Trở về tuổi thơ qua... tiếng rao kẹo kéo

(Dân trí) - Đã có lúc tôi tưởng như món quà quê dân dã ấy không còn. Nhưng rồi, đâu đó trên phố phường Hà Nội tất bật tôi đã thấy những xe kẹo kéo như thủa nào…

Nếu ai đã từng trải qua những ngày tuổi thơ gắn liền với tiếng rao bán dạo người bán kẹo kéo thì khi nhắc đến nó chắc hẳn ký ức xưa sẽ dội về trong mỗi người.

Trở về tuổi thơ qua... tiếng rao kẹo kéo
Mỗi lần nghe tiếng rao ấy, lũ trẻ trong con xóm nhỏ chúng tôi lại ùa ra ngoài đầu đường mà đổi kẹo kéo

Xưa món kẹo kéo phổ biến lắm. Ngày nhỏ tôi cũng như bao đứa trẻ trong xóm hễ nhắc tới nó thì cơn thèm thuồng cứ thế nổi nên đến nỗi chảy cả nước miếng. Thời bao cấp với bao khó khăn bộn bề, khi ấy chỉ cần vài đồng bạc lẻ, hay chỉ cần một ít mảnh chai vụn là những đứa trẻ như chúng tôi đã có một bữa kẹo kéo hả hê.

Ngày đó cứ mỗi buổi chiều tan học quanh xóm nhỏ nhà tôi thường có vài người đi bán kẹo kéo. Họ mang những thùng kẹo đằng sau chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp nơi. Tiếng rao cho đến bây giờ khiến những đứa trẻ như tôi còn nhớ: “kẹo kéo vừa kéo vừa dài, vừa dai vừa ngọt/ chạy tọt về nhà xin bà 5 xu ra mua kẹo kéo…”

Mỗi lần nghe tiếng rao ấy, lũ trẻ trong con xóm nhỏ chúng tôi lại ùa ra ngoài đầu đường mà đổi kẹo kéo. Nhưng lâu lắm rồi, ở quê cũng không thấy người đi bán dạo kẹo kéo như vậy nữa...

Đã có lúc tôi tưởng như món quà quê dân giã ấy không còn. Nhưng rồi, đâu đó trên phố phường Hà Nội tất bật tôi đã thấy những xe kẹo kéo như thủa nào. Chỉ có điều khác là họ không bán rao, bán dạo. Họ không đổi kẹo kéo để lấy những mảnh chai, vỏ hộp sữa mà họ mang kẹo kéo vào bán tận trong các hội chợ triển lãm đông đúc. Những hàng kẹo kéo lại đông nghịt khách như hỉnh ảnh thuở nào đám trẻ con xúm đen xúm đỏ quanh xe kẹo kéo. Người ta mua kẹo kéo giờ đây phần vì hương thơm của nó, phần cũng vì muốn tìm lại dư vị của một ký ức đã xa xôi vốn nhiều khó khăn.

Trở về tuổi thơ qua... tiếng rao kẹo kéo
Khác với những thứ bánh kẹo khác, bột kẹo kéo bắt buộc phải giã bằng cối đá chứ không cho vào máy xay.

Người bán kẹo kéo bảo tôi rằng, vụ lúa này lúa nếp được mùa, lại thơm ngon lên một số ít người nhớ nghề bắc bếp lên làm kẹo kéo. Cách làm kẹo kéo cũng không mấy khó khăn. Đầu tiên là chọn thóc nếp già, lựa những hạt to đều ngâm thành mộng lúa trong vòng 5 ngày. Sau đó lại chọn mộng thật kỹ, rồi mang phơi nắng. Cái nắng thu vàng hanh hao thì chỉ cần 2 lần phơi là mộng khô. Tiếp đó, người ta mang giã thật nhuyễn thành bột mầm.

Khác với những thứ bánh kẹo khác, bột kẹo kéo bắt buộc phải giã bằng cối đá chứ không cho vào máy xay.

Người làm kẹo kéo thường là những đàn ông thật khỏe tay. Vì nấu mạch nha cho đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng để “đánh” kẹo thành công.

Người ta đóng cái đinh hay que gỗ lên tường, cứ thế quật cả khối đường lên đinh lại đập xuống bàn, lặp đi lặp lại đến khi kẹo được độ trắng dẻo cần thiết. Lúc này, kẹo kéo nếu có nhân sẽ cho lạc, vừng vào giữa, sau đó người thợ kẹo mới bọc kẹo vào túi nilon chờ đi bán.

Có cái tên kẹo kéo cũng xuất phát từ động tác lúc lấy kẹo của anh bán hàng. Khéo léo của anh bán kẹo kéo là kéo sao để kẹo được cả nha, và nhân lạc.

Kẹo kéo nhìn vào có màu ngả vàng của mầm lúa nếp, nhưng đến khi người bán hàng cầm cái đũa kéo lên từng sợi nhỏ thì nó chuyển sang màu trắng ngà rất bắt mắt. Chỉ cần cầm que kẹo đưa lên miệng, bạn sẽ thấy vị thơm ngọt tự nhiên của mầm lúa gạo thân thương mà gần gũi…

Song An
Ảnh Internet