Tò mò với hình tròn lạ trên bản đồ của Huế, khách Tây quyết tìm ra sự thật

Quốc Việt

(Dân trí) - Khi xem bản đồ của Huế và phát hiện thấy hình tròn kỳ lạ, vị khách người Nga quyết tìm kiếm xem địa điểm này ở đâu, tại sao lại có hình dáng lạ mắt như vậy.

Anatoly là khách du lịch đến từ Nga nhưng hiện sinh sống ở Việt Nam. Với niềm đam mê du lịch, anh đã đặt chân tới nhiều nơi trên đất nước hình chữ S để khám phá và trải nghiệm.

Và trong thời gian ở Huế, anh thử xem bản đồ của thành phố qua Google rồi vô tình nhìn thấy một hình tròn lớn, nằm nổi bật ở phần chỉ đường. Tò mò không biết địa điểm này ở đâu, tại sao lại có hình dáng lạ mắt như vậy, Anatoly quyết tìm ra câu trả lời.

Tò mò với hình tròn lạ trên bản đồ của Huế, khách Tây quyết tìm ra sự thật - 1
Khi xem bản đồ Huế trên Google, Anatoly thấy "hình tròn lạ" (Ảnh cắt từ clip).

Vừa hỏi đường vừa tự mày mò, cuối cùng chàng trai người Nga đã tìm đến Hổ Quyền Huế. Được biết, đây vốn là một đấu trường cổ, một di tích cấp quốc gia thuộc thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, cách trung tâm cố đô Huế chừng 5km về phía Tây.

Đoạn video của Anatoly thu hút hàng trăm nghìn lượt xem với lượng tương tác lớn. Có người cho rằng rất nhiều người Việt chưa từng biết tới địa danh này. Thậm chí, một số người còn nói vui "bản thân là người địa phương nhưng nếu muốn biết thêm các địa danh lạ, nên xem thêm các video khám phá của khách nước ngoài ở Việt Nam".

Tò mò với hình tròn lạ trên bản đồ của Huế, khách Tây quyết tìm ra sự thật - 2
Vị khách đi tìm "hình tròn lạ" trên bản đồ Huế (Ảnh cắt từ clip).

Hổ Quyền được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn (1830), là nơi diễn ra các trận tử chiến giữa hổ và voi để nhà vua thưởng lãm. Công trình mang lối kiến trúc độc đáo của Việt Nam và thế giới.

Hổ Quyền xây theo hình vành khăn với hai vòng tường thành. Vòng trong có chiều cao 5,9m còn vòng ngoài cao 4,75m, nghiêng góc 15 độ tạo ra thế vững chãi. Chất liệu xây dựng chủ yếu là vôi vữa, đá thanh. Đến nay, công trình vẫn gần như còn nguyên vẹn.

Tò mò với hình tròn lạ trên bản đồ của Huế, khách Tây quyết tìm ra sự thật - 3
Hổ Quyền cách trung tâm cố đô Huế chừng 5km về phía Tây (Ảnh: Nam Anh).

Bên trong khán đài chia làm 2 khu của vua và quan dân, binh lính. Vị trí Vua ngồi ở phía Bắc, xây cao hơn các nơi khác. Bên trái là 24 bậc dành cho giới Hoàng tộc và đại thần. Còn bên phải dành cho quan, binh lính phẩm cấp thấp hơn.

Nghi thức trận đấu giữa voi và hổ diễn ra rất trang trọng, được tổ chức hàng năm. Thường trận tử chiến sẽ kết thúc khi voi đánh bại hổ.

Tò mò với hình tròn lạ trên bản đồ của Huế, khách Tây quyết tìm ra sự thật - 4
Công trình nhìn từ trên cao (Ảnh: Nam Anh).

Được biết, trận đấu cuối cùng diễn ra ở đấu trường Hổ Quyền cách đây khoảng 120 năm, dưới thời vua Thành Thái. Năm 1993, cùng hệ thống di tích ở cố đô Huế, di tích này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Năm 1998, đấu trường Hổ Quyền lại được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đến nay, đây là một trong số những địa danh thu hút khách du lịch khi tới Huế.

Vốn mê khám phá nên vị khách người Nga thậm chí có thể dành nhiều thời gian để "truy tìm" những địa danh ngoài đời thực khi chỉ có trong tay một tấm ảnh cũ. 

Trước đó, anh từng chia sẻ trải nghiệm đi tìm một cây cầu sắt cũ được xây dựng vào năm 1902 ở TPHCM, kiếm các địa danh cổ ở Hà Nội chỉ qua những tấm ảnh đã cũ và tìm tới hàng loạt công trình cổ trên khắp Việt Nam.

Trong mỗi chuyến đi, Anatoly thường thưởng thức các món ăn từ bình dân tới đặc sản ở nhiều hàng quán. Một trong các món ăn yêu thích của anh là cơm tấm, súp mè đen.

"Tôi yêu Việt Nam. Người dân ở đây luôn vui vẻ ngay cả khi gặp khó khăn", vị khách người Nga chia sẻ.