Sao anh không về chơi thôn Vĩ…

(Dân trí) - Một lần đến với Huế, thăm thôn Vĩ Dạ là một lần thương nhớ hoài niệm về mảnh đất và con người xứ Huế...

Vĩ Dạ là một làng ven phố được bao bọc bởi hai dòng Hương Giang và Như Ý ở phía Bắc và phía Tây, của dòng sông đào Lại Thế ở phía Đông, của cánh đồng lúa trải rộng ở hướng Nam.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ…

Màu xanh của nương ngô, của khóm trúc, vườn cau đôi bờ sông và ánh trăng trên dòng nước lặng lờ ấy đã tạo nên một Vĩ Dạ thôn giữa lòng xứ Huế.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi vùng đất cố đô này là "lãng mạn Việt Nam". Thiên nhiên, đất trời nơi đây như tranh vẽ, thể hiện sự sắp xếp tài hoa của tạo hóa.

Bởi vậy đến thôn Vĩ Dạ, lữ khách có thể thấy một chút xôn xao của phố thị, sự yên bình của đồng lúa, ngọn gió mát từ những dòng sông và cả thoảng mùi biển mặn của gió biển Thuận An.

Xưa ,Vĩ Dạ là một địa danh nên thơ, một làng nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ, một vùng quê hương sản sinh ra nhiều văn nhân, thi sĩ và nghệ sĩ tài hoa, đã từng là đề tài sáng tác cho các thi nhân khắp nước.

Từ Đập Đá đi xuống Vĩ Dạ, phía bên phải là đồng lúa phì nhiêu, bờ tre xanh ngắt. Đến mùa lúa chín, cánh đồng trông như những đợt sóng vàng, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời mỗi khi có gió nhẹ lướt qua.

Thôn Vĩ ôm cả hòn ngọc xanh Cồn Hến. Dòng sông Hương khi xuôi về biển cả đã gửi về thôn Vĩ những lớp phù sa tích góp của cuộc hành trình như món quà thơm thảo cho hoa đồng cỏ nội. Cũng ít có nơi nào như Vĩ Dạ, đứng ở đầu thôn mà lại có thể nhìn đến chân trời.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ…

Xuôi dòng Hương Giang để đến với Vĩ Dạ. Nơi ấy, dòng sông Hương bị Cồn Hến chia đôi con nước thơ mộng và chính sự chia cắt ấy đã làm nên một Cồn Hến cho kẻ nhớ, người thương.

Cồn Hến nằm ở hạ nguồn sông Hương thơ mộng, nổi tiếng với đặc sản cơm, bún hến của riêng Huế. Ở giữa kinh đô du lịch, cồn Hến là một nốt trầm xao xuyến trong trường khúc Huế nhiều xúc cảm. Đó là mảnh đất thơ mộng mà nhà thơ lãng mạn Hàn Mặc Tử đã từng có Thôn Vĩ Dạ diễm cảnh, chất tình.

Người đến Huế thì nhiều nhưng không mấy người bỏ thời gian tìm về thôn Vĩ, nhưng ai đã từng đến nơi đây hẳn sẽ có thật nhiều cảm xúc về một ngôi làng mộc mạc, như nốt trầm bên dòng sông Hương bao đời thơ mộng.

Bao đời nay, cồn Hến vẫn có những nhịp sống bình dị, đãi hến để làm nên đặc sản riêng biệt của vùng đất trầm mặc.

Gọi là cồn Hến, bởi ở vùng này có rất nhiều hến và là loại hến ngon ngọt đặc biệt không nơi nào có mà người ta vẫn gọi là “hến sông Hương”. Hến sông Hương làm nên những thứ cơm hến, bún hến, hến xào… trứ danh mà ở các vùng miền khác, dù là dân Huế đến làm với nghề chế biến gia truyền vẫn không tạo ra được. Tôi hiểu vì sao mà ở Sài Gòn, đi vào những nhà hàng Huế sang trọng, vẫn thấy không ngon như ngồi bộ bàn ghế nhựa giản dị, dưới khóm trúc, hàng cau… nhìn ra mặt sông xanh ngắt và nếm thứ hến nhỏ li ti ngọt mát, ăn ly chè bắp thơm nồng.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ…

Sông Hương trải rộng đến thượng ngàn, mở ra tầm mắt hướng đến chân trời phía Tây, nơi Trường Sơn xanh ngắt dưới tầng mây bạc cũng là nơi ánh mặt trời lặn xuống cho Vĩ Dạ nhuộm một ánh vàng trước khi ngã sang màu tím biếc của hoàng hôn.

Gần hơn trên đường hướng đến chân trời ấy là những nhịp cầu Trường Tiền, là chợ Đông Ba, là phố cổ Gia Hội, là những con đò chìm nổi Hương Giang.

Nếu có dịp đến cồn vào buổi sáng sớm, khi một chút nắng vừa lên nhưng sương vẫn tỏa trên mặt sông, nhạt nhòa một màu hư ảo, bạn có thể hiểu vì sao Hàn thi sĩ đã phải thốt lên: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.

Những buổi chiều tà, người lữ khách có thể thả lòng mình bên dòng sông Hương êm đềm với vẻ đẹp như thách thức thời gian, để mọi ưu phiền trôi theo dòng nước.

Huế đẹp. Ai cũng đồng tình. Nhưng nhiều vẻ đẹp của Huế vẫn chưa được du khách tỏ tường. Bởi nét đẹp của Huế là nét đẹp của sự “dịu dàng pha lẫn trầm tư”…

Vĩ Dạ mang hình ảnh của một “Huế đẹp, Huế thơ”. Tuy chân chất, mộc mạc nhưng mang trong mình nét đẹp của quê hương với cảnh sắc mây trời hòa hợp với con người xứ Huế.

Vĩ Dạ mang trong mình tiếng thầm lúc nhẹ nhàng, lúc khắt khoải. Hãy đến với Huế để cảm nhận những thi vị vốn rất mộc mạc mà mang đậm nét hoài cổ.

Thôn Vỹ bây giờ không còn đẹp mộng mơ như xưa, dưới ngòi bút của nhà thơ Hàn Mặc Tử để ai đó phải khắc khoải câu thơ: Sao anh không về chơi thôn Vĩ. Thôn Vĩ nay đã lên phường, nhưng trào lưu không xoá nhoà hết được những gì đã ăn sâu vào tâm tưởng của người dân xứ Huế.

Vỹ Dạ có phong cảnh nên thơ, có dòng sông xanh, có những thiếu nữ thướt tha duyên dáng, những chàng trai phong nhã, đa tình luôn mời gọi lữ khách một lần về chơi thôn Vĩ.

Song An

(Ảnh Internet)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm