Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sa Pa treo bảng khuyến cáo "du khách không mặc trang phục Mông Cổ" chụp ảnh

Minh Nhân

(Dân trí) - Bản Cát Cát (Sa Pa) xuất hiện tấm bảng khuyến cáo du khách "không mặc trang phục Mông Cổ, hở hang để tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa người H'Mông".

Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lào Cai đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm. Đây cũng là một trong những nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngày 23/12, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về tấm bảng khuyến cáo trang phục khi du lịch Sa Pa gây xôn xao. 

"Khuyến cáo: Xin quý khách vui lòng không mặc trang phục Mông Cổ, hở hang để tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa người H'Mông. Trân trọng cảm ơn!", nội dung tấm bảng được treo bên ngoài nhà dân ở bản Cát Cát. 

Trào lưu thuê những bộ trang phục ngoại lai Mông Cổ, Tây Tạng chụp ảnh tại nhiều điểm du lịch ở Hà Giang, Sa Pa... xuất hiện khoảng một năm trở lại đây. Phong cách chụp ảnh này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì không phù hợp với bản sắc các dân tộc Việt Nam.

Do đó, việc xuất hiện tấm bảng khuyến cáo trang phục nhanh chóng được cư dân mạng ủng hộ. 

"Biển chữ thì đẹp, nội dung thì lịch sự và văn hóa cao. Cảm ơn người chụp và chủ nhà", tài khoản Tố Hoa bình luận. 

"Quá chuẩn, tự nhiên mang trang phục ở đâu về làm mất văn hóa bản địa của Sa Pa", tài khoản Thắng Cao viết.

Sa Pa treo bảng khuyến cáo du khách không mặc trang phục Mông Cổ chụp ảnh - 1

Tấm bảng khuyến cáo du khách không mặc trang phục Mông Cổ, hở hang xuất hiện tại bản Cát Cát (Ảnh: Tô Bá Hiếu).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, đồng thời là người chụp bức ảnh trên, cho biết việc mặc các trang phục không phải là trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Sa Pa có thể khiến du khách quốc tế hiểu sai về văn hóa Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trong khi đó, bản thân du khách không có lỗi khi mặc trang phục, cổ phục nước ngoài, bởi vì họ thấy đẹp, thấy phù hợp với nhu cầu của mình. 

Theo ông Hiếu, Ban Quản lý khu du lịch Cát Cát đang tích cực khuyến cáo các hộ kinh doanh, thợ chụp ảnh thay đổi định hướng cho khách du lịch mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông Cát Cát và các trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

"So với trước, tình trạng du khách mặc trang phục ngoại lai đã giảm 70-80%", ông Hiếu nhận định. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai cho hay ban đầu có nhiều ý kiến không đồng thuận với định hướng này. Họ cho rằng những bộ trang phục ngoại lai sẽ thu hút đông khách du lịch đến bản Cát Cát.

Nhưng theo ông Hiếu, làm du lịch phải tính lâu dài, "chứ không phải vì lợi nhuận trước mắt".

Trên thực tế, chính quyền Sa Pa không cấm, mà chỉ khuyến cáo và tuyên truyền người dân và du khách, bởi chưa có chế tài xử phạt người mặc trang phục nước ngoài khi đến các khu, điểm du lịch.

"Tôi cho rằng trào lưu này sẽ sớm kết thúc trong bối cảnh bản Cát Cát đang nỗ lực bảo tồn văn hóa địa phương", ông Hiếu nói. 

Sa Pa treo bảng khuyến cáo du khách không mặc trang phục Mông Cổ chụp ảnh - 2

Du khách Việt lựa chọn trang phục Tây Tạng chụp ảnh ở Sa Pa (Ảnh: Vũ Anh Thư).

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết chuyện du khách chọn trang phục mang yếu tố nước ngoài để chụp hình đã xuất hiện ở một số địa phương, không riêng bản Cát Cát. Sở Du lịch tỉnh Lào Cai luôn khuyến khích du khách tôn vinh giá trị của trang phục địa phương.  

"Sở đã đề cập với tỉnh theo Chỉ thị số 13 về những vấn đề cấp bách nhằm phát triển du lịch tỉnh nhà, qua đó tìm những giải pháp tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hóa", ông Thắng cho hay. 

Ông cho rằng "cần tạo ra sức hút riêng với trang phục truyền thống để du khách tự nguyện muốn trải nghiệm".

Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nhận định trào lưu du khách mặc trang phục nước ngoài chụp ảnh tại các điểm du lịch trong nước là một thực trạng đáng buồn, gây tổn thương giá trị văn hóa đặc trưng của người dân tộc.

Theo bà, trang phục không chỉ là cái mặc, mà còn đại diện cho một quốc gia, một bản sắc dân tộc, cho thấy cội nguồn lịch sử phát triển của dân tộc đó. Những họa tiết, hoa văn trên trang phục thể hiện nhân sinh quan của người Việt.

"Nhiều người dân địa phương, tiểu thương nhập trang phục nước ngoài về kinh doanh, đơn thuần nghĩ để "câu khách", tăng giá trị vật chất, nhưng quên mất đang đánh đổi giá trị tinh thần. Sự mất mát lớn nhất chính là sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc", nữ tiến sĩ nói.

Bà Hồng phân tích du khách không thể phân biệt trang phục của người dân tộc và của nước ngoài. Họ chỉ có nhu cầu chụp ảnh theo xu hướng độc, lạ. Điều này khiến bản chất là văn hóa du lịch các vùng miền, nhưng sản phẩm hình ảnh lại mang dáng hình, hoa văn, họa tiết của những quốc gia khác.

Nữ tiến sĩ mong muốn chính quyền, đơn vị quản lý tăng cường tuyên truyền, vận động người dân địa phương nhận thức được lòng tự hào và trách nhiệm bảo vệ văn hóa dân tộc.

Với du khách trong và ngoài nước, theo chuyên gia, cần có ứng xử văn hóa đúng đắn và biết tôn trọng giá trị truyền thống của Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm