Thảm trạng của “niềm tự hào” du lịch

Trong phiên chất vấn Quốc hội chiều 17.11, Bộ trưởng Bộ VHTTDL khi trả lời về thực trạng của du lịch Việt Nam đã nói đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong niềm tự hào, rằng có một vị Phó Tổng thống đã tìm gặp cho được Bộ trưởng để hỏi về kinh nghiệm, bài học xây dựng, phát triển mô hình này... Ấy nhưng, ghé thăm Làng Văn hóa một lần sẽ thấy, không thể tự hào được với “niềm tự hào” của văn hóa - du lịch Việt Nam!

“Thánh địa” du lịch hoang tàn, xập xệ

Với diện tích 1.544ha, kinh phí từ ngân sách nhà nước được Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2008-2015 là 3.256,8 tỉ đồng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VN (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được kỳ vọng trở thành “thánh địa” của du lịch - dịch vụ - văn hóa. Tuy nhiên, từ khi mở cửa (9.2010) đến nay, Làng Văn hóa chẳng khác gì một khu đất bị bỏ quên.

 


Nhiều công trình đã đổ nát, xuống cấp nghiêm  trọng, không có biển chỉ dẫn.  Ảnh: B.T-H.N

Nhiều công trình đã đổ nát, xuống cấp nghiêm  trọng, không có biển chỉ dẫn.  Ảnh: B.T-H.N

 

Hai năm trước, năm 2013, PV báo Lao Động đã ghé thăm Làng Văn hóa và thực hiện một phóng sự nói về sự hoang tàn, xác xơ nơi đây. “Thánh địa” du lịch vắng lặng, hiu hắt, đến mức nghe thấy cả tiếng bước chân đi. Hàng loạt công trình mới xây bắt đầu xuống cấp, xập xệ. Các khu nhà xây dựng cho du khách tham quan luôn bị khóa trái cửa. Khách có lỡ đến thăm quan mà đói bụng thì đành nhịn về Hà Nội ăn uống, bởi ở đây không có bất cứ một dịch vụ nào, dù là tối thiểu.

Đến nay, sau 2 năm lại ghé thăm làng, cảnh tượng vẫn không thay đổi. Có chăng, lễ hội nhiều hơn, rác nhiều hơn, còn sự hoang vu, lạnh lẽo vẫn như cũ. Những con đường dẫn vào làng rải nhựa thật đẹp, nhưng hiếm hoi lắm mới nghe thấy tiếng xe máy. Trên đường vào “Khu các làng dân tộc”, phòng bảo vệ đìu hiu, không người trực, chiếc barie bằng tre mục giương sẵn nhưng chẳng có khách ghé thăm.

Những ngôi nhà mô phỏng theo kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc vẫn cửa đóng then cài, một vài ngôi nhà có cửa phụ hoặc cửa sổ, ngó vào chỉ thấy mùi hôi nồng, ẩm mốc. Những mái nhà trơ khung, lan can trơ khớp gỗ và những lối vào nhà như mê cung bởi cỏ dại mọc ngút tầm mắt…

Những năm gần đây, để cứu vãn sự thất bại về ấn tượng Làng Văn hóa trong lòng du khách, Ban Quản lý (BQL) Làng thường xuyên tổ chức lễ hội, hội nghị, huy động đồng bào dân tộc từ các địa phương về biểu diễn cho mọi người xem, lấy kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Khi hết lễ hội, đồng bào lại kéo nhau về. Chưa hết, dù là lễ hội với chủ đề gì thì đều giống nhau, chợ vùng cao lẫn lộn hàng hóa Trung Quốc với sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc, chợ nổi Nam Bộ hết trái cây từ miền Tây mang ra, BTC đành… dùng tạm trái cây mua vội từ Hà Nội. Lễ hội sắc xuân, dân ca, dân vũ diễn ra nhàm chán, trùng lặp, du khách cứ tham gia được nửa buổi là bắt đầu thấy nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi và… đói vì thiếu dịch vụ.

Vẫn là “thiếu tiền đầu tư”

Hơn 3.000 tỉ đồng đổ vào một dự án, nhưng nguyên nhân mà những người quản lý Làng Văn hóa thoái thác cho sự xuống cấp, xập xệ, cho không khí đìu hiu, ảm đạm, cho sự khai thác thiếu triệt để tiềm năng du lịch tại đây luôn là… thiếu kinh phí. Thiếu kinh phí, chậm rót tiền dẫn đến chậm tiến độ thi công. Thiếu kinh phí dẫn đến công trình này vừa xong, công trình kia kịp hỏng. Thiếu kinh phí nên quá trình mở dịch vụ tại làng luôn trong tình trạng… sắp triển khai.

Trao đổi với Lao Động sáng 25.11, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc BQL Khu các làng dân tộc - giải thích: “Trước khi xây dựng dự án, dự định là sẽ chọn vật liệu thay thế như bêtông giả gỗ để đảm bảo sự bền vững, nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đã tái hiện không gian văn hóa thì phải có tính thực tế nên quyết định sử dụng nguyên gốc vật liệu của đồng bào như tranh, tre, nứa, lá. Tuy nhiên, do đặc tính của các vật liệu nên không tránh khỏi ảnh hưởng của các tác nhân như giông lốc, mối, mọt. Trong khi đó, nguồn vốn cung cấp cho công tác bảo dưỡng lại có hạn”.

Trong khi đó, trả lời Lao Động cách đây 2 năm, bà Toán Thị Hương - Chánh văn phòng BQL Làng Văn hóa cho biết, những năm gần đây, mỗi năm có hơn trăm tỉ đồng được đổ vào xây dựng dự án. Nếu tính từ lúc khởi công, số tiền đổ vào cho dự án này đã gần cả nghìn tỉ đồng.

Tại họp báo Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2015 diễn ra vào chiều 3.11, ông Lâm Văn Khang - Phó BQL Làng Văn hóa thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, làng vẫn chưa có sự kết nối với các công ty lữ hành và cho rằng đã đến lúc kêu gọi kết nối. Nhưng khi liên hệ với các công ty lữ hành, PV nhận được câu trả lời khá giống nhau. Một Cty du lịch trên đường Đê La Thành (Hà Nội) giải thích, chỉ những dịp có lễ hội, chương trình thì đến Làng Văn hóa mới có thú vui, chứ ngày thường thì khá buồn, khách du lịch không thích đến. Một Cty khác tại đường Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tiết lộ, thỉnh thoảng họ mới nhận được tour về làng, 1 tháng chỉ có khoảng 2 lần với số lượng khách khá ít.

Còn việc đưa đại diện 54 dân tộc về sinh sống tại làng văn hóa này theo như ý tưởng ban đầu cũng không thực hiện được, vì... thiếu kinh phí. Tại buổi họp báo Tuần Đại đoàn kết các dân tộc 2015, ông Khang nhấn mạnh hiện tại có tới… 2 đồng bào dân tộc (Mường, Thái) thường xuyên sinh hoạt tại đây như một thành tích.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VN mở cửa đến nay đã được 5 năm, nhưng thảm trạng của công trình nghìn tỉ này khiến câu hỏi bao giờ giấc mộng đẹp về một “thánh địa” văn hóa - du lịch thực sự là “niềm tự hào” e là lâu nữa, có khi đến nhiệm kỳ Bộ trưởng VHTTDL sau, cũng khó có câu trả lời.

Theo Bình Thủy - Huyên Nguyễn

LĐO