Quán phở đỏ độc lạ ở Hà Nội, ông chủ kì công học công thức từ Hà Giang
(Dân trí) - Bánh phở tại quán của anh Tuấn Anh được làm từ 4 loại gạo khác nhau, trong đó có hai loại gạo đỏ, hay còn gọi là gạo huyết rồng được trồng tại Hà Giang.
Gần đây, một quán phở tại Hà Nội gây chú ý trên mạng xã hội khi bánh phở có màu đỏ khác lạ và được tráng thủ công ngay trước cửa quán.
Theo tìm hiểu, quán phở này nằm trên con phố Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội). Chủ quán phở là anh Nguyễn Tuấn Anh (41 tuổi).
Quán phở được anh Tuấn Anh trang trí theo phong cách hoài cổ. Ngay cửa quán là chiếc nồi hơi bốc khói nghi ngút. Đây là nơi chủ quán và nhân viên tráng bánh phở thủ công, tráng tới đâu bán tới đó.
Theo chủ quán, sở dĩ bánh phở có màu lạ mắt là do được làm chủ yếu từ hai loại gạo đỏ, được bà con trồng ở vùng Xín Mần (Hà Giang), có một tên gọi địa phương khác là gạo huyết rồng.
"Ưu điểm của bánh phở đỏ là để lâu không bị nát và không gây đầy bụng khi ăn nhiều ngày liên tục", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh Tuấn Anh cho biết, anh là người yêu thích ẩm thực và du lịch, từng có nhiều chuyến phượt tới vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc. Trong một lần đi du lịch qua địa bàn huyện Xín Mần (Hà Giang), anh được ăn phở do chính bà con ở đây chế biến. Thấy ngon và đặc biệt, anh đã bày tỏ mong muốn học nghề nhưng nhiều lần đều bị từ chối.
"Nhiều lần tôi vượt đường xa tìm tới Hà Giang nhưng bà con từ chối truyền nghề. Mãi sau này, khi thấy tôi thật sự khao khát tìm hiểu, kiên trì và thật tâm, bà con ở huyện Quản Bạ (Hà Giang) mới dạy công thức làm phở đỏ", anh Tuấn Anh kể.
Bánh phở đỏ được làm từ bột xay của 4 loại gạo, gồm 2 loại gạo trắng và 2 loại gạo đỏ của vùng núi Hà Giang. Các loại gạo được ngâm riêng trong vòng 6 tiếng, sau đó được xay với nước, trộn vào với nhau theo một tỷ lệ nhất định, sau đó đem đi tráng trong nồi hơi khoảng 2 phút.
"Để ra một bát phở đỏ ngon phải dựa trên nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là nước dùng phải đủ ngọt, bánh phở đủ mềm dẻo không bị nát, kèm theo là thịt bò phải tươi. Thịt bò tôi sử dụng là loại bò ta, được nhập hàng ngày ở Hoài Đức (Hà Nội).
Bánh phở được tôi tráng tay, phơi, rồi gấp, công đoạn cuối cùng là thái. Ăn đến đâu tráng tới đó để đảm bảo độ tươi ngon", chủ quán cho biết.
Nồi nước dùng được anh Tuấn Anh ninh hơn 22 tiếng. Công thức hiện nay được đúc rút từ rất nhiều lần thất bại.
"Từ việc ninh lửa to, lửa nhỏ lúc nào, hay cho gia vị lúc nào nhiệt độ bao nhiêu cũng cần phải lưu ý. Nước phở nhà tôi không theo phong cách ở Hà Giang mà là Hà Nội. Trong nước dùng cũng có thêm quế, hồi, gừng, hành, sá sùng... theo tỉ lệ phù hợp", chủ quán cho biết.
Quán có đầy đủ các món phở về bò như: tái, gầu, nạm, áp chảo... Trung bình mỗi bát phở có giá 40.000 đồng.