thể giải trí tại Đông Nam Á; và là hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển muốn tạo dựng tên tuổi trên bản đồ du lịch thế giới.
Genting vẫn đang tiếp tục xây dựng cho đến tận 60 năm sau ngày khởi công. Hơn một thập kỷ sau ngày Lim Goh Tong ra đi, các con ông vẫn đang miệt mài xây dựng, cam kết đầu tư gần một tỷ USD trong thập niên tới cho Genting Highlands Resort.
Giấc mơ khó thế chấp
Đầu tư các tổ hợp giải trí lớn là bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ. Điểm hòa vốn của các tổ hợp du lịch - giải trí như Genting, Sentosa, Disneyland hay sau này là Bà Nà Hills tại Đà Nẵng, không tính bằng năm mà tính bằng thập kỷ. Trong thời gian đó, chủ đầu tư vẫn luôn phải nghĩ tới việc tái đầu tư, nâng cấp điểm đến.
Những khu vực hiểm trở như Genting hay Bà Nà, ngoài chi phí phát triển điểm đến còn cần đầu tư cả hạ tầng tiếp cận. Các lãnh đạo của Sun Group, trong lần đầu tiên đặt chân lên đỉnh Bà Nà, chung một quan điểm là "rất quan ngại".
"Mỗi năm, khai thác được có 3 tháng hè. Hết mùa du lịch là phải dỡ từ chăn màn, tivi, tủ lạnh đem xuống núi. Mùa mưa, tường lúc nào cũng sũng nước", ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch Sun Group - nói về tình trạng kinh doanh du lịch trên đỉnh núi thời điểm năm 2007.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Du lịch Thể thao Lê Quang Tùng cũng tỏ ý ngạc nhiên khi Sun Group quyết định đầu tư, bởi "nơi này xa thành phố, lại không có biển" khi tham quan dự án tại Bà Nà năm 2008.
Đại diện Sun Group chia sẻ, việc xây dựng một tuyến cáp treo lập nhiều kỷ lục thế giới lên tận đỉnh Bà Nà - để tạo thành một luồng du lịch "không tiếp cận" (khách không trực tiếp đặt chân lên rừng già) - chỉ có thể hoàn thành nhờ vào sự quyết tâm kiến tạo một biểu tượng du lịch mới, của chính quyền, nhân dân, từng người thợ và kỹ sư Đà Nẵng, chứ không chỉ có chủ đầu tư.
"Mười năm chỉ là bắt đầu"
Những gì mà Bà Nà Hills sau này mang lại cho Đà Nẵng và thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam rất ấn tượng.
Sau "hiện tượng Cầu Vàng" với hơn 200 bài báo quốc tế và hình ảnh cây cầu lấp lánh trong mây tràn ngập mạng xã hội khắp hành tinh, Việt Nam có thêm một biểu tượng du lịch mới. Một vài nhà cung cấp tour quốc tế khẳng định, cứ 3 khách liên hệ đặt tour đến Đà Nẵng thì có 2 người yêu cầu Cầu Vàng và Bà Nà Hills.
Nhưng thành công đến sớm không có nghĩa là hành trình của Bà Nà Hills ngắn hơn hành trình của Genting hay Disneyland.
Ngày nay, nhiều triệu lượt khách ghé thăm Bà Nà Hills mỗi năm và tham gia vào chuỗi trải nghiệm. Tuần tự qua mỗi năm, Sun World Ba Na Hills lại đem đến những trải nghiệm mới khiến du khách mỗi lần quay trở lại, lại thấy "wow". Nếu năm 2018 có Cầu Vàng, 2019 có show Vũ hội Ánh Dương thì năm 2022, du khách được thiết đãi hàng loạt sản phẩm mới, nào Thác Thần Mặt trời, Lâu đài Mặt Trăng, Cổng thời gian, show Trận chiến ở Vương quốc Mặt trăng…
Trong tầm nhìn của Sun Group, Bà Nà Hills sẽ phải nằm ở cùng đẳng cấp của Genting hay Disneyland - ở cả khía cạnh trải nghiệm lẫn kiến trúc, và qua đó, là số lượng khổng lồ 20-30 triệu lượt khách mỗi năm. Trong bức tranh tương lai của Bà Nà, người ta nhìn thấy show trình diễn Núi lửa, show trình diễn Bông hồng vàng, Hầm rượu vang, những công trình ghi dấu ấn của các kiến trúc sư hàng đầu thế giới... Bà Nà Hills là hình ảnh tiêu biểu cho nỗ lực xây dựng biểu tượng quốc gia trong một ngành đặc thù là du lịch.
Cho đến năm 2019, số tiền thể hiện trên giấy tờ mà Sun Group xây dựng Bà Nà Hills là 8.000 tỷ đồng, nhưng ông Đặng Minh Trường tin rằng thực tế con số sẽ còn lớn hơn nhiều lần như thế. "Mười năm bây giờ mới chỉ là bắt đầu", Chủ tịch Sun Group nói nhân 10 năm ngày khánh thành cáp treo Bà Nà.