Rong ruổi trên con đường mang tên Hạnh Phúc
(Dân trí) - Những ai yêu thích khám phá vùng cao thì đường Hạnh Phúc là một hành trình đặc biệt.
Hầu hết du khách muốn chinh phục cung đường này để thấy được cảnh sắc hùng vĩ cùng cuộc sống tươi đẹp phải vượt qua những con đèo cao vút như đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời. Và đặc biệt là vượt qua bức tường thành Mã Pì Lèng danh tiếng.
Đường Hạnh Phúc là tên gọi của con đường nổi tiếng dài 185 km nối liền thị xã Hà Giang đến Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn rồi vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc. “Hạnh phúc” là tên gọi của con đường huyền thoại trên vùng đất Hà Giang. Có bao câu chuyện đằng sau con đường Hạnh Phúc ấy mà không phải ai cũng tỏ tường.
Con đường huyền thoại ấy được khởi công ngày 10/9/1959 và đi vào hoạt động từ ngày 10/3/1965, vượt qua địa hình hiểm trở với núi đá cao dựng đứng, vực sâu hàng trăm mét. Cách đây hơn nửa thế kỷ bằng sự lao động kiên cường của hàng nghìn thanh niên xung phong và dân công thuộc 6 tỉnh Việt Bắc và 2 tỉnh Nam Định, Hải Dương đã mở thành công con đường đem lại ánh sáng mới cho đồng bào vùng cao.
Đường Hạnh phúc - gắn liền với bao công sức của thanh niên. Họ đã hi sinh sức trẻ, bỏ bao mồ hôi và cả xương máu. Nó giống như một chiến tích lịch sử mà họ đã bỏ công sức ra giúp người dân nơi đây.
Hành trình trên con đường Hạnh Phúc với những đoạn đèo dốc, cua tay áo đến rợn người du khách sẽ thấy được cảnh bình yên của những bản làng dưới lòng thung lũng.
Đi trên đường Hạnh Phúc, người ta có thể chiêm ngưỡng những quả núi trùng trùng điệp điệp, một vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất cao nguyên đá nơi đây. Rồi ở trên những đoạn đèo dốc chốc chốc lại bắt gặp cảnh bình yên dưới lòng thung lũng. Những bản làng của các dân tộc những huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc giờ đây đã đổi thay. Người dân không còn trồng hoa anh túc như xưa nữa, giờ họ biết trồng ngô trên những núi đá khô cằn.Những nương ngô phủ một màu xanh mướt lên núi đá.
Cao nguyên đá ngày nay đã đổi thay, các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã xuất hiện sắc màu no đủ của cuộc sống mới, với những mái trường mọc lên dọc con đường Hạnh Phúc.
Dốc Bắc Sum, dốc Cán Tỷ, tường trình Phó Bảng, phố Cáo, Sủng Là, phố cổ Đồng Văn, hay Mã Phì lèng, đêm đèn lồng phố cổ Đồng Văn là những địa danh khiến nhiều người siêu lòng
Vượt qua những con dốc, đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng, chợt ngỡ ngàng giữa không gian hùng vĩ của núi đá trùng điệp. Xung quanh là biển mây trắng xóa, dưới chân là dòng sông Nho Quế xanh ngắt, ở đó ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự bao la hùng vĩ của núi rừng, để thêm hiểu hơn về đất nước quê hương.
Trên đường Hạnh Phúc đến cao nguyên Đồng Văn, đứng trên cổng trời ta có thể nhìn thấy một khu vực cây cối um tùm, ẩn hiện dưới thung lũng mây Sà Phìn nổi bật hẳn lên giữa vùng cao nguyên hoang sơ, nơi đó chính là nhà Vương - một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Mông vùng núi đá Hà Giang.
Nằm ẩn mình dưới thung lũng mây Sà Pìn, sau những tán cây Sa Mộc thẳng tắp vươn mình lên cao vút, khu di tích nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang từ lâu đã trở thành điểm đến không thể thiếu của nhiều đoàn khách khi lên cao nguyên cực Bắc, Hà Giang.
Dọc đường Hạnh Phúc nếu ngóng chờ một điểm dừng chân náo nhiệt thì không đâu khác ngoài thị trấn Đồng Văn. Chợ phiên, phố cổ là những nơi tập trung đông người với các hoạt động mua bán, múa hát sôi động. Chúng mình không nên bỏ lỡ cơ hội này để thưởng thức đặc sản Hà Giang như rượu ngô, thắng cố.
Điểm kết thúc hành trình Hạnh Phúc là thị trấn Mèo Vạc. Mùa cuối năm cũng là lúc hoa tam giác mạch chen nhau đua nở. Trải dọc con đường Hạnh Phúc ấy là cả hành trình thú vị với thiên nhiên quyến rũ với cả những cung đường uốn lượn, khúc cua tay áo ngoạn mục hay ngôi nhà trình tường óng ánh vàng. Nhưng đến đoạn cuối của đường Hạnh Phúc người ta sẽ không ngờ vùng cao nguyên đá ấy lại có một “thiên đường hoa” thơ mộng, đẹp đến nao lòng như vậy.
Hà Anh (Tổng hợp)