Quan tài rỗng không có xác bên trong mộ 4.000 năm của nữ hoàng Ai Cập

Huy Hoàng

(Dân trí) - Suốt hơn 4.000 năm, lăng mộ của một vị nữ hoàng Ai Cập vẫn còn nguyên vẹn với nhiều món báu vật bằng vàng được cất giấu bên trong.

Lần tìm theo dấu vết

Năm 1922, nhà khảo cổ học người Mỹ Howard Carter khám phá ra một ngôi mộ chứa đầy kho báu đã làm dấy lên niềm đam mê và sự quan tâm của công chúng dành cho những gì thuộc về người Ai Cập cổ đại.

Khám phá lăng mộ của nữ hoàng Ai Cập Hetepheres

Trước đó, từ đầu những năm 1900, trên cao nguyên Giza nơi có ba kim tự tháp nổi tiếng là biểu tượng tự hào của Ai Cập, đã được một nhóm học giả nước ngoài khai quật một cách có hệ thống. Một phần của khu địa hình rộng lớn này được nhà khảo cổ người Mỹ George Reisner phụ trách.

Vào ngày 2/2/1925, nhiếp ảnh gia của Reisner là Mohammedani Ibrahim làm việc gần kim tự tháp do Pharaoh Khufu xây dựng vào giữa thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Nhiếp ảnh gia này nhận thấy trụ đỡ máy ảnh của ông dựa trên lớp thạch cao màu trắng. Có thể, đây là phần đỉnh của một công trình nằm ẩn mình dưới lòng đất.

Quan tài rỗng không có xác bên trong mộ 4.000 năm của nữ hoàng Ai Cập - 1
Cảnh quan bên trong ngôi mộ (Ảnh: National Geographic).

Ibrahim phải cáo báo sự việc với người chủ của mình là nhà khảo cổ học Reisner. Nhưng khi đó, Reisner đang ở Boston (Mỹ) với tư cách là giáo sư Ai Cập học của trường Đại học Harvard. Trong lúc ông vắng mặt, nhóm cộng sự bắt đầu đào xới và tìm thấy một căn hầm hẹp, nằm ở độ sâu khoảng 26m chứa rất nhiều đá vụn. Bằng chứng này cho thấy họ đã tìm thấy một ngôi mộ cổ.

Vào thời điểm đó, nạn trộm cướp mộ cổ đã diễn ra ở Giza suốt hàng nghìn năm với những nhóm hoạt động chuyên nghiệp. Bởi vậy, khả năng tìm thấy một ngôi mộ còn nguyên vẹn là rất thấp.

Với nhóm khảo cổ của Reisner, dấu hiệu tìm thấy một ngôi mộ mới là khoảnh khắc thắng lợi. Nhưng vào cuối tuần đó, họ lại nhận được công điện từ Boston gửi tới, yêu cầu phải tạm ngừng công việc khai quật. Ngôi mộ mang số hiệu G7000X bị niêm phong.

Những phát hiện bất ngờ

Sinh năm 1867 ở Indianapolis, nhà khảo cổ học Reisner từng phụ trách đợt khảo sát khảo cổ tại khu vực Nubia (nay là miền nam Ai Cập và Sudan).

Năm 1902, nhà Ai Cập học người Pháp Gaston Maspero đã phân chia cao nguyên Giza cho những người khai quật xuất sắc nhất thời bấy giờ nhằm ngăn chặn nạn trộm mộ và giảm sự xuống cấp. Phần trung tâm của Giza được trao cho Reisner. Ông tin rằng mình là người duy nhất đủ khả năng thực hiện toàn bộ cuộc khai quật. Bởi vậy, ông đã yêu cầu nhóm cộng sự tạm hoãn mọi việc, đợi tới khi ông quay lại Ai Cập.

Sau khi hoàn thành công việc ở Mỹ và trở lại Ai Cập, Reisner bắt tay vào việc khám phá ngôi mộ cổ G7000X. Nơi này chính thức được khám phá vào tháng 1/1926.

Khi bước vào căn phòng chứa quan tài, Reisner phát hiện thấy những món đồ tạo tác bọc vàng đã bị nước làm hỏng. Tình trạng tồi tệ tới mức khiến ông sợ nó sẽ bị sụp đổ. Quá trình thu thập những mảnh gỗ, đồ khảm nạm được tiến hành công phu và tỉ mỉ.

Quan tài rỗng không có xác bên trong mộ 4.000 năm của nữ hoàng Ai Cập - 2
Món cổ vật chim ưng bằng vàng trong mộ nữ hoàng (Ảnh: National Geographic).

Ngoài ra, ông và nhóm cộng sự còn tìm thấy một mái che và giường, ghế bành và chiếc kiệu. Tên chủ nhân ngôi mộ "Hetepetheres" được khắc trên chiếc kiệu.

Từ chi tiết này, Reisner suy đoán, chủ nhân ngôi mộ là một phụ nữ. Đó là nữ hoàng Ai Cập Hetepetheres. Bà vốn là mẹ của vị Pharaoh Khufu - Vua thứ 2 của Vương triều thứ 4 Ai Cập cổ đại. Lăng mộ của bà nằm ẩn dưới bóng Đại kim tự tháp của Pharaoh Khufu suốt hơn 4.000 năm.

Tranh cãi xung quanh chiếc quan tài rỗng không có xác

Chiếc quan tài bằng thạch cao của nữ hoàng Hetepetheres được khai quật vào tháng 3/1927. Nhưng bên trong không chứa thi thể. Điều này gây nên sự tranh luận gay gắt giữa các nhà sử học khi tìm hiểu nguyên nhân điều gì đã xảy ra với xác người chết.

Theo ý kiến của Reisner, ông cho rằng ban đầu vị nữ hoàng này được chôn gần chồng bà là Snefru tại Dahshur. Sau đó con trai bà, Pharaoh Khufu đã xây ngôi mộ mới ở Giza, nhưng hài cốt của mẹ ông không bao giờ chuyển tới nơi đó. 

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại nhận định, thi thể nữ hoàng được chôn cất tại kim tự tháp nhỏ G1a ở chân của Đại kim tự tháp.

Sau cuộc khai quật, chiếc ghế bành trong mộ cổ được phục dựng và trưng bày tại bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo ngày nay. Sau khi nhà khảo cổ Reisner qua đời năm 1942, các chuyên gia đã khôi phục lại cỗ kiệu và phủ lớp vàng bên ngoài. Món cổ vật này được đặt tại Bảo tàng Cận đông cổ đại Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ.