Quy hoạch đảo du lịch Cù Lao Chàm để đón khách VIP
(Dân trí) - Lãnh đạo Hội An, Quảng Nam và các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Cù Lao Chàm (Hội An) phải được quy hoạch để đón khách hạng sang, chất lượng cao thay vì đón khách “ít tiền, bình dân” sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái và thương hiệu Cù Lao Chàm.
Ngày 12/10, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ hội thảo Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm.
Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, kể từ khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009), công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm được tập trung mạnh mẽ với sự đồng hành và góp sức của 4 lực lượng gồm nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Năm 2009, khách đến với Cù Lao Chàm chỉ đạt hơn 20.000 lượt nhưng đến tháng 10/2018 đã có khoảng 400.000 lượt khách đến Cù Lao Chàm tham quan, du lịch; do đó thu nhập bình quân đầu người dân trên đảo tăng cao.
Từ một địa phương chỉ dựa vào kinh tế nông nghiệp là chính nay đã chuyển mình trở thành một địa phương du lịch phát triển năng động. Với sự phát triển vượt bậc về hạ tầng cơ sở, các công trình dân sinh, đường quốc phòng.
Bà Thúy cho hay, nếu như cách đây 15 năm, sinh kế của người dân Cù Lao Chàm phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác thủy sản và tài nguyên rừng thì đến nay đã có sự thay đổi đáng kể, người dân đã giảm đánh bắt mà vẫn có thể tăng thu nhập thông qua những hỗ trợ sinh kế thay thế, cụ thể là du lịch.
Tuy nhiên, một số ý kiến của chuyên gia nhìn nhận, sự phát triển “nóng” của du lịch bên cạnh những yếu tố tích cực cũng tác động tiêu cực khiến công tác bảo tồn Cù Lao Chàm gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hệ sinh thái biển và rừng.
Đáng chú ý là việc khai thác nguồn lợi thủy sản lén lút từ những ngư dân nơi khác đến dẫn đến suy giảm hệ sinh thái biển. Ngoài ra, áp lực về phát triển du lịch khiến nguồn nước ngọt trên đảo ngày càng hao hụt. Chưa kể nước thải, rác thải… từ người dân và du khách thải ra tác động đến môi trường sống của người dân cũng như nhiều loài động thực vật trên đảo, đặc biệt là rùa biển.
Bên cạnh đó, ô nhiễm từ đất liền cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hệ sinh thái và môi trường đảo. Một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức quản lý không theo kịp quá trình phát triển của du lịch, dẫn đến chệch hướng phát triển Cù Lao Chàm.
Do đó, để Cù Lao Chàm phát triển bền vững, về lâu dài cần có những chế định cụ thể, đồng thời nhanh chóng triển khai công tác quy hoạch trên đảo; ban hành những quy chế quản lý khai thác du lịch, kể cả những quy định về kiến trúc xây dựng...
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng, những vấn đề Cù Lao Chàm đang đối diện phải được nhìn nhận và đánh giá khoa học. Vì vậy, hội thảo chính là dịp để tỉnh và TP Hội An lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tìm ra giải pháp phù hợp theo từng giai đoạn của sự phát triển cũng như dự báo tương lai cho Cù Lao Chàm, nhất là trong mối quan hệ mật thiết với các hệ sinh thái biển từ Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, hiện nay du lịch Cù Lao Chàm quá thiên về số lượng, thiếu chất lượng, cách tiếp cận như hiện nay kéo dài sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Ngoài ra, cần nghiên cứu mở rộng vùng lõi, hướng đến quản lý từ rừng xuống biển, từ trên bờ ra đảo...
Đặc biệt, phải có quy hoạch phát triển du lịch trên đảo Cù Lao Chàm đón khách hạng sang, khách VIP thay vì chỉ đón khách đại trà, bình dân như hiện nay, khi đó Cù Lao Chàm mới có thể hướng đến sự phát triển bền vững.
C.Bính