Trải nghiệm cuộc sống người Dao nơi cuối trời Tây Bắc
(Dân trí) - Theo quan niệm của người Dao ở Sìn Hồ (Lai Châu), nam và nữ khi chưa kết hôn thì không được chụp ảnh cùng nhau vì như vậy là không tốt, đây là điều cấm kỵ đối với phụ nữ Dao.
Bản người Dao ở bản Tả Phìn thuộc huyện Sìn Hồ, cách TP. Lai Châu khoảng 65km theo đường tỉnh lộ 129, từ đây có thể đi qua tỉnh Điện Biên hoặc Sơn La. Sống bên những cánh rừng đại ngàn, người dân ở đây ít bị tác động bởi nhịp sống đô thị hiện đại. Nhiều nét văn hóa truyền thống của tộc người vẫn được gìn giữ.
Điểm đặc biệt thu hút du khách khi đến bản người Dao là những ánh mắt hiền hậu, những nụ cười thân thiện có phần bẽn lẽn của những đứa trẻ nhỏ, của chàng trai, cô gái hay của bất kì ai bạn gặp nơi đây. Người dân tộc vốn hiền lành, chân chất. Họ sẽ tận tình hướng dẫn cho bạn bất cứ điều gì.
Bản người Dao Tả Phìn là một vùng đất biên ải, nơi cuối trời Tây Bắc. Bản nằm nép mình bên vách núi. Chính vì thế lên thăm Tả Phìn du khách sẽ tưởng như mình đang lạc vào một không gian cổ tích khi gặp những ngôi nhà nhỏ xinh xinh nổi bật giữa nền trời xanh của đất trời núi rừng.
Ở đó những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp và một thung lũng với cánh đồng lúa vàng rực, những khu vườn trồng lê, đào, mận già nua, mốc thếch quanh năm vẫn đơm hoa kết trái như mời gọi du khách. Nếu người H'Mông thường chọn những nơi núi cao để sống thì người Dao lại chọn thung lũng hoặc lưng chừng núi để trỉa ngô, trồng lúa.
Những phụ nữ người Dao cần mẫn, hay những chú lợn bản ủn ỉn kiếm ăn nơi bìa rừng là những hình ảnh quen thuộc khi đến với Tả Phìn
Ở Tả Phìn, mỗi gia đình người Dao Khâu đều có vài ba bộ trang sức bằng bạc (vòng cổ, vòng tay, vòng tai, hàng cúc bạc, dây xà tích được chạm khắc rồng phượng, chim muông, hoa lá tinh xảo, cầu kỳ). Từ việc cưới xin, cúng lễ, đến ma chay đều có bạc trắng. Bạc trắng trở thành vật gắn kết dòng tộc, xóm giềng
Nhà ở của người Dao nơi đây đơn giản nhưng với tổ hợp ba phần toát lên sự kín đáo, tế nhị của người Á Đông. Họ có ba loại nhà: nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất; nhà ở bằng gỗ, tre, nứa rất chắc chắn
Muốn làm nhà phải xem tuổi những người trong gia đình, nhất là tuổi chủ gia đình. Nghi lễ chọn đất được coi là quan trọng. Buổi tối, người ta đào một hố to bằng miệng bát, xếp một số hạt gạo tượng trưng cho người, trâu bò, tiền bạc, thóc lúa, tài sản rồi úp bát lên. Dựa vào mộng báo đêm đó mà biết điềm xấu hay tốt. Sáng hôm sau ra xem hỗ, các hạt gạo vẫn giữa nguyên vị trí là có thể làm nhà được
Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài yếm, váy hoặc quần áo ngắn hoặc dài màu chàm và đầu đội khăn.. Y phục rất sặc sỡ. Hiện vẫn giữ được các nét hoa văn truyền thống với những trang trí hoa văn truyền thống. Họ không theo theo mẫu vẽ sẵn trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ, thêu ở mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải. Nhiều loại hoa văn như chữ vạn, cây thông, hình chim, người, động vật, lá cây
Cách in hoa văn trên vải bằng sáp ong ở người Dao rất độc đáo. Muốn hình gì người ta dùng bút vẽ hay nhúng khuôn in vào sáp ong nóng chẩy rồi in lên vải. Vải sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn màu xanh lơ do phủ lớp sáp ong không bị thấm chàm
Họ cũng có tục kiêng sờ đầu trẻ em, khi cắt tóc, cạo đầu họ vẫn để chỏm tóc ở đỉnh đầu vì cho đó là nơi trú ngụ các hồn vía con người, quan niệm để chỏm tóc như vậy trẻ em sẽ không hay ốm đau. Với người Dao, phụ nữ đẻ ngồi, đẻ ngay trong buồng ngủ. Trẻ sơ sinh được tắm bằng nước nóng. Nhà có người ở cữ người ta treo cành lá xanh hay cài hoa chuối trước cửa để làm dấu không cho người lạ vào nhà vì sợ vía độc ảnh hưởng tới sức khoẻ đứa trẻ. Trẻ sơ sinh được ba ngày thì làm lễ cúng mụ. Có lẽ vì thế, khi lớn lên những đứa trẻ người Dao thường rất rắn rỏi và khỏe mạnh
Minh Phan