Quán nước mía 64 năm TPHCM không tên, không chỗ ngồi vẫn nườm nượp khách
(Dân trí) - Dù không bảng hiệu nhưng quán nước mía ở đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận, TPHCM) vẫn đông khách. Những ngày nắng nóng, khách kéo đến quán nườm nượp để xếp hàng chờ mua.
20h, quán nước mía này vẫn chật kín với nhiều khách đứng đợi. Bên trong quán, ai cũng tất bật, người ép mía, người cho nước vào ly, người đóng nắp, mang ra cho khách.
Đây là quán nước mía nổi tiếng ở TPHCM, tồn tại hơn 60 năm. Dù mặt tiền chỉ khoảng hơn 2m và không có chỗ để ngồi lại, nhưng quán luôn đông khách bất kể ngày đêm.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Phan Thị Diễm (SN 1982) - chủ quán - cho biết quán nước nhỏ này ra đời từ năm 1960, do cha của chị cùng các anh em gây dựng, rồi truyền lại đến đời của chị.
"Hiện tôi và chị họ của tôi tên Phan Thị Lợi (SN 1965) cùng điều hành quán. Quán không có tên tuổi cụ thể gì cả. Bao nhiêu năm qua, nơi đây chỉ được biết đến là quán nước mía trên đường Phan Đình Phùng mà thôi", chị nói.
Một trong những điều đặc biệt khiến quán nước mía này được nhiều người yêu thích là thay vì cho đá viên vào nước mía như nhiều nơi khác, nơi đây sử dụng đá cây nguyên khối đập thành ra từng cục lớn để cho vào.
Không ít khách hàng nhận xét, nhìn thau nước mía nguyên chất xanh mát với những tảng đá trong veo vô cùng hấp dẫn. Không chỉ vậy, quán không cho quá nhiều đá, nên ly nước mía có phần nước nhiều hơn ở những nơi khác.
Theo chị Diễm, nước đá nguyên khối, hay còn được gọi là nước đá cây, lâu tan hơn đá viên. Vậy nên khi dùng loại đá này, quán đảm bảo được vị ngon ngọt của nước mía.
"Cứ mỗi lần ép mía vào thau, chúng tôi lại đập nước đá cho vào cùng rồi mới cho vào ly, túi để bán cho khách. Tiệm còn ép mía cùng với cam và chanh, để nước có vị chua thanh, hấp dẫn hơn", chị Diễm cho hay.
Nhiều năm qua, quán duy trì bán nước mía với giá 15.000 đồng/ly nhựa và 22.000 đồng/túi. Mỗi túi sẽ được đong 2 ly thủy tinh. Tuy nhiên, nếu ly nhựa có dung tích khoảng 450ml thì ly thủy tinh chỉ khoảng 350ml.
Một số khách hàng cho rằng nước mía bỏ vào túi khiến họ yên tâm hơn vì không sợ đổ, có thể treo trên xe dễ dàng hơn.
Chủ quán cũng tâm sự, mỗi ngày quán lấy mía ở chợ Phú Nhuận, đem về làm sạch rồi ép bán. Quán cũng không biết mỗi ngày bán được bao nhiêu ly, song nhân lực ở quán cứ làm hoài, làm mãi không có thời gian ngơi tay.
"Những ngày mưa thì khách ít, nhưng ngày nắng thì nhân viên của quán - chủ yếu là người nhà - tăng tốc, ép mía bán không có thời gian nói chuyện. Quán bán từ sáng đến đêm. Trời sụp tối thì lại càng nhộn nhịp, người xếp hàng đông nghẹt, mua uống dọc đường, mua mang về đủ cả", chị Diễm cho hay.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều khách đến mua yêu cầu quán không cho đá, để tiện mang đi xa. Dù vậy, quán vẫn đong đầy ly như bình thường, không có chuyện bớt nước mía đi.
"Luôn chân luôn tay" cột bịch nước mía, nhưng khi thấy khách đứng đợi mặc áo đồng phục của shipper (người giao hàng), chị Diễm lại nhanh nhẹn hỏi lớn: "Anh giao hàng hay mua uống?".
Chị Diễm giải thích, nếu tài xế đi giao hàng, quán sẽ đong nước mía như bình thường. Còn nếu tài xế mua nước mía để giải khát, quán sẽ bán nhiều nước mía hơn, như một cách tiếp sức, bồi dưỡng và ủng hộ tinh thần họ.