Tháp cổ bằng gạch cao nhất Đông Nam Á

Doãn Công

(Dân trí) - Tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn (Bình Định) là công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa cổ xưa của vương quốc Champa. Tháp Dương Long được xác định là ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á hiện nay.

Nằm ở địa phận xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cụm tháp Dương Long được các nhà nghiên cứu người Pháp gọi là Tour d'Ivoire (tháp Ngà). Nhân dân địa phương trước đây gọi là tháp Bình An hay An Chánh. Tuy nhiên, tháp Dương Long là tên gọi phổ biến và được thống nhất hiện nay.

Tháp Dương Long gồm 3 tháp: Tháp giữa cao gần 39m, tháp nam cao khoảng 33m (bên trái) và tháp bắc cao gần 32m. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc ghép bởi những tảng đá lớn.

Theo hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, cụm tháp Dương Long, trong đó tháp giữa được xem là ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á.

Tháp cổ bằng gạch cao nhất Đông Nam Á - 1

Tháp Dương Long có kiến trúc độc đáo trong hệ thống tháp Champa ở Bình Định (Ảnh: Dũng Nhân).

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, cũng như các tháp Champa ở địa phương này, tháp Dương Long chịu ảnh hưởng của kiến trúc Khmer, sử dụng rất nhiều vật liệu đá. Căn cứ vào vật liệu, đường nét kiến trúc và điêu khắc, các nhà nghiên cứu đã xác định tháp Dương Long được xây dựng vào thế kỷ XII-XIII.

Không chỉ đặc biệt ở chiều cao tháp, quy mô tháp Dương Long còn được thể hiện ở lối kiến trúc độc đáo, các hoa văn, họa tiết được khắc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ ở chân tháp, diềm mái, cửa ra vào…

Tháp cổ bằng gạch cao nhất Đông Nam Á - 2

Những họa tiết hoa văn điêu khắc rất cầu kỳ và tinh xảo trên đá trang trí tại các tháp (Ảnh: Doãn Công).

Điều này cho thấy, kỹ thuật điêu khắc của người Champa xưa đạt trình độ điêu luyện, có sự hòa trộn giữa kỹ thuật điêu khắc đá Champa truyền thống ở đặc điểm đường nét mềm mại, hình khối đơn giản, mộc mạc với kỹ thuật điêu khắc đến từ Khmer - Angkor...

Cũng theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, cụm tháp Dương Long không chỉ có hình dáng tương đồng mà cùng nằm trên một mặt bằng chung chạy dài theo trục bắc - nam; mặt chính quay về hướng đông, vì theo tín ngưỡng của người Champa, hướng đông, hướng mặt trời mọc là nơi trú ngụ của các vị thần linh.

"Trong cấu trúc quần thể của tháp Champa, những khu tháp có 3 tháp song song thông thường thờ 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là Brahma, Vishnu và Shiva. Trong đó, tháp bắc thờ thần Brahma, tháp giữa thờ thần Shiva, tháp nam thờ thần Vishnu", lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định cho hay.

Ngoài 3 cụm tháp chính còn tồn tại, trong khuôn viên di tích còn có 2 kiến trúc bằng gạch nằm ở phía tây được phát hiện qua các lần khai quật khảo cổ.

Tháp cổ bằng gạch cao nhất Đông Nam Á - 3

Đỉnh 3 ngôi tháp Dương Long hình hoa sen tuyệt đẹp (Ảnh: Doãn Công).

Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định cho rằng, cụm tháp Dương Long không chỉ hoành tráng trong cấu trúc đền thờ chính mà tính quy mô của nó còn bao gồm cả ở những công trình kiến trúc phụ chung quanh.

Tháp Dương Long được xem là một biểu tượng tôn giáo, nghệ thuật Champa ở giai đoạn Vijaya và giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Champa. 

Tại Bình Định có 8 cụm tháp với 14 ngôi tháp, đều được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Trong đó, tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Champa đẹp nhất Việt Nam.

Tháp Dương Long được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm